Dân đảo làm hướng dẫn viên du lịch

Cập nhật: 19/10/2017
Với mong muốn giới thiệu cho du khách biết đến những cảnh đẹp trên chính quê hương mình, Võ Phúc Sinh (SN 1983, trú thôn Bãi Ông, xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) đã theo đuổi đam mê làm du lịch và trở thành hướng dẫn viên có tiếng ở đảo Cù Lao Chàm.

Võ Phúc Sinh (thứ nhất, bên phải) say sưa giới thiệu với du khách về giếng cổ ở đảo Cù Lao Chàm. Ảnh: N.Trang

“Thổ địa” ở Cù Lao Chàm

Bà con ở xã đảo thường gọi Võ Phúc Sinh với biệt danh “Sinh thổ địa” bởi mọi đường đi lối về hay bài học lịch sử của các di tích trên đảo, anh đều thuộc nằm lòng. Để am hiểu một cách tường tận những kiến thức ấy, Sinh phải trải qua biết bao ngày dài trong tuổi thơ khốn khó theo cha xuống biển học bơi rồi ngụp lặn kiếm từng con ốc; theo mẹ lên núi cao hái rau rừng và nghe các mẹ, các cụ nói với nhau về cội nguồn đảo Cù Lao Chàm.

Nói về đứa con trai của mình, bà Lê Thị Dần tự hào khoe: “Dù thằng Sinh không học cao như người ta, nhưng con tôi rất lanh lợi và ham học hỏi. Kể đến đâu nó học thuộc đến đó, nói tới giếng cổ là nó liền chạy tới xem, chỉ cây ngô đồng có thể dùng đan võng nó cũng bắt chước thử nghiệm. Bà con trên đảo này ai cũng thương mến vì cái tính chất phác, cần cù, chịu khó đó!”. Ngày qua tháng lại, chàng trai trẻ lớn lên và ý thức rõ hơn về ước mơ, đam mê làm du lịch trên quê hương. Ngoài giờ chạy xe ôm trên đảo, Sinh lại tranh thủ vào nhà bảo tàng, thư viện tìm kiếm thêm tư liệu bổ trợ cho “cẩm nang du lịch” do anh tự soạn.

Để tiến gần hơn đến việc thực hiện đam mê làm du lịch, Sinh quyết định rời đảo Cù Lao Chàm, xa tiếng sóng biển vỗ vào bờ cát và bắt đầu hành trình đi học việc tại các công ty làm du lịch lữ hành ở TP.Đà Nẵng. Công cuộc mưu sinh gắn với chặng đường học việc đầy gian nan càng thôi thúc chàng trai miền biển quyết tâm. Dù phải làm bảo vệ giữ xe giữa trời trưa nắng nóng hay rửa ly tách và chén dĩa ở khu bếp lắm nhọc nhằn, Sinh vẫn dặn lòng mình không ngừng cố gắng. Khoảng thời gian rảnh nghỉ trưa, hoặc khi giữ xe cho khách, anh tranh thủ “học lỏm” cách làm việc của những hướng dẫn viên chuyên nghiệp tiếp xúc với các đoàn khách. Chia sẻ về điều này, Sinh nói: “Mình không có điều kiện học lên đại học nên phải chọn con đường này. Có thể sẽ dài hơn, vất vả hơn, nhưng mình luôn tin nếu có quyết tâm thì ắt sẽ làm được”.

Theo đuổi đam mê

Sau hành trình bôn ba học việc nơi đất khách, năm 2013, Sinh trở về đảo Cù Lao Chàm và tham gia lớp đào tạo thuyết minh viên ở địa phương. Tại đây, Sinh được cấp chứng chỉ hành nghề hướng dẫn viên như đúng mong ước của anh từ bé. Dù vậy, cái tên “Sinh thổ địa” vẫn  được người dân trên đảo nhắc đến. Hơn thế, họ còn giới thiệu anh với những du khách có nhu cầu thuê hướng dẫn viên. Nhiều công ty lữ hành cũng giao tour cho Sinh hướng dẫn với mức thù lao 200 nghìn đồng/tour để “kéo” khách về với đảo. Sự hài hước và vốn hiểu biết tường tận mọi thắng cảnh, làng nghề trên đảo giúp Sinh “ghi điểm” với nhiều du khách.

Chẳng hạn, lúc đưa khách đi du thuyền tham quan các hòn đảo, Sinh mang kiến thức mình học được giới thiệu về nghề làm yến ở đảo, rồi theo kinh nghiệm các cụ chỉ dạy, anh hướng dẫn khách cách nhận biết yến nào ngon. Hoặc khi đưa khách tham quan giếng cổ, Sinh bắt đầu từ câu chuyện về người Chăm từng sống trên đảo, nhắc về lịch sử giếng cổ ra đời từ hơn 400 năm trước. Vừa giới thiệu với khách, Sinh vừa kéo một gàu nước mát lạnh từ giếng lên rồi cất câu vè: “Cô nào chồng bỏ chồng chê/ Uống nước giếng cổ chồng mê suốt đời”...

Gần 4 năm làm hướng dẫn viên trên đảo Cù Lao Chàm, tiếng lành về “Sinh thổ địa” vươn xa. Rất nhiều khách đến từ Hà Nội, Cà Mau, TP.Hồ Chí Minh muốn khám phá đảo theo kiểu du lịch tự do, họ liền tìm đến Sinh theo số điện thoại các khách trước đó chuyền tay nhau. Chị Huỳnh Thị Thanh Thảo (du khách Hà Nội) hết lời khen ngợi hướng dẫn viên “Sinh thổ địa”, chị nói: “Nhờ có anh Sinh mà chúng tôi có những ngày du lịch hoàn toàn tự do và thoải mái lên núi, xuống biển. Cảm giác chinh phục những ngọn núi, hái lá rừng, sau đó vòng theo đường tắt xuống phía biển đón hoàng hôn, thực sự rất tuyệt!”.

Một điều rất lạ nhưng được hướng dẫn viên “Sinh thổ địa” làm mỗi khi kết thúc tour, đó là tấm ảnh du lịch kỷ niệm tại đảo Cù Lao Chàm anh tự mình trao tặng cho khách. Sinh chia sẻ: “Mỗi tour khách mang lại cho mình một trải nghiệm, bên cạnh đó cũng là kinh nghiệm làm nghề. Tấm ảnh giá trị không nhiều, tuy nhiên đó chính là tấm chân tình mình dành cho họ với tư cách là người con của đảo!”.

NHƯ TRANG

Nguồn: Báo Quảng Nam