Cam kết cải thiện xếp hạng về năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam

Cập nhật: 03/01/2018
Để tăng cường hiệu quả của việc tạo lập môi trường du lịch sạch - thân thiện - an toàn, khối doanh nghiệp tư nhân cam kết thực hiện đồng hành cùng Chính phủ, đến năm 2020 sẽ cải thiện xếp hạng về năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam lên 6 - 10 bậc. Đây là những cam kết đưa ra trong Sách trắng Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2017.

Ông Trần Anh Vương, Trưởng Ban Tổ chức VPSF công bố ra mắt Sách trắng VPSF 2017

 

Chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân

Tại Hà Nội, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (DNT) và Sáng kiến phát triển khu vực tư nhân tiểu vùng Mekong MBi (Do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Úc thiết lập) vừa công bố kết quả Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) 2017 với tên gọi Sách trắng Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2017.

Đây là cam kết với Thủ tướng Chính phủ sau Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2 tổ chức ngày 31/7/2017, cũng như kết quả đối thoại, phân tích kết quả bộ chỉ số khảo sát Niềm tin Doanh nhân (CEO.CI), cập nhật những thay đổi theo cam kết của các bộ, ngành, địa phương từ phiên đối thoại tại Diễn đàn đến nay.

Theo Sách trắng Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2017, sau những chỉ đạo của Thủ tướng tại Diễn đàn, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động triển khai để cùng chung tay tháo gỡ những khó khăn cho khối doanh nghiệp tư nhân, cùng đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế. Chính phủ tiếp tục có những quyết sách và chỉ đạo quyết liệt, cụ thể như ban hành Nghị quyết 98 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (ngày 3/10/2017).

Trước đề xuất của VPSF về việc dành ưu tiên quyền tiếp cận cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân và đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, thay đổi cách thức khai thác và cơ cấu nguồn vốn, Chính phủ đã có nhiều biện pháp và thành công cụ thể trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Ba lĩnh vực trọng tâm của VPSF trong năm 2017 là Kinh tế số, Nông nghiệp và Du lịch đều có sự thay đổi tích cực. Về Kinh tế số, việc ứng dụng kinh tế số vào mọi lĩnh vực kinh tế như thu thuế điện tử, thanh toán điện tử, thực hiện thủ tục hành chính điện tử, thông qua điện tử, giảm giao dịch tiền mặt, ứng dụng số vào quản trị, đào tạo… Trong lĩnh vực Nông nghiệp, ngay sau Diễn đàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương dự thảo sửa đổi và lấy ý kiến về sửa đổi hoặc ban hành mới Nghị định thay thế Nghị định 210 về khuyến khích đầu tư trong nông nghiệp theo hướng tích cực và thuận lợi hơn. Bộ Nông nghiệp đã lập cơ quan xúc tiến thương mại chuyên trách và Quốc hội đã sửa Luật về cơ quan đại diện thông thoáng hơn với đại diện các bộ kinh tế ở nước ngoài.

Trong lĩnh vực Du lịch, những điểm nghẽn của Du lịch Việt Nam đã và đang từng bước được tháo gỡ, với sự tham gia tích cực của cả khối doanh nghiệp tư nhân đồng hành cùng với Chính phủ cùng các địa phương.

Cam kết đóng góp 70 tỷ đồng vào Quỹ quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia

Theo công bố của Sách trắng Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2017, về lĩnh vực Du lịch, kết quả có thể nhìn thấy rõ nhất sau Diễn đàn VPSF, Bộ Công an đã mở rộng diện du khách được miễn thị thực lên 46 nước/ lãnh thổ, thay vì 40 như trước đây với mức hợp lý hơn. VPSF đề xuất ba vấn đề trọng tâm cần tháo gỡ là: Thay đổi cơ chế, phương pháp thực hiện chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia; Thực hiện chính sách thị thực cởi mở cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; Cải thiện môi trường điểm đến du lịch.

Để thúc đẩy quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia, khối doanh nghiệp cam kết từ nay đến 2020 đóng góp 70 tỷ đồng vào Quỹ quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia. Đồng thời tham gia tích cực quảng bá Việt Nam tại các Hội chợ du lịch quan trọng. VPSF khuyến nghị Chính phủ đầu tư nguồn lực để tham gia liên tục và hiệu quả hơn vào hai hội chợ Du lịch quốc tế thường niên là Hội chợ ITB Berlin (tháng 3 hằng năm) và Hội chợ WTM London (tháng 11 hằng năm). Đẩy mạnh tiếp thị trực tuyến (E-marketing) là một phần khuyến nghị được VPSF đưa ra. Theo đó, các doanh nghiệp cam kết cùng với TCDL xây dựng và phát triển website du lịch cho thị trường khách quốc tế đến Việt Nam là www. vietnamtourism.vn.

Để tăng cường hiệu quả Chính sách thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam, khối doanh nghiệp cam kết phối hợp với Chính phủ triển khai những biện pháp cụ thể hữu hiệu nhằm thông báo rộng rãi cho các doanh nghiệp du lịch đối tác và du khách tại các quốc gia được áp dụng chính sách miễn thị thực và thị thực điện tử. Góp phần đưa mức tăng trưởng chung của ngành Du lịch cao hơn 15%, riêng đối với các nước được áp dụng miễn thị thực đạt mức tăng trưởng thêm từ 5% - 7%. Đồng thời góp phần đưa giá trị xuất khẩu trên đầu khách từ 830USD/ khách hiện nay lên trên 950 USD/ khách năm 2020.

Để tăng cường hiệu quả của việc tạo lập môi trường du lịch sạch - thân thiện - an toàn, khối doanh nghiệp cam kết thực hiện đến năm 2020 đồng hành cùng Chính phủ nhằm thúc đẩy ngành Du lịch cải thiện xếp hạng về năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam lên 6 - 10 bậc. Giảm chỉ số ấn tượng không tốt của khách du lịch quốc tế về du lịch Việt Nam từ 5% - 10%. Thu hút khách du lịch quốc tế quay lại Việt Nam nhiều hơn, với chỉ số tăng từ 2%-4%.

Thảo Minh

Nguồn: Báo Du lịch