Cồn Thới Sơn khai thác thế mạnh sinh thái

Cập nhật: 24/11/2017
Tiền Giang là một tỉnh có thế mạnh về du lịch sinh thái (DLST) trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, cù lao Thới Sơn với hệ sinh thái mang đậm nét đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ, tiêu biểu cho bản sắc sinh thái miệt vườn là điểm dừng chân không thể bỏ qua.

Điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn

Cù lao Thới Sơn (thuộc ấp Thới Hòa, xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) hay còn gọi cồn Lân nằm trong hệ thống bốn cù lao “Tứ Linh”: Long, Lân, Quy, Phụng được ví như những viên ngọc quý của sông Tiền.

Hiện nay, ở Thới Sơn đã có một số sản phẩm du lịch, dịch vụ phục vụ khách du lịch như:

Dịch vụ đờn ca tài tử

Những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu của du khách, các nhóm nhạc tài tử hợp lại với nhau thành khu vực đờn ca tài tử mang tính bán chuyên nghiệp. Bên cạnh nghề chính là làm nông họ còn phục vụ văn nghệ khi có yêu cầu. Nhân viên phục vụ đờn ca tài tử ở cù lao Thới Sơn là những người dân địa phương, rất thân thiện, gần gũi với khách, sẵn sàng phục vụ khi khách muốn nghe. Đến đây, du khách vừa ăn trái cây, vừa nghe đờn ca tài tử trong khung cảnh vườn cây ăn trái; trải nghiệm này rất hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.

Dịch vụ xuồng tham quan

Hầu hết du khách đến đây đều tham gia dịch vụ bơi xuồng để được ngắm nhìn hàng dừa nước mọc san sát nhau hai bên bờ, những hàng thủy liễu xanh tươi nghiêng mình chào đón.

Công việc bơi xuồng phục vụ du lịch đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân nơi đây. Nhân viên bơi xuồng rất nhiệt tình và mến khách. Tuy nhiên, đa số có trình độ ngoại ngữ hay kiến thức chuyên môn về du lịch sinh thái hạn chế. Bên cạnh đó, vì đường bơi xuồng hẹp nên thường xuyên gây ùn tắc khi có nhiều xuồng qua lại cùng lúc.   

Tham quan vườn trái cây và các làng nghề truyền thống

Đến với Thới Sơn, du khách có dịp tham quan vườn cây ăn trái đặc sản, tham quan làng nghề truyền thống: cơ sở làm kẹo, bánh tráng, nấu rượu, nuôi ong. Đặc biệt, du khách có thể thưởng thức trái cây hái từ vườn và uống trà mật ong từ những cơ sở nuôi ong lâu đời trên mảnh đất cù lao này.

Dịch vụ tát mương bắt cá

Dịch vụ này tái hiện cuộc sống của những người dân Nam Bộ “chân lấm tay bùn”, đang hấp dẫn thị trường khách nội địa nhất là học sinh, sinh viên, những người thành thị muốn trở về với thiên nhiên, trải nghiệm cảm giác làm nông dân vất vả, bắt tôm cá phục vụ cho bữa ăn của mình.

Các dịch vụ khác

Ở Thới Sơn còn có dịch vụ bán quà lưu niệm, với những món quà đặc sắc làm từ dừa. Trải nghiệm đời sống sinh hoạt cộng đồng địa phương (tham gia sinh hoạt, chế biến các món ăn Nam Bộ, trồng trọt…) và nghỉ đêm ở nhà dân (homestay) cũng là loại hình đang được du khách quan tâm.

 

Bên cạnh đó, còn có dịch vụ đi xe đạp hay xe ngựa tham quan cảnh sắc thiên nhiên, tìm hiểu đời sống cộng đồng địa phương trên cù lao; tham dự đám cưới cổ truyền của người dân Nam Bộ xưa (do các công ty du lịch tổ chức cho du khách nước ngoài xem); ngắm nhìn những ngôi nhà cổ của người dân Thới Sơn vẫn giữ được nét cổ kính, nguyên sơ (điểm du lịch của nhà ông Tám Cho là một tiêu biểu về kiểu nhà xưa).

Nhìn chung, Thới Sơn có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn kết hợp du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch cộng đồng. Thới Sơn cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km lại nằm trên tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho, đây là điều kiện rất thuận lợi để thu hút khách, đặc biệt là khách từ thành phố Hồ Chí Minh về nghỉ cuối tuần.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận cho đến nay sản phẩm du lịch ở Thới Sơn còn trùng lắp; các tuyến điểm phục vụ du lịch có nơi thì quá tải như các điểm du lịch ở Thới Sơn 4, Thới Sơn 5, có nơi lại vắng khách như điểm du lịch Thới Sơn 1. Tại các khu, điểm tham quan du lịch còn xảy ra tệ nạn cò mồi, tranh giành khách; tình trạng mua bán cạnh tranh không lành mạnh tại các điểm tham quan đã làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch, việc phối hợp giữa các ngành có liên quan để giải quyết và xử lý cũng chưa dứt điểm.

