Bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long

Cập nhật: 30/08/2017
Trước sức ép từ sự phát triển của các đô thị ven bờ, khu công nghiệp, dịch vụ, Vịnh Hạ Long đang đối mặt với mối nguy hại về ô nhiễm môi trường.

Trước những thách thức đó, Ban Quản lý (BQL) Vịnh Hạ Long đã và đang nghiên cứu, ứng dụng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học vào công tác bảo vệ môi trường Vịnh. Các đề tài sau khi được ứng dụng vào thực tế đã phát huy hiệu quả trong bảo vệ môi trường biển, bảo vệ đa dạng sinh học.

Tiêu biểu trong số những đề tài mà BQL Vịnh Hạ Long nghiên cứu, ứng dụng thành công phải kể đến là “Điều tra hiện trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn xả nước thải tại khu vực ven bờ vào môi trường nước Vịnh Hạ Long phục vụ công tác quản lý, bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long”. Theo ông Lê Lâm Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý môi trường, BQL Vịnh Hạ Long: Tổng lượng nước thải mỏ đổ ra môi trường Vịnh Hạ Long bình quân khoảng 58,9 triệu m3/năm. Ven bờ Vịnh còn là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp lớn mà hầu hết đều chưa có trạm xử lý nước thải tập trung nên nước thải không qua xử lý vẫn đang hàng ngày xả trực tiếp hoặc gián tiếp ra môi trường nước của Vịnh. Thêm vào đó, kết quả quan trắc nhiều năm cho thấy, tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang diễn ra ở nhiều nơi khu vực ven bờ vịnh do nguồn nước thải tại đây chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn. Từ thực tế này, Phòng Quản lý môi trường, BQL Vịnh đã triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học này. Triển khai từ tháng 1 đến tháng 12-2015, đề tài đã điều tra được hiện trạng các nguồn xả nước thải, đánh giá tác động của nước thải đến môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu về các nguồn xả nước thải gây ô nhiễm và đề xuất một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước Vịnh Hạ Long.

Cán bộ BQL Vịnh Hạ Long trồng bảo tồn cây lan hài vệ nữ trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh do BQL Vịnh Hạ Long cung cấp)

Hay đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng sạt lở, đổ lở và xói lở hệ thống đảo làm cơ sở cho việc quản lý, bảo tồn và khai thác hợp lý giá trị di sản phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long”. Sau khi triển khai, nhóm nghiên cứu xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu và bản đồ số tổng quan hiện trạng sạt lở, đổ lở, xói mòn đảo khu vực Bái Tử Long tỷ lệ 1/50.000; điều tra, khảo sát hiện trạng sạt lở, đổ lở, xói mòn của 25 vùng và điều tra, khảo sát, đo vẽ chi tiết hiện trạng đổ lở trong 10 hang động thuộc khu vực Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các vùng nghiên cứu chi tiết tỷ lệ 1/10.000 vùng Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long...

Bên cạnh các đề tài về giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường biển, BQL Vịnh Hạ Long còn triển khai nhiều đề tài bảo vệ sự đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long. Đơn cử như đề tài “Nhân rộng mô hình trồng bảo tồn lan hài tại khu vực Cửa Vạn, Cống Đầm, Vịnh Hạ Long”. Lan hài vệ nữ hoa vàng là một trong số những thực vật có giá trị về nguồn gen quý, nằm trong danh mục đỏ thế giới và nhóm nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo Nghị định của Chính phủ. Sau 1 năm trồng thử nghiệm tại khu vực Cống Đầm, tháng 5 vừa qua, BQL Vịnh Hạ Long tiếp tục thu mẫu và trồng bảo tồn hơn 500 cây lan hài tại Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn... Việc thực hiện đề tài vừa góp phần bảo tồn nguồn gen thực vật quý hiếm, vừa phát huy giá trị đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long.

Xác định nghiên cứu khoa học về bảo vệ môi trường Vịnh là nhiệm vụ xương sống đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của đơn vị, ngay từ khi thành lập, BQL Vịnh Hạ Long đẩy mạnh thực hiện công tác này. Theo đó, BQL Vịnh Hạ Long tăng cường nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học thông qua tổ chức các chương trình đào tạo tại chỗ; cử cán bộ tham gia các chương trình đào tạo, hội thảo các cấp; tổ chức trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế về nghiên cứu khoa học; kết hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, sở, ngành liên quan để thực hiện các đề tài; đồng thời, xây dựng phòng thí nghiệm chuyên phân tích các mẫu quan trắc môi trường thu thập được trên Vịnh Hạ Long theo định kỳ hàng quý; từ đó đưa ra các số liệu cảnh báo, biện pháp quản lý môi trường Vịnh hiệu quả. Kết quả, từ năm 2010 đến nay, BQL Vịnh Hạ Long đã triển khai 13 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp cơ sở về bảo vệ môi trường Vịnh; trong đó tập trung đánh giá môi trường nước, nguồn nước thải ra Vịnh, đa dạng sinh học...

Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, khẳng định: Việc triển khai và ứng dụng thành công các đề tài nghiên cứu khoa học về bảo vệ môi trường Vịnh đã nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ môi trường Vịnh, giữ gìn và phát huy tốt các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới, tránh tác động xấu của các yếu tố bên ngoài lên môi trường Vịnh. Từ đó, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi đến tham quan Vịnh Hạ Long.

Ngô Dịu

Nguồn: Báo Quảng Ninh