Độc đáo gốm Chăm Bàu Trúc

Cập nhật: 23/10/2017
Trong dịp Lễ hội Katê năm nay, UBND huyện Ninh Phước long trọng tổ chức lễ công bố và đón nhận “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” diễn ra vào ngày 20-10.

Đây là sự kiện văn hóa quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của làng nghề thủ công truyền thống cổ xưa độc đáo nhất Việt Nam. Đồng thời tạo động lực đưa sản xuất, kinh doanh gốm Chăm Bàu Trúc phát triển lên tầm cao mới.

Các nghệ nhân làng Bàu Trúc chế tác gốm Chăm mỹ nghệ.

Làng Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân hiện có trên 400 hộ gắn bó với nghề làm gốm, chiếm 70% số hộ đồng bào Chăm sinh sống ở địa phương. Trong đó có 1 HTX và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm, tạo việc làm thường xuyên cho trên 600 lao động có thu nhập trung bình 2-3 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư trên 7,5 tỷ đồng xây dựng hệ thống điện, đường, nhà trưng bày gốm hoàn thành đưa vào sử dụng giữa năm 2007. UBND huyện Ninh Phước vừa đầu tư trên 500 triệu đồng tu sửa làm mới nhà trưng bày và xây dựng khu chế tác gốm đưa vào hoạt động trong dịp đón nhận “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Trao đổi với các nghệ nhân cao tuổi gắn bó với nghề, chúng tôi được biết làng Bàu Trúc là khu dân cư duy nhất trong các làng Chăm trên địa bàn tỉnh có nghề làm gốm. Tương truyền nghề gốm do vợ chồng ông Pôklong Chanh truyền dạy cho dân làng gìn giữ phát triển hàng trăm năm qua. Hiện nay, tại Bàu Trúc còn đền thờ Pôklong Chanh được dân làng cúng tế vào dịp Lễ hội Katê hằng năm để tưởng nhớ công ơn của vị tổ nghề gốm.

Phụ nữ Chăm ở làng Bàu Trúc đều phải học nghề gốm. Đất sét được lấy từ cánh đồng Bàu Trúc đưa về đập nhỏ. Trước khi nặn gốm, người thợ phải đào hố ủ đất qua một đêm với lượng nước vừa phải. Sáng hôm sau, đem đất đã ủ trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Nét độc đáo trong công đoạn chế tác gốm Chăm là phụ nữ nặn gốm hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay như những nơi khác. Người thợ đi xuôi, ngược vòng kim đồng hồ quanh bệ gốm để chế tác sản phẩm.

Bàu Trúc là làng gốm duy nhất ở Việt Nam mà người thợ chỉ dùng bàn tay tài hoa của mình để cho ra đời những sản phẩm đất nung độc đáo. Sau khi tạo dáng, gốm thô được đưa ra phơi nắng 4-6 giờ rồi dùng mảnh sành hoặc cật tre làm láng và trang trí hoa văn. Mỗi gia đình sản xuất gốm mộc trong thời gian năm, mười ngày đưa vào lò hoặc xếp lộ thiên nung chín sản phẩm. Thời gian đốt từ 4-5 giờ là gốm chín có sắc đỏ tươi nguyên của màu đất được tôi luyện qua lửa.

Các nghệ nhân làng Bàu Trúc có thể làm hàng trăm loại sản phẩm gốm theo nhu cầu thị trường và theo “đơn đặt hàng” của khách hàng. Từ gốm mỹ nghệ như tượng nữ thần Apsara, phù điêu trang trí nội thất, bình nước phong thủy đến các vật dụng gốm truyền thống cần thiết cho đời sống thường ngày như ấm đất, khuôn đổ bánh căn, bánh xèo, lu đựng nước, nồi đất, lò đun than củi…

Các nghệ nhân Đàng Thị Phan, Đàng Thị Lực, Đàng Thị Triều, Đàng Thị Hoa… góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu gốm Chăm Bàu Trúc. Tháng 3- 2005, Nghệ nhân Đàng Thị Phan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử sang Nhật Bản tham dự triển lãm Expo tại thành phố Aichi. Bà mang theo 50 kg đất sét làng Bàu Trúc biểu diễn chế tác gốm Chăm phục vụ triển lãm, được người dân nước bạn tán thưởng.

Nghệ nhân Đàng Thị Phan phấn khởi: Một đời gắn bó nghề gốm của tôi có niềm vui lớn nhất là lần đầu tiên được đi máy bay mang theo đất sét làng Bàu Trúc qua Nhật Bản chế tác gốm Chăm mỹ nghệ. Niềm vui lớn thứ hai là nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và chính quyền các cấp đối với nghề gốm truyền thống của đồng bào Chăm. Còn sức khỏe là tôi còn làm gốm và truyền nghề cho các thế hệ con cháu trong làng.

Ông Trượng Thống, Bí thư Chi bộ khu phố 7 (tên hành chính làng Bàu Trúc) cho biết: Nghệ thuật làm gốm của đồng bào Chăm Bàu Trúc được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào của các thế hệ người dân trong làng qua hàng trăm năm gìn giữ nghề làm gốm truyền thống. Qua đó tạo động lực đưa nghề gốm phát triển bền vững gắn với du lịch làng nghề, góp phần nâng cao toàn diện đời sống người dân Bàu Trúc.

Sơn Ngọc

Nguồn: Báo Ninh Thuận