Quảng Ninh: Vì môi trường kinh doanh du lịch không có "sạn"

Cập nhật: 27/11/2017
Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới hết năm 2017, nhưng có thể nói những gì mà ngành Du lịch Quảng Ninh đạt được trong thời gian qua là kết quả đáng ghi nhận. So với mục tiêu đề ra năm 2017, ngành Du lịch đã về đích trước 2 tháng. Đây cũng là năm ngành Du lịch chú trọng nhiều đến công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn.

Vẫn còn những “hạt sạn”

Bên cạnh những chuyển biến tích cực về phát triển du lịch, ngành Du lịch Quảng Ninh cũng còn đối mặt với không ít hạn chế, bất cập. Nhiều vụ việc vi phạm trong hoạt động du lịch liên tiếp xảy ra. Đặc biệt là hoạt động kinh doanh lữ hành đón khách qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Hiện tượng các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, bị phía đối tác ép giá, doanh nghiệp phải chấp nhận và chỉ đạo hướng dẫn viên ép khách mua thêm tour đến các điểm tham quan, mua sắm ở các điểm bán hàng, gây bức xúc đối với khách du lịch và làm xấu đi hình ảnh của du lịch Quảng Ninh, Việt Nam.

Đồng chí Vũ Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn liên ngành kiểm tra một cơ sở mua sắm phục vụ khách du lịch tại TP Móng Cái
Đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn liên ngành kiểm tra một cơ sở mua sắm phục vụ khách du lịch tại TP Móng Cái.

 

Theo phản ánh của doanh nghiệp và Hiệp hội Du lịch tỉnh, hiện nay doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc đang chào giá sang Việt Nam theo hướng: Khi đến một điểm du lịch tại Trung Quốc (như Bắc Hải, Quế Lâm, Nam Ninh…) khách sẽ được khuyến mại đi Việt Nam (Hạ Long, Quảng Ninh và một số cảnh điểm tại Hà Nội) với giá thấp (khoảng 150 - 170 NDT/khách/4 ngày 3 đêm, tương đương với 500.000 - 560.000 đồng). Trong khi thực tế, mức chi phí thấp nhất cho một khách ở mức 1,7 triệu đồng – 2 triệu đồng/khách/chương trình 4 ngày 3 đêm (không bao gồm chi phí cấp visa, theo quy định là 25 USD/khách). Hiện nay, thông thường khi đến Quảng Ninh khách sẽ phải đến từ  3 - 4 điểm mua hàng. Và khi khách đến các điểm mua hàng, công ty lữ hành hai bên, hướng dẫn viên Trung Quốc, Việt Nam và lái xe sẽ được các điểm bán hàng trích hoa hồng và tiền “đầu khách”. Số tiền này sẽ bù đắp phần còn thiếu của giá tour và lương của hướng dẫn viên.

Thêm nữa, hoạt động của một số cơ sở mua sắm phục vụ khách du lịch lữ hành Trung Quốc cũng đang nổi lên nhiều vấn đề phức tạp. Cũng theo phản ánh của một số công ty lữ hành, hiện nay, chủ các cửa hàng cấu kết trực tiếp với các công ty du lịch lữ hành hai bên, qua đó đưa ra các điều kiện để các công ty lữ hành đưa khách đến các điểm mua hàng với mức hoa hồng và tiền “đầu khách”, doanh nghiệp lữ hành sẽ được hưởng 40 – 60% doanh thu bán hàng.

Số tiền được cửa hàng chi trả, công ty lữ hành bù đắp vào chi phí thực tế cho khách, thu nhập của công ty, hướng dẫn viên… Tỷ lệ hoa hồng này không ổn định. Một số cửa hàng có dấu hiệu giao dịch ngoại tệ trái phép, bán hàng không xuất hóa đơn tài chính, mức thuế khoán còn thấp, chưa sát với thực tế. Việc giới thiệu về hàng hóa không đúng với xuất xứ và giá trị thật; sử dụng người nước ngoài thực hiện nhiệm vụ giới thiệu và bán hàng, trái với quy định; thực hiện chưa nghiêm quy định về niêm yết giá, ghi nhãn mác hàng hóa theo quy định, v.v..

Cùng với đó, hoạt động vận chuyển khách du lịch trên Vịnh Hạ Long vẫn còn phát sinh các vấn đề phức tạp, đặc biệt là các nội dung liên quan đến hành vi “chặt chém” khách vẫn xảy ra.

