Kbang:Tập trung phát triển hạ tầng du lịch

Cập nhật: 28/03/2018
Năm 2018, với quyết tâm đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đang tập trung mọi nguồn lực triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Ngoài mục đích thu hút du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đây còn là tiền đề để kêu gọi các nhà đầu tư vào khai thác tiềm năng đầy hứa hẹn của vùng đất này.

Đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng 

Theo ông Đào Xuân Sửu-Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Kbang: Trong năm 2018, đơn vị đang tích cực triển khai hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng phục vụ du lịch. Ngoài việc, chuẩn bị triển khai đấu thầu thi công đường vào thác Hang Dơi (thị trấn Kbang) có chiều dài 4,2 km với kinh phí 4,2 tỷ đồng, đơn vị cũng gấp rút hoàn thành các thủ tục để triển khai thi công đường tuần tra nội bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (xã Sơn Lang), đoạn từ trụ sở Khu Bảo tồn đến chân thác 50 có chiều dài khoảng 13,6 km với kinh phí 10,5 tỷ đồng; triển khai đấu thầu thi công đường vào xã Đak Rong có chiều dài 5,5 km, có tổng vốn đầu tư là 10 tỷ đồng.

“Đây là nhiệm vụ cấp thiết nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường và tạo cảnh quan cho khu du lịch nhằm khai thác tiềm năng du lịch của địa phương”-ông Sửu khẳng định. 

Riêng với tuyến đường tuần tra nội bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng dài 13,6 km, ông Sửu cho biết đoạn đầu tuyến (dài 2,4 km) đã được đầu tư xây dựng. Do nguồn vốn hạn chế nên trong năm 2018, đoạn còn lại (dài 11,2 km) sẽ được đầu tư 7,4 km; đoạn 3,8 km cuối cùng sẽ tận dụng đường đất cũ, chỉ san gạt, nạo vét rãnh thoát nước đảm bảo giao thông và sẽ đầu tư kiên cố hóa mặt đường giai đoạn sau. 

Đường từ UBND xã Đak Rong vào thác Kon Lôk 2 (xã Đak Rong) cũng đang được tổ chức đấu thầu thi công đầu tháng 4-2018. Đường vào khu di tích Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu có chiều dài 5,7 km thì đã có sẵn 1,9 km đường bê tông, còn lại 3,8 km đường đất; đường điện vào khu vực này cũng chưa có, huyện đang dự kiến xin kinh phí của tỉnh. Ngoài ra, huyện cũng đang triển khai thiết kế, tổ chức hội thảo lấy ý kiến xung quanh việc xây dựng đền thờ bà Yă Đố trong khu di tích này. Dự kiến kinh phí khoảng 4 tỷ đồng trích từ nguồn kinh phí của huyện và huy động các nguồn xã hội hóa khác.

Tập trung phát triển du lịch

Huyện Kbang đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, tháo gỡ khó khăn,
hỗ trợ và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai dự án du lịch trên địa bàn. Ảnh: M.N

Ngoài việc đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư, huyện Kbang còn chủ động làm việc với các doanh nghiệp đăng ký đầu tư trên địa bàn huyện để thống nhất nội dung, quy mô đầu tư và vị trí, diện tích đất để bố trí cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, huyện cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai dự án. Chính vì vậy, đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào huyện, cụ thể như: Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin, Viện nghiên cứu và Bảo tồn phát triển dược liệu Sài Gòn, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty cổ phần Cường Anh Dũng…

Đặc biệt, ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện Kbang, khẳng định: Huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan tập trung phát triển du lịch trên địa bàn, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh huyện Kbang trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời kêu gọi và khai thác các điểm du lịch lịch sử-văn hóa, sinh thái; hình thành tour du lịch thu hút khách đến huyện. Phát triển điểm du lịch văn hóa-lịch sử Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung), Di tích Lịch sử-Văn hóa căn cứ địa cách mạng khu 10 (xã Krong); hình thành và phát triển điểm du lịch Vườn Mít-cánh đồng Cô Hầu (xã Nghĩa An); điểm du lịch thác Hang Dơi (thị trấn Kbang); hình thành điểm du lịch thác Kon Lôk 2 kết hợp trồng dược liệu dưới tán rừng gắn với đầu tư, chỉnh trang, sửa chữa và ổn định cho nhân dân làng Kon Lôk 2 để phục vụ khách du lịch theo hình thức homestay;  tiến tới việc kết nối các điểm du lịch này tạo thành tour du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái trên địa bàn huyện (3 ngày, 2 đêm). 

Ngoài việc đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, huyện Kbang còn tập trung xây dựng các tour
, điểm du lịch lịch sử-văn hóa, sinh thái. Ảnh: M.N

Song song với việc phát triển các tour, điểm du lịch, huyện Kbang còn tập trung xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng du lịch. Cụ thể trong năm 2018 sẽ mở rộng thêm 3 ha đất và đầu tư xây dựng thêm một số hạng mục công trình tại Làng kháng chiến Stơr; đầu tư xây dựng đền thờ bà Yă Đố tại cánh đồng Cô hầu; đầu tư xây dựng đường vào thác 50-Kon Chư Răng gắn với đầu tư xây dựng Khu làng Bahnar phục vụ du khách; phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch sớm hoàn thành đầu tư xây dựng Di tích Lịch sử-Văn hóa căn cứ địa cách mạng khu 10. Phát triển các mặt hàng truyền thống thủ công mỹ nghệ trên địa bàn như: dệt thổ cẩm, gùi… kết hợp với các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: mật ong, mật nhân, sâm Kon Pne, nấm linh chi, hạt mắc ca… để kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh phát triển lĩnh vực du lịch đầy tiềm năng của địa phương. 

Minh Nguyễn

Nguồn: baogialai.com.vn