Mô hình trường học gắn với bảo tồn di sản văn hóa

Cập nhật: 29/08/2017
Năm học 2016-2017, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Phú Thọ đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, gắn với bảo tồn các di sản văn hóa. Ðến nay, mô hình này thật sự phát huy hiệu quả, góp phần giúp học sinh nâng cao kiến thức, gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc.

Dạy hát Xoan cho học sinh tại Trường tiểu học Ðinh Tiên Hoàng, TP Việt Trì.

Mặc dù mới được triển khai trong một năm học, song qua tìm hiểu, mỗi trường học ở Phú Thọ đều chọn một chủ đề phù hợp từng địa phương. Tại TP Việt Trì, chủ đề bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể như Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan được các trường triển khai sâu rộng.

Tại Trường tiểu học Ðinh Tiên Hoàng (TP Việt Trì), một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai mô hình trường học gắn với thực tiễn. Ngay từ khi triển khai, trường đã chọn việc bảo tồn, phát huy di sản hát Xoan làm chủ đề chính của mô hình. Ðể các em học sinh tiếp cận với hát xoan, nhà trường đã tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hát xoan dưới nhiều hình thức, như truyền dạy, treo pa-nô, áp-phích trong và ngoài trường; thành lập câu lạc bộ hát Xoan tại các lớp. Hằng tuần, hằng tháng, ngoài việc dạy hát trong giờ âm nhạc, trường còn mời nghệ nhân tại các phường Xoan gốc đến trực tiếp giảng dạy cho học sinh. Em Tạ Gia Huy, học sinh lớp 4, Trường tiểu học Ðinh Tiên Hoàng cho biết, em rất thích mô hình trường học trải nghiệm. Qua một thời gian được học hát xoan em đã hiểu được giá trị và đã thuộc được nhiều làn bài xoan như bài Trồng bông hứng đậu; Xe chỉ vá may; Ðèn thương ai…

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Thịnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ðinh Tiên Hoàng cho biết, đến nay, 100% số học sinh trong trường đã hiểu được nguồn gốc, ý nghĩa của hát xoan. Khi học sinh thuộc và hiểu về hát xoan, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu giữa các câu lạc bộ xoan trong trường và đưa học sinh đến các phường Xoan gốc để các em được giao lưu, học hỏi, qua đó, giúp các em hiểu được giá trị cũng như việc gìn giữ, quảng bá di sản này, góp phần sớm đưa hát xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp.

Tại Trường tiểu học xã Hy Cương (TP Việt Trì), nơi có Di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Ðền Hùng gắn với Di sản "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương", nên ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng mô hình trường học gắn với bảo vệ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Chủ đề này đã được triển khai theo từng tháng, từng quý với từng chủ đề khác nhau, để các em có cơ hội tìm hiểu về Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Cô giáo Tống Thị Kim Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Hy Cương cho biết, mục đích của mô hình trường học gắn với cuộc sống, nhằm giáo dục các em tín ngưỡng, truyền thống, nét đẹp thờ cúng tổ tiên của dân tộc cũng như Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo Phòng GD và ÐT thành phố Việt Trì, trên địa bàn thành phố có hai di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận là hát Xoan và Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương. Vì vậy, toàn thành phố có tới 5 trong số 12 trường đăng ký mô hình "Trường học gắn với di sản hát Xoan", một mô hình cấp tỉnh về "Trường học gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương"; ba mô hình với nội dung giáo dục học sinh về với cội nguồn. Phó Trưởng phòng GD và ÐT thành phố Việt Trì Nguyễn Thu Trà cho biết, qua một năm triển khai mô hình trường học gắn với các di sản văn hóa, đã mang lại tác dụng quan trọng trong công tác giáo dục học sinh, giúp học sinh thêm yêu quý trường, lớp, thầy cô, bạn bè có ý thức bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sự lan tỏa của di sản đến mỗi gia đình, cộng đồng các em đang sống, đồng thời góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp và lối sống văn minh, văn hóa, giúp các em biết trân trọng các di tích lịch sử gắn với địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Phùng Quốc Lập, mô hình trường học gắn bảo vệ các di sản văn hóa đã được ngành giáo dục Phú Thọ triển khai sâu rộng đến tất cả cấp học ở các địa phương trong tỉnh. Trong đó, có 47 mô hình điểm phù hợp từng địa phương. Nhiều mô hình tiêu biểu, có cách làm sáng tạo, giúp học sinh hiểu hơn về các giá trị truyền thống, giá trị trường tồn của các di sản văn hóa, có tác động to lớn đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Thông qua các mô hình, còn giúp nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực tiễn; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; phát huy tính chủ động sáng tạo của giáo viên trong quá trình dạy, giúp học sinh biết trân quý những giá trị truyền thống của dân tộc.

 

Bài và ảnh: NGỌC LONG

Nguồn: Báo Nhân dân