Lộn xộn xe du lịch ở phố cổ Hà Nội

Cập nhật: 01/08/2017
Tình trạng xe du lịch, xe chở khách cỡ lớn được phép lưu thông vào tận các tuyến phố cổ chật hẹp của Hà Nội để đón, trả khách đã gây ùn tắc giao thông và làm mất trật tự, mỹ quan đô thị, nhất là giờ cao điểm. Các cơ quan chức năng TP Hà Nội cần sớm chấn chỉnh, có biện pháp tổ chức lại hệ thống giao thông công cộng và hình thành một số điểm trung chuyển, đỗ xe tập trung.

Xe du lịch đón, trả khách trên phố Hàng Mành, gây cản trở giao thông

Xe lớn chen phố nhỏ

Hằng ngày, vào mỗi buổi sáng, cảnh ùn tắc giao thông, lộn xộn thường xuyên xảy ra tại các tuyến phố trung tâm thuộc khu vực quận Hoàn Kiếm như Ngõ Huyện, Lý Quốc Sư, Lương Văn Can, Bảo Khánh,... Hàng loạt xe ô-tô du lịch 16 chỗ, 29 chỗ, 34 hoặc thậm chí là 47 chỗ,… nối đuôi nhau đỗ thành hàng dài trên đường, phần lớn là đón khách du lịch nước ngoài đi theo tua du lịch. Xe chở khách du lịch cỡ lớn còn len lỏi vào tận các tuyến phố cổ như Tạ Hiện, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Lương Ngọc Quyến,… dừng, đỗ đón khách vô tội vạ, gây cản trở giao thông, trong khi các tuyến phố này rất chật hẹp, cho nên thường xuyên gây ách tắc cục bộ. Anh Nguyễn Tiến Quốc, một người dân trú tại phố Lý Quốc Sư phàn nàn: Sáng nào cũng vậy, từ 6 giờ 30 phút đến 7 giờ 30 phút, vốn là giờ người dân đi làm, đưa đón con đi học thì xe khách lũ lượt kéo về đỗ chật kín, gây tắc nghẽn hết cả con đường. Ðoạn đường dài chưa đến 300 m mà có khi chật vật 15 phút mới qua nổi. Thế nên cả nhà tôi buộc phải hình thành thói quen muộn nhất là 7 giờ phải đi ra đường, mặc dù từ nhà đến trường học và cơ quan chỉ đi mất khoảng 10 phút. Nhiều xe du lịch đi vào phố Ngõ Huyện, đỗ tràn cả sang phố Phủ Doãn gần đó, gây ùn tắc trước cổng Bệnh viện Việt Ðức, ảnh hưởng việc cấp cứu, khám, chữa bệnh.

Khu vực các tuyến phố cổ Hà Nội là trung tâm buôn bán, dịch vụ, du lịch sầm uất nhất Thủ đô, mật độ dân cư dày đặc; trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng đã lạc hậu, rất khó cải tạo. Ðây cũng là nơi thu hút rất đông khách du lịch, nhất là khách nước ngoài đến tham quan và cư trú trong hàng trăm khách sạn lớn nhỏ. Khách du lịch thường đặt thêm tua đến các địa điểm du lịch nổi tiếng khác ở miền bắc như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Tràng An (Ninh Bình), Sa Pa (Lào Cai)... Chính vì vậy, đã phát sinh dịch vụ xe hợp đồng đón, trả khách trong phố cổ chật hẹp. Ðại diện Ðội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 1 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) thừa nhận: Phần lớn các xe chở khách hợp đồng đều được cấp phép 24 giờ hằng ngày. Tuy nhiên, chỉ cần các phương tiện này dừng đỗ vài ba phút là đã cản trở giao thông. Việc các xe hợp đồng chở khách du lịch tập trung trong các tuyến phố cổ có lòng đường chật hẹp đang gây áp lực rất lớn đối với giao thông tại các khu vực đó.

Hài hòa lợi ích

Ðại tá Ðào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho rằng: Xe chở khách du lịch đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông tại Thủ đô, nhất là tại các tuyến phố cổ, khiến giao thông trở nên lộn xộn, gây mất mỹ quan đô thị. Cần xem xét lại việc cấp giấy phép cho loại xe này lưu thông trong phố cổ 24 giờ hằng ngày như hiện nay theo hướng siết chặt lại quy định. Nếu đơn vị, cơ quan nào cấp phép không hợp lý, cần thu hồi. Theo Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Uông Việt Dũng, nếu "đổ lỗi" hết cho xe du lịch về áp lực giao thông lên khu vực phố cổ cũng chưa thật sự khách quan. Theo quan sát, giao thông tại khu vực trở nên phức tạp, ngoài nguyên nhân do xe chở khách du lịch, còn do nạn lấn chiếm vỉa hè và lòng lề đường quá mức. Việc lấn chiếm vỉa hè để tập kết hàng hóa, kinh doanh,... rồi chiếm dụng lòng, hè đường để làm chỗ đỗ xe trở nên rất phổ biến. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ, giao thông lộn xộn trong khu vực phố cổ và cũng cản trở không nhỏ cho việc phát triển du lịch của địa phương. Do đó, TP Hà Nội cần quyết liệt trong công tác quy hoạch lại đô thị gắn liền với quy hoạch đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và giao thông vận tải, trong đó trọng tâm là phải quy hoạch lại khu vực phố cổ cả về thương mại lẫn dịch vụ theo hướng phục vụ phát triển du lịch; có phương án giãn dân, di dời dân cư (vì ở khu phố cổ có nhiều người phải sống trong điều kiện chật hẹp, chất lượng cuộc sống rất thấp). Trước mắt, phải thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thành ủy về việc chấn chỉnh, xây dựng văn minh đô thị, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần rà soát, đánh giá toàn diện, khách quan trước khi có những giải pháp cụ thể đối với việc quản lý loại hình xe du lịch. Một khi Hà Nội quyết tâm xây dựng trung tâm thành phố trở thành đô thị văn minh, đô thị du lịch văn hóa, thân thiện thì rõ ràng việc hình thành hệ thống giao thông công cộng kết nối thuận tiện và các khu vực trung chuyển, các khu vực đỗ xe tập trung là điều bắt buộc phải có. Một số chuyên gia kiến nghị, TP Hà Nội cần tổ chức và hình thành các điểm trung chuyển ở vùng ngoại vi, có vị trí rộng rãi, từ đó sử dụng phương tiện nhỏ "tăng bo" khách du lịch ra/vào phố cổ.

Trước lo ngại của một số hãng du lịch - lữ hành cho rằng, việc phải sử dụng thêm xe "tăng bo" sẽ làm tăng giá dịch vụ, dẫn đến giảm sức cạnh tranh của ngành du lịch Thủ đô, các chuyên gia cho rằng, xe du lịch dừng, đỗ vô tội vạ tại khu vực phố cổ đang gây phiền hà, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng trăm nghìn người dân sinh sống cũng như có nhu cầu lưu thông. Vì thế, không thể lấy lý do phát triển du lịch để hy sinh lợi ích chính đáng của người dân. Các công ty, đơn vị du lịch trước hết cần tập trung nâng cao chất lượng phục vụ để đưa ngành du lịch phát triển xứng đáng với tiềm năng, không nên chỉ cạnh tranh bằng việc giảm giá tua để thu hút khách hàng.

CHÍ CÔNG

Nguồn: Báo Nhân dân