Tổ chức Khí tượng học thế giới (WMO) và Trung tâm khí hậu Hoa Kỳ (Climate Central) ra mắt các video về tác động của biến đổi khí hậu

Cập nhật: 04/08/2017
(TITC) – Trong một năm ghi nhận các đợt nắng nóng và nền nhiệt độ cao kỷ lục, bản tin dự báo thời tiết trên truyền hình các quốc gia đã thực hiện các video dự báo về sự thay đổi khí hậu sẽ khiến cho mùa hè tới thậm chí còn nóng hơn tại một số thành phố lớn trên thế giới trong đó có thủ đô Hà Nội.

Nếu tiếp tục gia tăng phát thải khí nhà kính, nhiệt độ bề mặt toàn cầu của Trái Đất có thể tăng hơn 4°C (7,2°F) vào cuối thế kỷ 21. Mức nhiệt trung bình toàn cầu này sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân sống ở Madrid, Hà Nội, hay Montreal như thế nào?

Để tìm hiểu vấn đề này, Trung tâm khí hậu Hoa Kỳ Climate Central đã đưa ra đánh giá tác động đến nhiệt độ mùa hè ở các thành phố khác nhau vào năm 2100 trong đó có hai kịch bản biến đổi khí hậu (phát thải cao và phát thải vừa phải) và so sánh với một thành phố đã trải qua những nhiệt độ như vậy.

WMO và Climate Central đã mời các biên tập viên thời tiết truyền hình tại hàng chục quốc gia để thực hiện video này. Ví dụ như, vào cuối thế kỷ này, người dân Pari (Pháp) có thể thấy nhiệt độ cao trung bình mùa hè là 29,2°C, tương đương nhiệt độ cao trung bình mùa hè hiện nay của thành phố Fez, Ma rốc.

Nhiều thành phố trên thế giới sẽ chứng kiến gia tăng nhiệt độ trung bình tối đa từ 6 đến 9°C. Doha, Baghdad là hai thành phố sẽ trải nghiệm mùa hè nắng nóng kỷ lục nếu lượng khí thải toàn cầu vẫn còn cao.

Các thành phố thực hiện video gồm Barcelona, ​​Berlin, Brussels, Buenos Aires, Cape Town, Frankfurt, Hà Nội, Havana, Kampala, Madrid, Montreal, Nairobi, Sofia và Tokyo.

Tổng thư ký WMO, Petteri Taalas cho rằng “Những gì mà các biên tập viên thời tiết đưa ra là viễn cảnh có thể xẩy ra chứ không phải là dự báo hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, các viễn cảnh được đưa ra dựa trên nghiên cứu khoa học về khí hậu mới nhất, và họ vẽ ra bức tranh về sự tác động của biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày ở các thành phố đông dân trên thế giới. Tại các đô thị có thể còn nóng hơn nữa do sự hiện diện của các nhà cao tầng và những con đường lát gạch đá. Điều này dẫn đến nền nhiệt ban đêm cao hơn”.

Ông cũng cho biết thêm “Sự gia tăng nhiệt và sự gia tăng thời tiết cực đoan sẽ làm gia tăng các vấn đề về nước uống, y tế và đi lại. Những cơn sóng nhiệt dữ dội dẫn đến chất lượng không khí suy giảm và thậm chí dẫn đến tử vong”.

Ông Miguel Angel Mancera, thị trưởng thành phố Mehico và là Phó Chủ tịch nhóm các thành phố dẫn đầu về ứng phó với Biến đổi Khí hậu (C40) khu vực Mỹ La tinh cho biết "Đến năm 2050, khoảng 80 phần trăm dân số thế giới sẽ sống ở các khu vực thành thị. May mắn thay, ngày càng nhiều các thành phố trên thế giới đã cam kết hành động để giảm phát thải và theo đuổi sự phát triển bền vững. Tôi tin rằng với hành động của các thành phố, chúng ta có thể đạt được mục tiêu toàn cầu."

Loạt video này là một phần sáng kiến của WMO và các biên tập viên thời tiết để giúp công chúng hiểu rõ hơn về sự biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đến điều kiện thời tiết tại các quốc gia và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta như thế nào.

Xem video “Summer in the city: Hanoi, 2017-2010”, thực hiện bởi Đài truyền hình Việt Nam VTV được phát trên kênh YouTube của WMO ngày 11/7/2017.

Hồng Thanh

Biên dịch từ Tổ chức Khí tượng học thế giới (WMO)