Mở lối xuống biển - Bài 2: Mở đường đi bộ ven biển

Cập nhật: 08/02/2018
Cùng với mở lối xuống biển, việc có thêm một con đường nhỏ ven biển để người dân và du khách có thể vừa đi bộ, đạp xe hưởng không khí trong lành, vừa thư giãn, ngắm biển, hay tham gia các hoạt động bên biển sẽ làm không gian biển Đà Nẵng thêm sinh động, cuốn hút người dân và du khách.

Đường đi bộ ven biển sẽ góp phần làm mới cảnh quan không gian biển, thuận lợi cho người dân và du khách vui chơi, thư giãn ở biển, không còn cảnh cỏ dại mọc lấn cả bãi cát. Ảnh: CAO MINH

Đầu năm 2018, trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Ngũ Hành Sơn, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu UBND thành phố lập đề án làm đường đi bộ, đi xe đạp ven bờ biển. Các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là Sở Xây dựng, cần sớm vạch lại con đường rộng từ 3-5m chỉ để phục vụ người dân, du khách đi bộ, đi xe đạp dạo mát, ngắm biển.

Người dân đồng thuận

Tiếp nhận thông tin về chủ trương mở tuyến đường ven biển tiếp giáp phía đông các khu du lịch, nghỉ dưỡng từ dự án Khu công viên dịch vụ giải trí du lịch thể thao biển Quê Việt đến giáp tỉnh Quảng Nam, các cán bộ hưu trí ở khu vực Mỹ Đa Đông (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) rất đỗi vui mừng.

Ông Phạm Văn Châu (ở khu vực Mỹ Đa Đông) bày tỏ, nhiều người không có nhu cầu tắm biển nhưng vẫn thích đi dạo dưới những hàng cây, hít thở không khí trong lành của biển. “Nếu thành phố làm được con đường này thì tốt quá! Mong lãnh đạo thành phố sớm làm việc với các chủ khu du lịch để nhanh chóng xây dựng tuyến đường đi bộ ven bãi biển, cho người dân thỏa niềm mong ước có thêm khuôn viên đi dạo…”, ông Châu nói.

Trong khi đó, ông Hoàng Đình Cảnh (cán bộ hưu trí ở tổ 38, phường Mỹ An) cho hay: “Các cán bộ hưu trí đã trao đổi rất nhiều về việc mở đường ven bãi biển. Dù có chút lo ngại vì không phải dễ thu hồi đất đã giao cho các dự án khu du lịch nhưng tôi tin rằng tuyến đường này sẽ sớm thành hiện thực.

Không cần đường rộng rãi, chỉ cần rộng khoảng 3m như tuyến đường đi bộ ven bãi biển mà một số địa phương khác đã làm cũng đủ cho người dân, du khách thích thú đi bộ, tập thể dục, ngắm biển”.

Người dân ở đường Huyền Trân Công Chúa (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cũng phấn khởi khi nghe tin thành phố chủ trương mở tuyến đường ven biển. “Trước đây, chỉ cần ra khỏi nhà thì biển ngay trước mắt, còn hiện nay, nhiều người ở đường Huyền Trân Công Chúa đi bộ thể dục ra đến đường Trường Sa phải quay vào lại.

Rất xót xa khi nhiều người đã giải tỏa nhà cửa, nhường đất cho các nhà đầu tư nhưng lối xuống biển của người dân bị bít hết, làm nhiều người mưu sinh bằng nghề biển gặp khó khăn. Khi có tuyến đường đi bộ dọc bãi biển, người dân được đi ngắm biển hằng ngày, đồng thời sẽ có nhiều du khách tham quan, vãng cảnh hơn.

Mặt khác, hiện biển tiến sâu vào bờ và kè đá của các khu du lịch bị sóng biển đánh vỡ, không còn lối đi bộ trên bãi biển. Xây dựng tuyến đường ven bãi biển sẽ làm người dân và du khách rất thích thú đi bộ tận hưởng không gian biển”, ông Phùng Tấn Ánh (ở tổ 131, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay.

Con đường thu hút du khách

Được biết, đường đi bộ ven biển đã được một số quốc gia xây dựng, đưa vào khai thác và thu hút khách du lịch. Từ lâu, đến với thành phố Nice của tỉnh Alpes-Maritimes, miền đông nước Pháp, du khách không thể bỏ qua tuyến đường đi bộ tuyệt đẹp Promenade des Anglais nằm cạnh bãi biển Baie des Anges.

Hay những năm gần đây, tỉnh Ninh Thuận cũng đã cho xây dựng đường đi bộ ven biển khu du lịch Ninh Chữ - Bình Sơn để phục vụ người dân và du khách. Thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) cũng cho xây dựng đường đi bộ ven biển để “hút” khách du lịch… Với lợi thế của biển Đà Nẵng, việc có một tuyến đường ven biển dành cho người dân và du khách là cần thiết.

