Số hóa các tư liệu di sản Hát Xoan Phú Thọ

Cập nhật: 20/09/2017
Phú Thọ được biết đến là cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt, trung tâm sinh tụ của người Việt cổ, thời đại các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Với hệ thống di sản văn hóa vật thể phong phú gồm 1.372 di tích lịch sử văn hóa và các lễ hội dân gian, các loại hình nghệ thuật đặc trưng, trong đó có Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại. Làm thế nào để bảo tồn các di sản văn hóa và quảng bá rộng rãi tới cộng đồng luôn là câu hỏi lớn đối với các cấp, các ngành, đặc biệt là những người làm công tác quản lý di sản. Và một trong những giải pháp được cho là thích hợp nhất trong điều kiện hiện tại chính là tư liệu hóa, số hóa di sản.

Tiết mục Mó cá – phường Xoan An Thái biểu diễn trong chương trình phục dựng Hội hát Xoan nước nghĩa tại đình Đông Chấn – Lâm Thao

Số hóa di sản văn hóa không phải là việc làm mới đối với nhiều nước trên thế giới, nhưng tại Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng, đến nay các phương án số hóa mới được các đơn vị triển khai thực hiện nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản của dân tộc. Là di sản quý báu của dân tộc nhưng Hát Xoan Phú Thọ vẫn đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bởi vậy, việc đề ra những giải pháp cụ thể để sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa, số hóa các bài bản, tư liệu về Hát Xoan Phú Thọ nhằm bảo tồn, phát huy, quảng bá các giá trị di sản văn hóa là việc làm cần thiết, là nhiệm vụ quan trọng nằm trong chương trình hành động quốc gia. Đứng trước thực trạng đó, Bảo tàng Hùng Vương đã triển khai thực hiện dự án “Sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa, số hóa các bài bản, tư liệu về Hát Xoan”.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, đến nay dự án đã hoàn thiện và các tư liệu Hát Xoan được đưa lên mạng tại địa chỉ http://baotanghungvuong.vn/hatxoan. Dự án được tiến hành theo 4 bước: Tiến hành nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật về di sản Hát Xoan tại các cơ quan lưu trữ trung ương và địa phương như: Viện Âm nhạc Việt Nam, Viện Văn hóa Việt Nam, Thư viện tỉnh, Bảo tàng Hùng Vương… Tại đây, đã sưu tầm được 5 bài bản Hát Xoan chữ Hán, chữ Nôm; 30 băng đĩa ghi hình, băng ghi âm, ghi hình điền dã trong thời gian lập hồ sơ Hát Xoan; 200 ảnh tư liệu Hát Xoan tại Hà Nội và những năm 70 của thế kỷ XX và nhiều tư liệu quan trọng khác. Sưu tầm tư liệu, hiện vật tại gia đình các nghệ nhân tại 4 phường Xoan gốc thuộc xã Kim Đức, Phượng Lâu của thành phố Việt Trì, 23 câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca Phú Thọ, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian: Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, Nhạc sỹ Lương Nguyên, Nhạc sỹ Cao Khắc Thùy, Tú Ngọc, Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, Dương Huy Thiện và các cơ quan báo chí trung ương và địa phương như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài kỹ thuật số VTC, Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Thọ, các cán bộ trong dự án đã sưu tầm hàng trăm hiện vật, tư liệu liên quan đến Hát Xoan, đặc biệt là các tư liệu về nghệ nhân tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản trước cách mạng tháng Tám.

Sau khi tập hợp, các hiện vật và tư liệu sưu tầm được đưa vào bộ phận kho Kiểm kê - Bảo quản tiến hành phân loại, xử lý tư liệu, hiện vật như: Bóc băng tư liệu, phân loại các hiện vật, băng, phim, lập danh sách từng loại hiện vật và tư liệu. Các tư liệu sau khi đã biên soạn nội dung được nhập vào phần mềm quản lý tra cứu gồm: Địa điểm, không gian văn hóa, nghệ thuật trình diễn, bảo tồn và phát huy, nghệ nhân, người truyền dạy, lịch sử và phong tục, bài bản Hát Xoan, ảnh tư liệu, video, hiện vật, văn bản, tư liệu nghiên cứu.

