Rừng dừa Cẩm Thanh và cách người Hội An làm du lịch

Cập nhật: 29/01/2018
Ðược UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, rừng dừa Cẩm Thanh với tuổi đời ngót 200 năm tuổi mang trong mình những giá trị to lớn về một hệ sinh thái phong phú và một cảnh quan thiên nhiên quý giá còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn. Hiện nay, mặc dù việc khai thác du lịch ở khu rừng dừa đang tăng với mức độ rất cao nhưng không vì thế mà nơi đây bị tàn phá hoặc biến dạng. Ðiều này có lẽ nằm ở chính ý thức của những người dân Cẩm Thanh khi chuyển đổi từ mô hình làm nông nghiệp sang làm du lịch.

Du khách Hàn Quốc trải nghiệm trên thuyền thúng tại rừng dừa Cẩm Thanh

 

Điểm đến mới của Hội An

Cách Đà Nẵng chừng hơn 30 phút đi ô tô và cách phổ cổ Hội An khoảng 5km về phía Đông, rừng dừa 7 mẫu Cẩm Thanh - Hội An (Quảng Nam) đang là điểm đến thu hút sự quan tâm yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước chừng vài năm trở lại đây.

Con đường vào rừng dừa Cẩm Thanh dù chưa được đầu tư quy mô nếu không nói là còn khá tạm bợ nhưng không vì thế mà cản bước chân của những người yêu Hội An, yêu vẻ bình yên, hiền hòa của thiên nhiên xứ Quảng. Thời kỳ kháng chiến, nơi đây là khu căn cứ địa cách mạng nổi tiếng. Hòa  bình lập lại, rừng dừa vẫn cứ tồn tại, sinh sôi bạt ngàn lặng lẽ song hành với những người dân nghèo chất phác như một điều hiển nhiên. Trải qua bao nhiêu thập kỷ, người Cẩm Thanh tự hào, gìn giữ, gắn bó với rừng dừa như một báu vật cho riêng mình.

Gần chục năm trở lại đây, những du khách khi đến với Hội An đã khám phá ra vẻ đẹp hoang sơ tuyệt vời của khu rừng dừa này và rỉ tai nhau tìm đến chiêm ngưỡng. Người dân Cẩm Thanh cũng từ đó đã nhận ra giá trị cảnh quan thiên nhiên của địa phương mình. Họ mách nhau khai thác những lợi thế sẵn có để cải thiện cuộc sống và cùng nhau làm du lịch.

Những trải nghiệm hấp dẫn

Hoạt động đặc trưng nhất khi đến khám phá rừng dừa Cẩm Thanh chính là du khách được trải nghiệm chèo thuyền thúng len lỏi giữa những rặng dừa xanh tốt, chiêm ngưỡng vẻ đẹp bình yên, thơ mộng của dòng sông thanh mát. Vẳng đâu đó một câu hò da diết cất lên, những chiếc thuyền thúng đi lướt qua nhau, dù chẳng quen nhưng chẳng ai tiếc một nụ cười hiền. Có bình yên nào hơn thế?

Nếu những du khách châu Âu thích thú với những không gian yên ả dưới những vòm dừa xanh mát để trải nghiệm trò câu cua hay đơn giản là có một khoảng thời gian đắm mình trong một màu xanh ngọc miên man thì những du khách Hàn Quốc lại vui vẻ, hào hứng với những tiết mục múa thuyền thúng khéo léo, hấp dẫn và trò quăng chài điệu nghệ, đẹp mắt của những chàng ngư dân xứ Quảng. Khi thuyền dừng lại ở những điểm ấn tượng cho du khách thư giãn và ngắm cảnh thì người lái thuyền lại nhanh tay thoăn thoắt tết những món quà lưu niệm vô cùng đẹp mắt từ lá và bẹ dừa tặng cho du khách khiến ai cũng trầm trồ thích thú. 

Ông Trịnh Văn Nghê, một người lái thuyền thúng chia sẻ: Trước kia ông kiếm sống chủ yếu bằng nghề ra khơi đánh cá. Đi biển vất vả và thu nhập bấp bênh, lại không an toàn, ông chuyển sang nghề chèo thuyền thúng phục vụ du khách khoảng 4 năm nay. Trừ hết mọi chi phí, mỗi tháng ông cũng để ra được khoảng 3 triệu đồng để hỗ trợ gia đình, so với đánh cá thì làm du lịch rất vui lại nhàn và ổn định hơn. Những hộ gia đình nghèo như ông Nghê sẽ được chính quyền hỗ trợ cho vay vốn mua thuyền thúng hoặc được đội thuyền tạo điều kiện chèo thuyền thuê để có công ăn việc làm ổn định, ông Nghê cho biết thêm.

Chị Trần Thị Mỹ, chủ một cơ sở kinh doanh du lịch nhỏ tại Cẩm Thanh cũng chia sẻ: Trước kia, khi làm nghề pha chế rượu cho một nhà hàng tại Hội An, vợ chồng chị chỉ đủ ăn chứ không dư dả. Nắm bắt nhu cầu khách du lịch đến với Cẩm Thanh đang ngày một tăng cao, vợ chồng chị đầu tư mua thuyền thúng, xây dựng nhà chòi đón khách, quầy bán hàng ăn nhẹ, nhà vệ sinh … hết khoảng 200 triệu đồng. Sau hơn 3 năm kinh doanh, chị đã thu hồi đủ vốn và bắt đầu có lãi, trung bình sau khi trừ hết chi phí cũng để dư được từ 9 – 10 triệu đồng/tháng.

Chị cũng cho biết thêm: Toàn bộ bà con khi tham gia làm du lịch đều được chính quyền cho tham gia phổ biến những lớp tập huấn kiến thức về làm du lịch cộng đồng. Chị và bà con tự bảo nhau quán triệt ý thức từ cách ứng xử với du khách cho đến giữ gìn cảnh quan, xây dựng các chương trình nghệ thuật để thu hút và giữ chân du khách. Đến Cẩm Thanh, sẽ không thấy cảnh tranh giành khách, mọi giá cả đều được niêm yết và thông báo rõ ràng, điều mà một số điểm du lịch nổi tiếng hiện còn chưa kiểm soát được.

Ngoài chèo thuyền thúng, du khách có thể tham gia hoạt động thuê xe đạp dạo quanh làng đến thăm những ngôi nhà làm bằng tranh tre dừa nước, một nét đặc trưng của ngôi làng cửa biển này hoặc trải nghiệm hoạt động cùng làm những sản phẩm lưu niệm từ nguyên liệu chính từ cây dừa nước và tự tay chọn những món quà thú vị cho bạn bè người thân.

Sau một thời gian dài bị ngủ quên, rừng dừa Cẩm Thanh đang thức dậy, giúp cho những người nông dân Cẩm Thanh sớm thoát nghèo và thêm một lựa chọn hấp dẫn cho du khách khi đến Hội An. Ấn tượng của du khách khi ghé thăm Cẩm Thanh không chỉ dừng lại ở phong cảnh thiên nhiên hiền hòa, tươi đẹp mà còn bởi sự chân tình, nồng ấm của những người dân chất phác, thật thà xứ Quảng. Những con người đang khiến cho Hội An vốn đã đẹp lại càng thân thiện và hấp dẫn hơn trong mắt du khách.

Bài và ảnh: Thu Phương

Nguồn: Báo Du lịch