Anh Nguyễn Tuấn Vũ, du khách từ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu có tuyến đường đi bộ ven biển sẽ làm tăng thêm vẻ đẹp của bờ biển, không chỉ người dân địa phương được hưởng lợi, mà cả du khách cũng cảm thấy thoải mái, thích thú khi đi dạo bộ, chụp ảnh tại đây. Thậm chí, các doanh nghiệp kinh doanh khu du lịch dọc bãi biển cũng được hưởng lợi.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng cho rằng, bãi biển là của công cộng, không phải của riêng ai, nên việc mở con đường ven biển cho người dân, du khách đi dạo sẽ không gặp trở ngại nhiều.

Tuy nhiên, theo ông, các khu nghỉ dưỡng cần có thêm lực lượng bảo vệ, an ninh… để bảo đảm an toàn cho khách; đồng thời, thành phố cũng nên có các chuyến đi khảo sát cụ thể ở một số điểm đến có biển giống ở Đà Nẵng như ở Úc, Bali (Indonesia), Phuket (Thái Lan)… để xem bãi biển của mình có phù hợp hay không hoặc tìm ra các giải pháp phù hợp cho địa phương.

KTS Tô Hùng, Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố: Việc xây dựng tuyến đường không có khó khăn gì lớn

Bên cạnh mở các lối xuống biển từ đường Võ Nguyên Giáp và Trường Sa, việc mở các tuyến đường dọc theo bờ biển để phục vụ người dân và du khách đi bộ, đi xe đạp dạo mát, ngắm biển, tắm biển thì lại càng hợp lý.

Tôi đánh giá rất cao chủ trương này, tuyến đường này không chỉ làm tăng thêm không gian công cộng và không gian tiếp cận biển của người dân và du khách mà còn sẽ như là một bờ kè ngăn sự xâm thực của biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây những tác động khó lường như hiện nay và tương lai.

Tôi cũng cho rằng xây dựng tuyến đường này không khó khăn gì lớn, cả thành phố quyết tâm là sẽ làm được.

KTS Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và phát triển đô thị, Sở Xây dựng thành phố: Doanh nghiệp phải ủng hộ và cùng thực hiện

Biển và bãi biển là của cộng đồng, không phải là của riêng doanh nghiệp. Việc các khu du lịch sử dụng và coi bãi biển là của riêng, người dân muốn xuống biển thì phải vào sử dụng các dịch vụ của khu du lịch là không đúng với chủ trương của lãnh đạo thành phố trước đây.

Vì vậy, khi thành phố có chủ trương mở các tuyến đường để người dân và du khách tiếp cận, thụ hưởng không gian biển thì doanh nghiệp phải ủng hộ và cùng thực hiện.

Ngũ Hành Sơn gắn chặt và bắt nguồn từ biển

Trước thông tin thành phố Đà Nẵng có chủ trương thu hồi dự án khu du lịch ven biển của Công ty TNHH I.V.C để mở rộng dự án Công viên Văn hóa - Lịch sử Ngũ Hành Sơn về phía biển, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Bổn (nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ) - người có gần 40 năm sưu tầm, ghi chép, nghiên cứu về văn hóa dân gian ở Quảng Nam - Đà Nẵng chia sẻ câu chuyện truyền thuyết về trứng Long Quân và thần Kim Quy, một truyền thuyết về sự hình thành Ngũ Hành Sơn.

Truyền thuyết giải thích sự hình thành 5 ngọn núi từ trứng rồng do Long Quân đẻ trên bãi biển, được thần Kim Quy giao cho một người ngư dân trông giữ. Quả trứng rồng lớn dần lên và đến một ngày nọ thì nở ra nàng công chúa là con của Long Quân.

Vỏ trứng tách ra thành một cụm núi đá với 5 đỉnh cao có các màu sắc khác nhau được đặt tên là Ngũ Hành Sơn. “Chính xác đây là truyền thuyết suy nguyên, không chỉ để giải thích tên núi Ngũ Hành Sơn do vỏ trứng rồng tách ra, mà còn giải thích sự hình thành sông Cổ Cò, sông Cẩm Lệ là do rồng quẫy. Truyền thuyết này cực kỳ có giá trị.

Từ truyền thuyết cũng cho thấy, Ngũ Hành Sơn gắn chặt và bắt nguồn từ biển nên sẽ mất giá trị khi tách biển ra khỏi Ngũ Hành Sơn. Vì thế, cần phải giữ gìn việc hướng biển của danh thắng này”, ông Nguyễn Văn Bổn cho hay. 

Lâu nay, người dân địa phương thường gọi danh thắng Ngũ Hành Sơn là Non Nước. Tuy nhiên, trong những năm qua, khi du khách đến tham quan danh thắng chỉ mới thưởng ngoạn được “Non” (núi), còn “Nước” (biển) thì bị tách ra do bị các dự án che chắn hàng rào tôn trên khu đất mặt tiền danh thắng hướng ra Biển Đông, ngăn cách hoàn toàn giữa “Non” và “Nước”; đồng thời, cũng cắt đứt và bít lối đi từ chùa Linh Ứng - Non Nước xuống biển.

HOÀNG HIỆP - CAO MINH

Nguồn: Báo Đà Nẵng