Huy động nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu

Cập nhật: 07/12/2017
Trong bốn ngày 5-8/12, các hội nghị về phát triển ít phát thải các-bon châu Á, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu đã được tổ chức tại TP.HCM. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng chủ trì tổ chức Hội nghị.

ICLEI – Tổ chức Các chính quyền địa phương vì sự phát triển bền vững vừa phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn Chiến lược phát triển ít phát thải các-bon châu Á 2017 (ALP) trong hai ngày 5 và 6/12/2017.

Ông Phạm Hoàng Mai phát biểu tại Hội nghị.

Sau đó, Hội nghị lần thứ 3 về Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các đô thị khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2017 (RCAP) sẽ được tổ chức trong hai ngày 7 và 8/12/2017.

Thông tin cho biết, với chủ đề Huy động nguồn lực cho thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) tại khu vực châu Á, Diễn đàn ALP năm nay giới thiệu các công cụ, phương pháp luận, khuôn khổ thực hiện và các bài học thành công trong khu vực, góp phần vào việc thực hiện thành công NDC.

Diễn đàn bao gồm các cuộc thảo luận về sự phù hợp, tầm quan trọng và các cách thức thực hiện để đạt được sự minh bạch trong thực hiện và giám sát NDC. Sự kết hợp của chính quyền cấp địa phương cũng như những lợi ích của sự kết hợp này trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của NDC cũng là chủ đề chính được thảo luận tại Diễn đàn…

Theo TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tiếp sau sự kiện Việt Nam tham gia Thỏa thuận Paris về khí hậu được thông qua tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21, tháng 11/2015), với cam kết thông qua NDC, các cơ quan Chính phủ và các đối tác phát triển đã có nhiều hoạt động để thúc đẩy thực hiện các cam kết quan trọng này.

“Hội nghị đã tập trung thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện NDC trong mối liên hệ chặt chẽ với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển ít phát thải các-bon với nhận thức là việc hiện thực các mục tiêu của NDC cần thông qua thúc đẩy phát triển phát thải

ít các-bon trong các ngành giao thông – vận tải, phát triển đô thị xanh và thông minh, năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả năng lượng”, ông Phạm Hoàng Mai cho biết.

Cũng theo ông Phạm Hoàng Mai, ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ chỉ có hiệu quả nếu được lồng ghép tốt vào các quy trình lập kế hoạch và ngân sách có liên quan và nếu dựa trên

việc đánh giá chính xác các chi phí và lợi ích của các biện pháp thực hiện và lựa chọn các biện pháp đem lại nhiều lợi ích nhất và hướng tới những lựa chọn không hối tiếc.

Còn theo ông Ron Benioff, Giám đốc LEDS toàn cầu, các quốc gia châu Á dẫn đầu trong việc chuyển đổi nền kinh tế ở cấp quốc gia và địa phương theo hướng ít phát thải các-bon, cho phép tăng trưởng kinh tế bền vững, sử dụng tài nguyên hiệu quả, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

“Những nỗ lực này phù hợp với các mục tiêu phát triển và thực hiện thành công NDC của quốc gia theo Thoả thuận khí hậu ở Paris”, ông Ron Benioff nói.

Được biết, Hội nghị lần thứ 3 về Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các đô thị khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2017 (RCAP) sẽ thảo luận về những tác động của UNFCCC COP 23 đối với các cuộc đối thoại đang diễn ra về khả năng chống chịu biến đổi khí hậu của đô thị, đồng thời mời các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và khuyến khích các thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện thông qua các hành động của địa phương liên quan đến khả năng chống chịu biến đổi khí hậu.

Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về COP 23 và thảo luận về các chủ đề như xây dựng kế hoạch hành động khí hậu của thành phố, xây dựng mạng lưới khu vực để tăng cường sự phối hợp, xây dựng và thực hiện kế hoạch chống chịu với biến đổi khí hậu của các thành phố cấp 2, quản lý nguồn lực tổng hợp…

“Đây là một cơ hội rất tốt để các đại biểu tham gia có thể đóng góp ý kiến trong quá trình đối thoại về thích ứng với biến đổi khí hậu trong khuôn khổ RCAP ngay sau khi diễn ra UNFCCC COP23, và thảo luận về các tác động đối với quá trình trao đổi thông tin đang diễn ra về khả năng chống chịu của đô thị”, Tổng thư ký ICLEI Gino Van Begin nói.

Cả hai sự kiện này được cho là sẽ đưa ra một nền tảng lý tưởng để giải quyết những thách thức mà các quốc gia và thành phố phải đối mặt trong việc áp dụng các giải pháp chống chịu biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu của NDC. Diễn đàn sẽ thúc đẩy mối quan hệ đối tác bền vững trong tương lai.

Khoảng 200 đại biểu đến từ 28 quốc gia trên toàn thế giới đã và sẽ tham dự Hội nghị RCAP và Diễn đàn ALP 2017.

Nguồn: thiennhien.net