Chiến dịch chấn chỉnh hoạt động lữ hành - Một năm nhìn lại

Cập nhật: 22/02/2018
Năm 2017, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của ngành Du lịch Việt Nam. Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; năm xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Du lịch 2017; năm Chính phủ giao nhiệm vụ cho ngành Du lịch tăng trưởng 30% trong đón khách du lịch quốc tế so với năm 2016. Tiếp nối thành công của chiến dịch chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hình ảnh của các cơ sở lưu trú trong năm 2016, bước vào năm 2017 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu ngành Du lịch tập trung nhiệm vụ nâng cao vai trò quản lý nhà nước, tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch và quản lý điểm đến du lịch nhằm đảm bảo môi trường du lịch lành mạnh, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Tổng cục Du lịch đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành một loạt các văn bản như Bộ Tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch, Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch và các kế hoạch tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch và quản lý điểm đến du lịch. Có thể nói, các văn bản của Bộ trưởng chỉ đạo đã bao quát toàn diện các vấn đề trong lĩnh vực lữ hành, xác định rõ mục tiêu, biện pháp để tổ chức thực hiện, lấy yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách du lịch làm thước đo đánh giá hoạt động lữ hành. Vì vậy, công tác tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là một chiến dịch lớn của ngành Du lịch cả nước trong năm 2017.

Để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ được Bộ trưởng giao, ngay từ đầu năm 2017 Tổng cục Du lịch đã có văn bản hướng dẫn các sở quản lý nhà nước về du lịch các bước triển khai, đồng thời Tổng cục đã tổ chức 4 hội nghị ở các vùng miền, thành phần tham gia là các sở quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch của cả nước để quán triệt và tập huấn về mục đích, nhiệm vụ và các bước tiến hành. Tổng cục Du lịch đã phát động chiến dịch chấn chỉnh và nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành, hướng dẫn du lịch và điểm đến du lịch trên toàn quốc, cụ thể: phát động chiến dịch nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ lữ hành với thông điệp “Chuyên nghiệp, Uy tín, Chất lượng” cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, hiệp hội lữ hành, câu lạc bộ du lịch; phát động chiến dịch nâng cao chất lượng hoạt động hướng dẫn du lịch với thông điệp “Chuyên nghiệp, Thân thiện, Yêu nghề” cho các hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch; phát động chiến dịch nâng cao chất lượng dịch vụ tại điểm đến du lịch với thông điệp “Sạch sẽ, Hấp dẫn, Bản sắc, Thân thiện”; phát động ứng xử văn minh du lịch với thông điệp “Văn minh, Tự trọng, Trách nhiệm” cho khách du lịch; phát động chiến dịch nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch với thông điệp “Chuyên nghiệp, Thương hiệu, Chất lượng” cho tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; phát động chiến dịch nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch với thông điệp “Sạch sẽ, Thân thiện, Đồng bộ, Chuyên nghiệp”; phát động chiến dịch nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển khách du lịch với thông điệp “An toàn, Chuyên nghiệp, Thân thiện”; phát động chiến dịch nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực “Vệ sinh, An toàn, Văn minh, Chuyên nghiệp” cho các đối tượng là nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống; phát động chiến dịch nâng cao chất lượng dịch vụ mua sắm “Uy tín, Chất lượng, Thân thiện” cho các cơ sở mua sắm phục vụ khách du lịch; phát động chiến dịch ứng xử văn minh của cộng đồng dân cư qua thông điệp “Hiếu khách, Thân thiện, Văn minh”.

Quản lý hướng dẫn viên du lịch đang được quan tâm

Quản lý hướng dẫn viên du lịch đang được quan tâm

Để kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh lữ hành trên toàn quốc, đánh giá sát đối tượng quản lý và có các biện pháp quản lý phù hợp nhằm từng bước chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch và quản lý điểm đến du lịch, trong năm 2017 Tổng cục Du lịch đã tổ chức 9 đoàn công tác, tiến hành kiểm tra 74 công ty và chi nhánh công ty kinh doanh lữ hành quốc tế, 8 Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm. Tại các đợt kiểm tra, nắm tình hình, Tổng cục Du lịch đã hướng dẫn các sở, các doanh nghiệp lữ hành, các đơn vị quản lý điểm đến du lịch thực hiện các quy định của pháp luật về du lịch, đồng thời tìm hiểu tình hình kinh doanh, ý kiến của các đơn vị để giải đáp kịp thời thắc mắc của doanh nghiệp, địa phương, tiếp thu đề xuất của các doanh nghiệp, địa phương để có biện pháp quản lý phù hợp với tình hình thực tiễn. Đối với 4 doanh nghiệp lữ hành vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Du lịch, Tổng cục đã kiên quyết thu hồi giấy phép  kinh doanhlữ hành quốc tế.