Những việc cần làm để phát triển du lịch sinh thái cồn Thới Sơn

Phát triển cơ sở hạ tầng và lưu trú du lịch

Để khách ở lại với Khu du lịch sinh thái Thới Sơn lâu hơn, cần phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, ăn uống của du khách. Để đạt được điều này, cần tổ chức các loại dịch vụ gắn liền với thiên nhiên, tạo cho du khách sự tò mò như: xây các tuyến đường nội bộ, đường mòn thiên nhiên với hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo đầy đủ cả về số lượng và nội dung; xây các con đường mòn để tham quan vườn trái cây; tổ chức các cuộc thi cắm trại vào ban đêm với những phần quà thú vị dành cho du khách. Khách quốc tế thường rất thích khám phá và học hỏi, đặc biệt họ thích hòa mình vào thiên nhiên nên khu du lịch có thể xây dựng những nhà trọ bằng cây lá xung quanh để giữ chân họ ở lại với Thới Sơn lâu hơn.

Cơ sở lưu trú cho khách cần được trang bị đầy đủ, sạch sẽ và thuận tiện nhưng không phô trương. Khách DLST thường là những người không đòi hỏi tiện nghi mà mục đích chính của họ là muốn hòa mình với thiên nhiên, khám phá những điều giản dị của tự nhiên và văn hóa bản địa.

Hệ thống giao thông là yếu tố rất quan trọng trong tổng thể khu du lịch. Cần thiết kế sao cho du khách vừa có thể đi lại thuận tiện, vừa có khả năng tiếp xúc gần nhất để quan sát các loài động vật hoang dã mà không ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của chúng - đặc biệt là vào mùa sinh sản.

Phát triển nguồn nhân lực

Cần đẩy mạnh việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng phục vụ cơ bản cho cán bộ, nhân viên và cộng đồng địa phương tại điểm tham quan du lịch sinh thái; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch chủ động nâng cao trình độ nguồn nhân lực của đơn vị.

Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng và trung cấp ở thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Tiền Giang để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong tương lai, đặc biệt là lực lượng hướng dẫn viên tại điểm.

Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Khu DLST Thới Sơn đã đón nhiều du khách trong và ngoài nước trong thời gian qua, đặc biệt là khách quốc tế và lượng khách này ngày càng tăng. Do đó trong tương lai, khu du lịch nên chú trọng hơn vào thị trường khách này, chủ yếu là khách đến từ châu Âu, Australia, các đoàn khách nước ngoài từ thành phố Hồ Chí Minh xuống tham quan, học sinh đi thực tế…

Hiện nay, các sản phẩm dịch vụ của Thới Sơn còn nghèo nàn, chỉ có bơi xuồng, đờn ca tài tử... Vì vậy, cần phát triển các loại hình mới để tạo thêm sức hấp dẫn đối với du khách. Chẳng hạn, có thể đưa một số trò chơi dân gian vào hoạt động du lịch như đánh đu, bắt vịt dưới ao, chọi gà, chọi cá, đua thuyền... tạo sự mới mẻ cho du khách, giới thiệu văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Xây dựng mô hình nhà vườn ở đồng bằng sông Cửu Long vào đầu thế kỷ 20, nhằm khôi phục khung cảnh miệt vườn với vườn cây ao cá đậm chất Nam Bộ, là nơi du khách có thể tham quan và nghỉ lại qua đêm.

Nếu như Bến Tre có kẹo dừa thì Thới Sơn có những sản phẩm từ mật ong được nhiều du khách ưa thích. Vì thế, cần học hỏi những kỹ thuật hiện đại nhằm nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm này.

Khu du lịch cần phối hợp với các đoàn thể tổ chức các cuộc thi: hội thi ẩm thực, hội thi làng nghề truyền thống…, qua đó nâng cao tay nghề và chọn lựa bổ sung những sản phẩm mới cho du lịch.

Tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước

Tăng cường tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch sinh thái như: tích cực tham gia các lễ hội, hội thi liên quan, hội chợ do Tổng cục Du lịch và các tỉnh thành tổ chức. Hoàn thành tập bưu ảnh, tập sách…, đặt bảng chỉ dẫn để du khách biết đường và địa điểm đến khu du lịch. Xây dựng chuyên đề trên các báo, đài truyền hình địa phương và trung ương để giới thiệu về nét đẹp của Thới Sơn; mở thêm các quầy trưng bày và bán sản phẩm quà lưu niệm, sản phẩm du lịch, hàng thủ công mỹ nghệ của địa phương để giới thiệu những sản phẩm đặc thù của khu du lịch.

Bên cạnh đó, cần xác định thị trường khách mà khu du lịch hướng đến, tùy vào từng đối tượng khách mà có chiến lược thu hút khách khác nhau. Nếu là khách nội địa và châu Á thì tiếp thị cho họ đến khu Thới Sơn 4 vì khu này rất sầm uất. Và nếu là khách châu Âu thì nên quảng bá những khu còn hoang sơ chưa có nhiều sự tác động của con người.

Tài liệu tham khảo

1. Thế Đạt, (2003), Du lịch và du lịch sinh thái, NXB Lao Động Hà Nội.

2. Phạm Trung Lương và Hoàng Hoa Quân, Nguyễn Ngọc Khánh, Nguyễn Văn Lanh, Đỗ Quốc Thông, Du lịch sinh thái - Những vấn đề về lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, NXB Giáo Dục.

3. Trần Văn Thông, (2006), Tổng quan du lịch, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

* Khoa Văn hóa – Du lịch, Trường Đại học Đồng Tháp

**Khoa Văn hóa – Trường Đại học Hạ Long

ThS. Trần Thanh Thảo Uyên*

ThS. Ngô Hải Ninh**

Tạp chí Du lịch

Nguồn: : VTR