Tuyên bố Hội An 2017 về bảo tồn và phát triển đô thị di sản

Cập nhật: 19/06/2017
Tuyên bố Hội An 2017 thống nhất bảo đảm việc bảo tồn các đô thị lịch sử và di sản đô thị của châu Á một cách có hiệu quả, công bằng, hướng tới cách tiếp cận toàn diện và xem xét bối cảnh nhận thức rộng lớn.
 
Hội thảo quốc tế Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản thông qua Tuyên bố Hội An 2017. Ảnh: VGP/Thế Phong

 

 

Chiều 14/6, hội thảo quốc tế Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản đã thông qua Tuyên bố Hội An 2017 với các nguyên tắc, khuyến nghị đối với chính quyền Trung ương, địa phương, cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế.

Theo đó, Tuyên bố Hội An 2017 thống nhất bảo đảm việc bảo tồn các đô thị lịch sử và di sản đô thị của châu Á một cách có hiệu quả, công bằng, hướng tới cách tiếp cận toàn diện và xem xét bối cảnh nhận thức rộng lớn.

Bối cảnh này bao hàm cả địa hình, địa mạo, thủy văn và các đặc điểm tự nhiên, môi trường được xây dựng, cả trong lịch sử và hiện tại, cơ sở hạ tầng trên và dưới lòng đất, các không gian mở và vườn tược, mô hình sử dụng đất và tổ chức không gian, nhận thức và các mối tương quan thị giác, cũng như các yếu tố khác thuộc về cấu trúc đô thị của một khu di sản.

Bối cảnh này cũng bao gồm các khía cạnh phi vật thể liên quan đến sự đa dạng và bản sắc, chẳng hạn như các thực hành, giá trị văn hóa-xã hội, hay các tiến trình kinh tế.

Các đại biểu cho rằng cần có các chính sách và cơ chế rõ ràng, áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người nhằm bảo đảm sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc thiết kế, quản lý và chia sẻ công bằng lợi ích. Điều này sẽ hỗ trợ việc gắn kết các mục tiêu bảo tồn với công bằng xã hội và mức sống của người dân địa phương, cũng như các chủ nhân và những người quản lý truyền thống của các yếu tố tạo nên di sản đô thị.

Đồng thời khẳng định quản lý du lịch là một phần không thể tách rời trong mọi kế hoạch bảo tồn, quản lý các đô thị lịch sử. Khi được quản lý một cách phù hợp, các chức năng mới như dịch vụ, du lịch sẽ trở thành những sáng kiến kinh tế quan trọng có thể đóng góp vào sự thịnh vượng của cộng đồng, cũng như công tác bảo tồn tại các khu đô thị lịch sử và di sản văn hóa liên quan; bảo đảm sự đa dạng về kinh tế-xã hội và chức năng cư trú. Việc bảo đảm các dịch vụ nhằm bảo vệ các di sản vật thể và phi vật thể có vai trò quan trọng đối với cả cộng đồng địa phương cũng như khách du lịch.

Bên cạnh đó, hợp tác công-tư nên được thúc đẩy thông qua quan hệ đối tác nhằm bảo đảm áp dụng thành công các sáng kiến mang lại cách thức và phương tiện giảm nghèo đô thị, thúc đẩy phát triển xã hội và con người. Tuy nhiên, việc gắn kết khu vực tư nhân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản không làm ảnh hưởng đến các mục tiêu quản lý, thay thế các sáng kiến địa phương, quyền hạn của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như tính thống nhất toàn diện giữa các yếu tố di sản.

Đối với các công trình di sản gỗ dễ bị hư hại, cần có sự quan tâm và đầu tư đặc biệt nhằm phòng tránh và giảm thiểu rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Ngoài ra, các chính sách và thực hành nhạy cảm sinh thái cần được xây dựng, đầu tư hướng tới tăng cường tính bền vững và chất lượng cuộc sống đô thị, đặc biệt liên quan đến tiêu thụ nước, năng lượng.

 

 

 
 
Tuyên bố Hội An 2017 thống nhất bảo đảm việc bảo tồn các đô thị lịch sử và di sản đô thị của châu Á một cách có hiệu quả, công bằng, hướng tới cách tiếp cận toàn diện và xem xét bối cảnh nhận thức rộng lớn

 

 

Tuyến bố Hội An nêu rõ, việc tư liệu hóa và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể kết tinh trong tri thức truyền thống và nghề thủ công nên được coi là những bộ phận không thể tách rời trong các chiến lược bảo tồn đô thị. Tuy nhiên, việc khuyến khích sử dụng các kỹ thuật và vật liệu truyền thống như gỗ, đá hoặc đá vôi phải được thực hiện hết sức cẩn trọng, có tính đến các biện pháp bảo vệ rừng và trong chu trình tự nhiên của việc bảo vệ rừng.

Phải tăng cường tính liên kết giữa các quy định của địa phương, quốc gia với các cam kết quốc tế, hợp tác khu vực và chia sẻ kinh nghiệm thông qua việc giám sát, đánh giá thường xuyên của các cơ quan chính quyền Trung ương, địa phương với sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi của các tổ chức quốc tế.

Thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực, bao gồm hỗ trợ thực hiện Công ước Di sản thế giới và các công cụ có liên quan, bao gồm công tác chuẩn bị hồ sơ đề cử, lập kế hoạch quản lý di sản; nâng cao nhận thức của công chúng, sự tham gia và ủng hộ di sản thế giới cũng như các di sản khác, bao gồm cả các khía cạnh vật thể và phi vật thể, thông qua các cách thức truyền thông hiệu quả hơn.

Tuyên bố Hội An nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng trong việc hỗ trợ, tạo ra không gian cho đối thoại và hành động, trong công tác lập kế hoạch, thiết kế; thực hiện, giám sát các chính sách và chương trình; trong xây dựng cơ sở vật chất, nhận diện giá trị của di sản, tính đa dạng, sáng tạo cho phát triển bền vững.

Cần có các mô hình phát triển đô thị toàn diện, nhạy cảm văn hóa nhằm thúc đẩy các quy trình mang tính toàn diện trong việc tiếp cận, đại diện và tham gia vào văn hóa. Tầm nhìn và cách tiếp cận này cũng là chìa khóa để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững SDG 11 của Liên Hợp Quốc: “Làm cho các thành phố và các khu định cư trở nên toàn diện, an toàn, linh hoạt và bền vững”.


 

 

 

Thế Phong
Nguồn: Báo Chính phủ