Số hóa các di sản: Hướng đi mới trong công tác bảo tồn (bài 1)

Cập nhật: 18/07/2017
(Cinet) - Nền văn hóa Việt Nam vô cùng đa dạng phong phú với vô số di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đây chính là những kho báu của văn hóa Việt và của nhân loại, đồng thời cũng là tiềm năng kinh tế to lớn cần được khai thác một cách hiệu quả phục vụ sự phát triển đất nước .

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một. Một trong những cái khó của việc bảo tồn các di sản này là sự phụ thuộc của các di sản vào các sinh hoạt cộng đồng. Thực tế, cũng không ít các di sản được bảo vệ nhưng chưa nhận được sự quảng bá, khai thác hiệu quả cho các nhu cầu phát triển, đặc biệt là phát triển du lịch và giáo dục.

Số hóa di sản: Xu thế của thời đại

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển vũ bão của các ngành công nghiệp điện ảnh, công nghiệp du lịch, công nghiệp văn hóa và thậm chí là công nghiệp giáo dục với một trong những nền tảng là siêu công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, sự liên kết chặt chẽ giữa công nghệ và các giải pháp văn hóa đã mang đến những hướng đi mới trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của dân tộc.

Công trình “Tham quan ảo Nhà hát Lớn”. Nguồn: ifi.edu.vn/HanoiOperaHouseVR

Tại Việt Nam, một trong những dự án tích hợp giữa công nghệ và văn hóa, ứng dụng công nghệ để phục vụ xã hội chính là dự án “Số hóa các di sản văn hóa” mà công trình “Tham quan ảo Nhà hát Lớn” do Viện Quốc tế Pháp ngữ thực hiện là một ví dụ sinh động. Công trình được thực hiện dựa trên những giải pháp tiên tiến nhất cùng với những giá trị văn hóa (dựa trên kết quả của những cuộc khảo sát công phu).

Vậy những ưu thế của việc số hóa di sản là gì? Đó là ở chi phí thấp; tính trực quan cao; độ tin cậy cao; sự tích hợp âm thanh, hình ảnh, đặc biệt là âm thanh nổi và hình ảnh ba chiều; ở khả năng nhân bản và truyền bá vô giới hạn với chi phí gần như bằng không; ở sự tương thích hoàn hảo với các phương tiện truyền thông đại chúng; ở sự không giới hạn về thời gian, địa điểm; ở sự đa dạng về đối tượng số hóa từ các di sản vật thể, phi vật thể đến các di sản phức hợp như các lễ hội, các kỹ năng gắn liền với các nghệ nhân…

Ông Ngô Tự Lập - Giám đốc Viện Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.  Ảnh: Minh Khánh

TS Nguyễn Hồng Quang - đại diện nhóm tác giả thực hiện Dự án nghiên cứu và số hóa các di sản văn hóa, Viện Quốc tế Pháp ngữ cho biết, hiện nay chúng ta đang ở trong thời đại internet, một thời đại mà các ứng dụng công nghệ thông tin có thể giúp ích rất nhiều cho con người. Việc ứng dụng các lợi thế, độ tinh xảo của công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ multimedia cho phép chúng ta có thể làm được rất nhiều điều, trong đó có việc số hóa những công trình, tác phẩm văn hóa, kiến trúc.

Quay trở lại với công trình “Tham quan ảo Nhà hát Lớn” vừa ra mắt đầu tháng 7/2017, chỉ với 15 phút, du khách đã trải qua chuyến tham quan ảo tại thánh đường nghệ thuật. Có thể nói với các cảnh quay độc đáo, chuyến tham quan thực sự là bữa tiệc thị giác kết hợp âm nhạc đặc sắc. Nhạc nền không chỉ là những tác phẩm nổi tiếng của nền âm nhạc Pháp mà còn là những tượng đài âm thanh cả một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử quan hệ Pháp - Việt.  Lời thoại (bằng 3 ngôn ngữ Anh - Pháp - Việt, kết hợp với những hình ảnh hiếm, sẽ cung cấp cho khách tham quan một kho kiến thức phong phú về quá trình xây dựng Nhà hát, về những nét độc đáo kiến trúc, về tiến trình hiện đại hóa sân khấu và âm nhạc Việt Nam đầu thế kỷ XX. Tham quan Nhà hát Lớn cũng chính là hành trình du khách trải qua những bước thăng trầm của đất nước cùng sự vận động của xã hội và tâm thức con người Việt Nam trong suốt thế kỷ XX.

Đúng như ông Ngô Tự Lập - Giám đốc Viện Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ “Không thể trốn tránh thì cách tốt nhất là thích ứng và vận dụng. Đó chính là điều chúng tôi tâm niệm. Chúng ta phải biết tận dụng các thế mạnh của công nghệ, ở đây là công nghệ số hóa, để phục vụ xã hội. Công trình tham quan ảo Nhà hát Lớn có thể được dùng để bảo tồn, khai thác và quảng bá cho Nhà hát, có thể được dùng để giảng dạy cho sinh viên các khoa Kiến trúc, Âm nhạc, Sân khấu hay nghệ thuật nói chung”.

“Tóm lại, công trình tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội là một ví dụ về sản phẩm thông minh mà IFI muốn sáng tạo cho một nền kinh tế thông minh, nền kinh tế 4.0”, ông Lập khẳng định.

Đây là một sản phẩm tuyệt vời cả về công nghệ lẫn văn hóa" - bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Giám đốc
Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội chia sẻ 

Về phía Nhà hát Lớn Hà Nội, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Giám đốc Ban Quản lý Nhà hát chia sẻ: “Với chúng tôi, đây là một sản phẩm tuyệt vời cả về công nghệ lẫn văn hóa, một sản phẩm đặc trưng của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cho phép đông đảo những người quan tâm trên khắp thế giới chiêm ngưỡng và yêu mến một trong những công trình kiến trúc độc đáo và đẹp đẽ hàng đầu của châu Á”.

Nhìn rộng ra từ thành công của mô hình tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội phục vụ công tác bảo tồn, duy tu, quảng bá, nghiên cứu và học tập về Nhà hát, số hóa các di sản văn hóa và nghệ thuật là hướng đi mới cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc. Đồng thời, mở ra hướng nghiên cứu mới, mang tính liên kết đa ngành giữa Công nghệ thông tin, Lịch sử, Văn hoá nghệ thuật, Di sản…

(Còn tiếp)

Gia Linh

Nguồn: Cinet