Ở các tỉnh, thành trên cả nước, các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành các kế hoạch chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Hoạt động thực hiện chiến dịch của các địa phương chủ yếu tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, dân cư trên địa bàn; chủ trì hoặc phối hợp thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật của các doanh nghiệp, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch và quản lý điểm đến du lịch kết hợp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ du lịch cho các đơn vị kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch. Một số địa phương đã hưởng ứng chiến dịch, xây dựng và triển khai các bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch phù hợp như “Chiến dịch Nụ cười Hạ Long” của tỉnh Quảng Ninh, hình ảnh hóa Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch của tỉnh Lào Cai, thi ảnh “Người Hà Nội ứng xử văn minh du lịch” của thành phố Hà Nội… Nhiều địa bàn du lịch trọng điểm đã rà soát, thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý các doanh nghiệp có sai phạm, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và môi trường du lịch lành mạnh, tiêu biểu như các địa phương: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Kiên Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Ninh Bình…

Việc triển khai đồng loạt hoạt động truyền thông, phổ biến các nội dung, nhiệm vụ và ra quân kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước trong chiến dịch chấn chỉnh hoạt động lữ hành đã góp phần nâng cao nhận thức của địa phương, doanh nghiệp, cơ quan quản lý điểm đến du lịch và người lao động trong toàn quốc; tăng cường chấn chỉnh yếu kém, xử lý sai phạm của các đối tượng quản lý; xây dựng môi trường kinh doanh lữ hành bình đẳng, thu hút các địa phương cùng vào cuộc. Chiến dịch đã có tác động tích cực đến ngành Du lịch cả nước, có sức lan tỏa và hiệu ứng đồng bộ, thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngành Du lịch, góp phần thay đổi hình ảnh của Du lịch Việt Nam, tạo chuyển biến và điểm nhấn tích cực trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, qua triển khai chiến dịch chấn chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành, hướng dẫn du lịch và quản lý điểm đến du lịch vẫn bộc lộ nhiều tồn tại và yếu kém cần khắc phục. Hiểu biết và thực hiện các quy định của pháp luật trong kinh doanh lữ hành của một số cán bộ, doanh nghiệp du lịch còn hạn chế; các doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động manh mún, kinh doanh nhỏ lẻ, năng lực hạn chế và khả năng cạnh tranh yếu. Một số doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu chụp giật, cho thuê tư cách pháp nhân, cạnh tranh thiếu lành mạnh, vi phạm pháp luật. Ở một số địa phương các doanh nghiệp hạ giá tour, trốn thuế, mua bán khách, chất lượng dịch vụ không tương xứng với quảng cáo, tình trạng hướng dẫn viên chui… vẫn còn xảy ra. Các chế độ quy định như hợp đồng lữ hành, chế độ lưu trữ hồ sơ, báo cáo của doanh nghiệp không được thực hiện nghiêm túc. Môi trường kinh doanh du lịch đã được cải thiện tuy nhiên vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh và chất lượng dịch vụ không được kiểm soát. Các doanh nghiệp du lịch còn bị động trong công tác phát triển thị trường, xây dựng sản phẩm; liên kết, nâng cao hiệu quả kinh doanh còn hạn chế.

Trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chiến dịch bên cạnh những nỗ lực vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương chưa thực sự nhập cuộc, nhận thức chưa đầy đủ về yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, do đó tiến hành còn chiếu lệ, sự chuyển biến trong lĩnh vực lữ hành chưa rõ. Công tác đánh giá, rút kinh nghiệm và có giải pháp duy trì, đẩy mạnh chiến dịch chưa được làm thường xuyên. Trong chỉ đạo thực hiện chiến dịch còn thiếu giải pháp để đẩy mạnh công tác tổ chức thực hiện, chỉ đạo thiếu chiều sâu và bao quát chiến dịch trên cả nước. Chiến dịch lữ hành còn thiếu thời điểm cao trào, chưa quyết liệt, chưa huy động được sự vào cuộc của toàn ngành, do đó hiệu quả và tính bền vững của chiến dịch chưa cao, chưa tạo được dấu ấn đậm nét của năm lữ hành trong toàn bộ hoạt động của ngành Du lịch năm 2017.

Năm 2018, ngành Du lịch được Chính phủ giao mục tiêu đón 15 - 17 triệu lượt khách quốc tế, 80 triệu khách du lịch nội địa, tổng thu 620 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục duy trì hình ảnh Du lịch Việt Nam là điểm đến chất lượng, hấp dẫn, ngành Du lịch xác định sẽ tiếp tục triển khai các Kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch và quản lý điểm đến du lịch, tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ, xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề, góp phần duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh. Với thành tích to lớn đạt được trong năm 2017, ngành Du lịch quyết tâm duy trì đà tăng trưởng, đạt được các chỉ tiêu Chính phủ giao trong năm 2018, đáp ứng yêu cầu phát triển đột phá, từng bước đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như yêu cầu của Đảng, Nhà nước.

Ngô Hoài Chung
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Nguồn: Tạp chí Du lịch