Di sản kiến trúc đình làng Việt – Những tư liệu vô giá

Cập nhật: 29/08/2017
Đình làng Việt từ lâu đã là đối tượng nghiên cứu và đã có không ít nghiên cứu, sách viết về loại hình di tích này. Nhưng lần đầu tiên, một cuốn sách bao gồm cả bản vẽ và bài viết khảo cứu về 15 ngôi đình làng tiêu biểu ở miền Bắc được công bố - cuốn sách “Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu viện Bảo tồn di tích – tập 1”.

Đây thực sự là những tư liệu vô cùng quý giá trong bối cảnh ngày nay, bởi không ít những bộ phận kiến trúc và điêu khắc của các ngôi đình này hiện đã không còn nữa.

Cuốn sách bao gồm những bản vẽ

những bài viết, những ảnh chụp lưu lại tình trạng bảo tồn của di tích ở thời điểm điều tra. Ảnh: Gia Linh

Đình làng – nét văn hóa thuần Việt

Làng Việt là một thiết chế cộng cư, chín muồi và bền vững, trong đó đình làng chính là hiện thân của sự bền vững đó. Nó tượng trưng cho vẻ đẹp dung dị của kiến trúc cổ truyển Việt Nam, gắn với hơi thở nghệ thuật truyền thống Việt.

Giới thiệu về kiến trúc này, nhà nghiên cứu di sản văn hóa GS.Trần Lâm Biền cho biết, đình là một sản phẩm của lịch sử và văn hóa đã xuất hiện từ rất lâu đời.

Khởi đầu, chúng có chức năng cơ bản là dùng để nghỉ ngơi với các mức độ và hình thức khác nhau. Đình làng cũng là nơi dùng để xử trí những việc của làng và thực hiện những nghi thức tâm linh gắn với thành hoàng làng. Ngôi đình kiểu này được manh nha ra đời từ nửa cuối thế kỷ 15, với chứng năng ban bố chính lệnh của triều đình. Đình làng có thể được định hình vào thế kỷ 16, tiêu biểu như đình Thụy Phiêu, Tây Đằng, Lỗ Hạnh… Tới nửa cuối thế kỷ 17, đình làng đã đạt tới đỉnh cao của giá trị lịch sử văn hóa, đặc biệt là kiến trúc và chạm khắc mang đầy tính biểu tượng và hơi thở của văn hóa dân gian vật thể và phi vật thể.

Đình làng là một kiến trúc tiêu biểu trên mặt đất lớn nhất thời cổ xưa. Nó không bắt nguồn từ bất kể một nơi nào ngoài vùng châu thổ sông Hồng. Nó là một sản phẩm được ra đời từ yêu cầu của lịch sử trên nền tảng văn hóa bản địa. Có thể nói đình làng là một sáng tạo đặc biệt của kiến trúc dân gian Việt Nam. Đó là nơi đời và đạo hòa nhập để tạo nên một bản trường ca tâm linh phi hoa, phi ấn, phi tôn giáo ngoại lai ngoại trừ dấu ấn đã được Việt hóa. Như thế, việc dồn trí tuệ để dựng nên một sản phẩm văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là một lẽ tất yếu – GS Trần Lâm Biền khẳng định.

Giữ lại di sản cho mai sau

Cùng với sự phát triển của xã hội, công cuộc hiện đại hóa và toàn cầu hóa bùng nổ đã xóa nhòa, tan vỡ của nhiều ngôi làng thuần Việt xưa cũ. Những nếp nhà cổ đã không còn, thay vào đó là bê-tông, cốt thép, không gian sinh hoạt làng xã xưa cũng có nhiều thay đổi.

“Công cuộc hiện đại hóa và toàn cầu hóa bùng nổ tiếp theo dẫn tới sự tan vỡ phần xác và phần hồn của ngôi làng Việt xưa cũ. Nó phát triển theo mô hình mở, khấm khá lên và tân tiến lên cùng công cuộc đô thị hóa cấp tập. Dĩ nhiên, cộng đồng dân quê cũng biến đổi rõ rệt qua vài thế hệ. Và, ngôi đình làng, vốn là trung tâm hành chính – tín ngưỡng – sinh hoạt cộng đồng, dần mất đi vị trí mà nó từng chiếm giữ. Hình ảnh ngôi đình mờ trôi vào dĩ vãng…” – GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính.

“Không thể nào giữ lại cho mai sau hàng ngàn ngôi đình, cũng không thể bảo tồn và trùng tu nhiều trăm ngôi đình dù chúng ta có nỗ lực tới đâu. Điều duy nhất mà ta đủ sức và đủ thời gian để làm đó là ghi chép, vẽ lại và chụp lại, xây dựng quỹ tư liệu khoa học, có cơ may lưu lại muôn đời.” Chia sẻ của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cũng chính là động lực thôi thúc Viện Bảo tồn di tích – Bộ VHTTDL cho ra đời cuốn sách giới thiệu về kiến trúc đình làng Việt.

Từ gần 50 năm nay, Viện Bảo tồn di tích – Bộ VHTTDL đã tiến hành lập hồ sơ khoa học hàng trăm di tích trên khắp mọi miền của đất nước. TS. Hoàng Đạo Cương – Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, đồng chủ biên cuốn sách cho biết, cuốn sách bao gồm những bản vẽ, những bài viết, những ảnh chụp lưu lại tình trạng bảo tồn của di tích ở thời điểm điều tra. Đây là những tư liệu quý giá về di tích kiến trúc, di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào việc đề ra giải pháp, phương án quản lý bảo tồn, tu bổ di tích sau này.

TS Nguyễn Hồng Kiên – Đồng chủ biên của cuốn sách, cũng là người giành hầu hết thời gian, sự nghiệp vào nghiên cứu những ngôi đình chia sẻ, “Quý vị sẽ được thấy những bản vẽ mà niên đại cao hơn niên đại của tôi. Quan trọng nhất là những tư liệu gốc, đặc biệt là những bản vẽ, tư liệu ảnh. Những bài viết bên cạnh những tư liệu mà Viện có từ trước đến nay, chúng tôi có đi điền dã lại. Chúng tôi phải làm việc rất căng thẳng để xem cái chúng tôi ghi nhận trong hồ sơ bây giờ còn không, đã được trùng tu sửa chữa ra sao. Mong muốn của chúng tôi khi xuất bản cuốn sách này là cung cấp tư liệu gốc cho tất cả mọi người quan tâm đến di sản văn hóa của dân tộc như các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu…”

Đúng như GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đã chia sẻ, “Giả dụ, L.Bezacier không cho vẽ ghi chùa Phật Tích hơn 70 năm trước, chúng ta hẳn không còn cơ sở nào để phục dựng nó”. Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đo vẽ nhiều các di tích khác trên cả nước là vô cùng cần thiết bởi những công việc đó sẽ góp phần vào công cuộc bảo tồn di sản dân tộc trong tương lai.

Gia Linh

Nguồn: Cinet