Kiểm tra nhiều, xử lý nghiêm

Trước những tồn tại, bất cập trên, thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh cùng các ngành chức năng, địa phương liên quan đã tích cực vào cuộc, tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Thanh tra Sở Du lịch kiểm tra hướng dẫn viên tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu
Thanh tra Sở Du lịch kiểm tra hoạt động hướng dẫn viên du lịch tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu.

 

TP Hạ Long và TP Móng Cái là những địa bàn trọng điểm về du lịch, luôn phát sinh nhiều vấn đề về môi trường kinh doanh du lịch đã vào cuộc một cách quyết liệt. Theo đó, UBND TP Hạ Long đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện công tác quản lý về môi trường kinh doanh du lịch, đặc biệt là các giải pháp mạnh để ngăn chặn các vi phạm. Chỉ tính riêng trong tháng 10/2017, UBND TP Hạ Long đã kiểm tra, phát hiện và đề xuất xử phạt nhiều cơ sở có hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại, dịch vụ. Trong đó, 9 cơ sở vi phạm niêm yết giá; 1 vụ bán hàng giả; xử phạt 13 cơ sở vi phạm vệ sinh ATTP...

Cũng trong tháng 10, TP Móng Cái đã kiểm tra 45 trường hợp, xử lý 38 trường hợp, nộp ngân sách 49.850.000 đồng và phát mại hàng hóa 22.600.000 đồng, trị giá hàng tiêu hủy là hàng giả và vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm 45.200.000 đồng... Cùng với các địa phương, các ngành như Cục thuế tỉnh, Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở Giao thông - Vận tải ... cũng đã vào cuộc một cách tích cực. Đặc biệt, Sở Du lịch đã tổ chức các chương trình kiểm tra về lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú và cơ sở dịch vụ; phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các đơn vị vi phạm; phối hợp với Cục Du lịch Quảng Tây (Trung Quốc) triển khai một số giải pháp quản lý hoạt động du lịch biên giới; tổ chức rà soát các điểm dịch vụ, cơ sở bán hàng, các doanh nghiệp lữ hành.

Trong 10 tháng năm 2017, Sở Du lịch đã kiểm tra 1.150 tổ chức, cá nhân trong đó có 1.017 hướng dẫn viên du lịch, 98 cơ sở lưu trú du lịch, 32 đơn vị kinh doanh lữ hành, 1 cơ sở đạt chuẩn và 2 bãi tắm du lịch. Kết quả, đã xử lý vi phạm hành chính đối với 123 tổ chức, cá nhân (trong đó 91 hướng dẫn viên, 18 công ty lữ hành và 14 cơ sở lưu trú) với số tiền phạt là 727.900.000 đồng. Phạt bổ sung, tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của 5 doanh nghiệp trong thời hạn 12 tháng, tước quyền sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch có thời hạn của 2 hướng dẫn viên; tịch thu 11 thẻ hướng dẫn viên du lịch giả, 4 thẻ hướng dẫn viên du lịch hết hạn. Đồng thời, giải đáp 96 trường hợp về thông tin du lịch, tiếp nhận và phối hợp giải quyết 18 trường hợp kiến nghị của khách du lịch.

Ông Lê Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Du lịch, đánh giá: Trong thời gian gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và địa phương có liên quan như: Công an tỉnh, UBND TP Hạ Long, Sở Du lịch…, tình hình về môi trường kinh doanh du lịch có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, tính bền vững chưa cao, vẫn còn tiếp tục phát sinh các vấn đề phức tạp, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến hoạt động lữ hành và điểm bán hàng.

Với quyết tâm làm trong sạch môi trường kinh doanh du lịch, phát biểu tại cuộc họp giao ban mới đây, đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ngành địa phương liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện nghiêm các chỉ đạo của tỉnh, nhất là văn bản số 4525 ngày 22/6/2017 của UBND tỉnh. Theo đó, tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý giá, chất lượng hàng hóa, hình thức thanh toán, quản lý ngoại hối, người lao động tại các cơ sở bán hàng cho các đoàn khách, tour du lịch trên địa bàn TP Hạ Long và TP Móng Cái. Đồng thời, cần tiếp tục kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến chất lượng phục vụ, việc thực hiện các chương trình tour du lịch đã bán cho khách và hoạt động của hướng dẫn viên du lịch...


Thu Nguyên

Nguồn: Báo Quảng Ninh