Nguy cơ "phai nhạt" làng du lịch Bhơ Hôồng

Cập nhật: 11/09/2017
Một vài ngôi nhà trong làng du lịch Bhơ Hôồng đang bị bê tông hóa, xa dần lối kiến trúc truyền thống của đồng bào, mang đến cảm giác hụt hẫng, tiếc rẻ cho du khách và các doanh nghiệp lữ hành.

Làng Bhơ Hôồng đang có nhiều thay đổi về kiến trúc.Ảnh: VĨNH LỘC

Làng Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn) là một trong 2 ngôi làng truyền thống của người Cơ Tu ở Đông Giang được lựa chọn xây dựng làng du lịch cộng đồng. Lý do khiến Bhơ Hôồng được chọn là ngoài vị thế thuận lợi khi nằm gần quốc lộ 14G thì đây là ngôi làng còn bảo tồn khá nguyên vẹn các giá trị về văn hóa, kiến trúc của đồng bào Cơ Tu. Từ khi chính thức khai trương hoạt động năm 2013, làng trở thành điểm tham quan hấp dẫn của nhiều du khách. Họ đến để trải nghiệm các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào như ẩm thực, âm nhạc, kiến trúc, nhất là tham quan cảnh quan quanh làng. Tuy vậy, làng Bhơ Hôồng đang đối diện với nhiều tác động của quá trình phát triển, nguy cơ về sự biến dạng làng đang hiện hữu khi mỗi ngày lại xuất hiện thêm những ngôi nhà bê tông kiên cố. Không ít du khách tỏ ra thất vọng khi du lịch đến làng.

Chị Bríu Thị Lin, người vừa xây dựng xong ngôi nhà lợp tôn cho biết, hiện trong làng có khoảng 10 ngôi nhà tường gạch bê tông đã và đang xây dựng. Bản thân chị vẫn thích dựng nhà truyền thống bằng gỗ, lá vì sẽ mát mẻ hơn nhưng điều kiện khó khăn, nhất là không có tiền để thuê người đi đốn gỗ, tìm vật liệu. “Xã cho 40 triệu đồng bảo phải làm nhà xây nên mình vay thêm 55 triệu nữa để làm cho kiên cố” - chị Lin nói. Ngôi nhà chị Lin có màu vôi xanh thẫm, trống hoác do chưa lắp cửa ngõ  nằm nổi bật sát gươl làng, gây cảm giác tương phản. Theo già làng Alăng Bảy, từ khi Bhơ  Hôồng làm du lịch, làng thay đổi nhiều, đời sống nhân dân cải thiện hơn. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận nhiều du khách không thích đi thăm làng. Riêng với đồng bào, việc làm nhà tường gạch cũng sẽ khó cho việc trang trí bên trong, nhất là các dụng cụ như ché, chiêng… “Dân muốn làm nhà sàn chứ, vì nó mát mẻ và phù hợp với đồng bào mình hơn nhưng Nhà nước cấm khai thác gỗ, lá lợp cũng hiếm rồi nên làm nhà xây. Chứ nhà xây chưa hẳn đã chắc chắn hơn nhà gỗ, nếu mình nấu bếp xông khói bên trong thường xuyên thì nhà gỗ còn chắc hơn” - già làng Alăng Bảy nói.    

Ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng  (đơn vị đang quản lý hoạt động du lịch tại Bhơ Hôồng) nhận xét, những ngôi nhà xây với lối kiến trúc hiện đại trong làng thật sự không phù hợp cảnh quan của một ngôi làng truyền thống người Cơ Tu, với một ngôi làng du lịch thì càng không tốt. Thực tế, để biến Bhơ Hôồng thành một làng du lịch văn hóa hấp dẫn, ngay từ đầu các doanh nghiệp như Hoa Hồng (trước đây là Công ty TNHH Du lịch mạo hiểm Việt Nam) đã đầu tư khá nhiều tiền của để xây dựng hạ tầng lưu trú nơi đây. Du khách đến Bhơ Hôồng ngoài trải nghiệm văn hóa cảnh quan của làng sẽ được ngủ nghỉ qua đêm trong 4 căn nhà moong truyền thống với đầy đủ tiện nghi khép kín, sạch sẽ và sang trọng giữa một không gian đầy thơ mộng, yên bình bên dòng suối mát. “Chính quyền địa phương nên tăng cường vận động người dân, thậm chí Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ riêng cho người dân trong làng, hạn chế sự xuất hiện của những ngôi nhà xây kiên cố như hiện nay” - ông Dũng bày tỏ.

Theo bà Ating Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, trong đề án  bảo tồn văn hóa Cơ Tu, vấn đề giữ lại các nét đẹp văn hóa của đồng bào rất được huyện chú trọng. Huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo xuống các địa phương cơ sở vận động bà con gìn giữ lại nhà cửa, các vật dụng, trang sức, trang phục truyền thống của đồng bào. Với 40 triệu đồng hỗ trợ từ Nhà nước cho những hộ khó khăn thì không đủ để kêu người đi tìm gỗ hay lên rừng hái lá lợp. Còn nếu dùng các loại cây bình thường làm nhà để lâu thì không chịu được thời tiết khắc nghiệt sẽ nhanh xuống cấp, hư hại ảnh hưởng đến đời sống người dân. “Huyện cũng đã tuyên truyền vận động bà con nên giữ lại các ngôi nhà cũ, cố gắng giữ gìn, bảo tồn, nếu như nhà nào có điều kiện, có đủ khả năng để làm nhà như ngày xưa thì cố gắng làm để lưu giữ lại nét đẹp văn hóa truyền thống. Mình không phá vỡ hoàn toàn về văn hóa truyền thống nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu ăn ở, đi lại của bà con. Riêng với một số làng có điểm nhấn như Bhơ Hôồng hay Đhrôồng, sắp tới nếu có kinh phí, huyện sẽ khôi phục những nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm của người Cơ Tu… Nói chung, từ đây đến năm 2020 huyện cũng có lộ trình, định hướng hết rồi. Còn trước mắt các cấp ngành sẽ xuống vận động bà con cố gắng giữ lại” - bà Tươi nói.

VĨNH LỘC

Nguồn: Báo Quảng Nam