Các tư liệu Hát Xoan được đưa lên mạng

Chia sẻ về quá trình triển khai thực hiện dự án, bà Nguyễn Mai Thoa - Phó Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương cho biết: Bên cạnh những thuận lợi là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự vào cuộc tích cực của các địa phương thì chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Khó từ công nghệ, kỹ thuật đến cả vấn đề nhân lực. Để lập nên ngân hàng dữ liệu di sản Hát Xoan bằng số hóa, tốn rất nhiều thời gian, tiền của… Các tư liệu về di sản Hát Xoan nằm rải rác ở các trung tâm lưu trữ, nhà xuất bản, thư viện, viện nghiên cứu, báo chí trung ương, địa phương… nên công tác thu thập tư liệu mất nhiều thời gian và nguồn nhân lực; một số cơ quan, đơn vị yêu cầu về kinh phí mua tư liệu khá cao; các nghệ nhân tuổi cao, sức yếu, một số cụ đã mất nên việc khai thác, sưu tầm cũng gặp khó khăn. Trên thực tế không dễ dàng để có một đội ngũ những người am hiểu cả về công nghệ lẫn các nghiên cứu văn hóa, từ đó đáp ứng được hai yêu cầu căn bản của quá trình số hóa…

Tuy nhiên, với kết quả thu được trong quá trình triển khai dự án khiến những người trực tiếp bắt tay vào thực hiện thấy tự tin hơn. Các tư liệu không chỉ cung cấp cho người xem thông tin về giá trị di sản, lịch sử hình thành mà còn cho người xem hiểu sâu hơn về lộ trình xây dựng hồ sơ cũng như công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hát Xoan. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương cho biết: “Dự án số hóa, tư liệu hóa tư liệu di sản Hát Xoan là dự án đầu tiên được xây dựng nhằm nghiên cứu, sưu tầm, thống kê một cách khá toàn diện, đầy đủ các tư liệu, hiện vật về di sản Hát Xoan Phú Thọ tại các cơ quan lưu trữ, các nhà nghiên cứu trung ương và địa phương. Việc thực hiện số hóa tư liệu này nhằm thu thập và bổ sung về tư liệu tương đối đầy đủ các tư liệu về di sản Hát Xoan, góp phần phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản và phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh”.

Có thể khẳng định, việc số hóa tư liệu di sản Hát Xoan trong thời đại kỹ thuật số được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu để lưu giữ, bảo tồn bền vững nhất và là nhiệm vụ quan trọng đối với cơ quan quản lý văn hóa. Để việc số hóa di sản Hát Xoan thực sự đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, những người thực hiện dự án tiếp tục điều tra, sưu tầm, kiểm kê tư liệu di sản Hát Xoan trên địa bàn trong và ngoài tỉnh; khảo sát, gặp gỡ, trao đổi với các nghệ nhân cũng như các cộng đồng lưu giữ di sản văn hóa Hát Xoan nhằm sưu tầm, ghi chép những bài Hát Xoan, những sinh hoạt văn hóa, âm nhạc gắn với không gian văn hóa Hát Xoan nhằm thiết lập cơ sở cụ thể, xác thực, vững chắc những vấn đề liên quan đến văn hóa Hát Xoan. Sao chép các tài liệu về văn hóa Hát Xoan bằng máy quay phim HD, DVCAM, máy ảnh kỹ thuật số, băng, đĩa ghi âm để lưu giữ tại các cơ quan trung ương và địa phương như: Viện Âm nhạc Việt Nam, Bảo tàng Hùng Vương, Trạm vệ tinh Ngân hàng dữ liệu tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Khai thác kiến thức, kỹ năng Hát Xoan của các nghệ nhân cùng với lý lịch cá nhân của họ để thu băng, quay phim, chụp hình. Áp dụng công nghệ số hóa để quản lý, lưu giữ di sản văn hóa Hát Xoan.

Hiện nay, các nguồn tài liệu liên quan đến di sản văn hóa Hát Xoan tản mát, phân tán ở các kho lưu trữ, thư viện, tủ sách tư nhân trong và ngoài nước, do vậy việc sưu tầm, hệ thống hóa đầy đủ các nguồn tài liệu trên cũng là một trong những nhiệm vụ cần thiết phải triển khai thực hiện trong thời gian tới. Tiến hành điều tra kiểm kê di sản Hát Xoan bằng các phương pháp như: Phỏng vấn, ghi hình, ghi âm, ghi chép tư liệu, lập biểu mẫu kiểm kê, tổng hợp hệ thống hóa tư liệu - đây là một trong những quy định bắt buộc của Công ước UNESCO năm 2003 về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, duy trì và nâng cấp phần mềm quản lý, tiếp tục bổ sung thêm các tư liệu sưu tầm được để đưa vào phần mềm quản lý nhằm góp phần cung cấp các thông tin và quảng bá hình ảnh di sản Hát Xoan đến bạn bè trong và ngoài nước.

Hương Giang

Nguồn: Cổng giao tiếp điện tử tỉnh Phú Thọ