Ðà Lạt đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân và du khách

Cập nhật: 27/11/2017
Thành phố Ðà Lạt là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, vừa là thành phố du lịch, hàng năm thu hút khoảng 4 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, vừa là trung tâm tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo của quốc gia, khu vực và quốc tế. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án chỉnh trang đô thị và các dịch vụ du lịch gia tăng kéo theo lượng khách và di dân tự do đến thành phố ngày càng nhiều, nên việc giải quyết các vấn đề về vệ sinh môi trường; xử lý nước thải, rác thải; vệ sinh an toàn thức ăn đường phố còn nan giải.
Chủ quán phở Vy - Đà Lạt (đứng giữa) mời thực khách tham quan khu vực nấu nước dùng do chị tự sáng tạo ra dây chuyền hầm bằng điện đảm bảo vệ sinh ATTP. Ảnh: A.N
Chủ quán phở Vy - Đà Lạt (đứng giữa) mời thực khách tham quan khu vực nấu nước dùng do chị tự sáng tạo ra dây chuyền hầm bằng điện đảm bảo vệ sinh ATTP. Ảnh: A.N


Các loại hình kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm ngày càng tăng và biến động khó lường ở hầu hết các địa bàn thành phố nên việc quản lý, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) còn gặp nhiều khó khăn. Toàn thành phố Đà Lạt có 4.653 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống được quản lý; trong đó có 163 cơ sở do cấp tỉnh quản lý, 2.157 thuộc tuyến thành phố quản lý và 2.333 cơ sở thuộc tuyến xã, phường quản lý.

 

Ghi nhận từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn TP Đà Lạt xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm (cơ sở gây ra ngộ độc thực phẩm do tuyến tỉnh quản lý): Vụ thứ nhất có 41 người nhập BVĐK tỉnh điều trị, không có trường hợp nặng; vụ thứ 2 có 17 người nhập viện do rối loạn tiêu hóa. Lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra 5.424 cơ sở thực phẩm, phát hiện và xử lý 114 vụ vi phạm, đề xuất phạt 171,5 triệu đồng. Trong đó, các cơ sở vi phạm về: hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không có giấy khám sức khỏe; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc có nhưng đã hết hạn; vệ sinh khu vực chế biến thực phẩm không đảm bảo…

 

Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của thành phố đã kiểm tra 39 cơ sở sản xuất rượu và test nhanh 54 mẫu để phát hiện methanol, kết quả đã phát hiện 17 mẫu rượu có chứa methanol tại 14 cơ sở sản xuất chế biến rượu thủ công và 1 cơ sở kinh doanh thực phẩm, phạt hành chính 53 triệu đồng. Các đơn vị chức năng cũng đã kiểm tra 76 quầy đặc sản tại khu A chợ Đà Lạt, phát hiện và xử lý 76 cơ sở này đều có vi phạm, phạt hành chính 86,75 triệu đồng.

 

Qua công tác kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y tại các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã thực hiện kiểm tra trên 25.500 con heo, 2.805 con bò và 129.000 con gia cầm. Kiểm tra, xử lý vi phạm việc giết mổ động vật ở những địa điểm không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục cho phép. Phát hiện và xử lý phạt hành chính 1 cơ sở giết mổ tại Phường 9 số tiền 37,5 triệu đồng và tiêu hủy 63 con vịt đã giết mổ với trọng lượng 107 kg.

 

Ngành Y tế thành phố đã tiến hành kiểm tra 3.703 cơ sở, qua đó phát hiện 940 cơ sở vi phạm, nhắc nhở 925 cơ sở; phạt tiền 24 cơ sở 37 triệu đồng, trong đó thành phố xử phạt 15 cơ sở và các phường xử phạt 9 cơ sở. 

 

Để hỗ trợ cho công tác kiểm tra ATTP, công tác xét nghiệm đã tiến hành test nhanh kiểm soát cảnh báo ô nhiễm hóa chất, phụ gia trong thực phẩm như: Hàn the, Foocmon, phẩm màu, Methanol, độ ôi khét dầu mỡ và Hypochlorid. Với tổng số 287 mẫu được lấy tại 134 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ nấu ăn, quầy bánh mì, tạp hóa, hàng rong, phát hiện 17 mẫu dương tính Methanol và 1 mẫu dương tính hàn the. Từ đó, thông tin cảnh báo người dân trên địa bàn về tác hại của rượu không rõ nguồn gốc và tuyên truyền giáo dục sức khỏe về biện pháp phòng ngừa ngộ độc rượu.

 

Các giải pháp tuyên truyền về ATTP được đẩy mạnh. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo liên ngành ATTP của TP Đà Lạt, công tác quản lý ATTP có nhiều chuyển biến so với các năm trước. Nhận thức của người dân về đảm bảo ATTP cho sức khỏe ngày càng nâng lên. Việc phổ biến tuyên truyền các văn bản pháp luật về ATTP cho tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người dân được quan tâm thường xuyên. Cụ thể, tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật cho 500 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, hàng đặc sản trên địa bàn về các quy định liên quan đến kinh doanh dịch vụ, xây dựng văn minh trong kinh doanh thương mại. Đồng thời, đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP thành phố lồng ghép tuyên truyền pháp luật về ATTP tại các cơ sở được kiểm tra. Trung tâm Y tế thành phố tổ chức tập huấn, xác nhận kiến thức ATTP cho 181 người làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn Đà Lạt. Treo 47 băng rôn tuyên truyền về ATTP tại các cơ sở y tế, khu vực đông dân cư. Tổ chức truyền thông trực tiếp 420 buổi cho 41.482 lượt người; thông qua hệ thống truyền thông phường, xã phát thông điệp về ATTP 10 lần/tháng/phường, xã. Triển khai chương trình phối hợp giữa UBND TP Đà Lạt và UB MTTQ VN thành phố về vận động, giám sát đảm bảo ATTP giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn, hiện đã triển khai giám sát ATTP tại các phường, xã.

 

Trong thời gian tới, TP Đà Lạt tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch cải thiện tình trạng thức ăn đường phố năm 2017 trên địa bàn thành phố; xây dựng các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; xây dựng chợ an toàn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh xanh - sạch - đẹp; tăng cường kiểm tra, giáo dục, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, giám sát thường xuyên, phấn đấu đạt được những mục tiêu đề ra về đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người dân và du khách.

An Nhiên

Nguồn: baolamdong.vn