Du lịch sinh thái tại khu sinh quyển thế giới

Cập nhật: 26/04/2018
Chỉ trong vòng 3 thập kỷ, một mạng lưới các khu sinh quyển thế giới (SQTG) rộng khắp trên toàn thế giới được hình thành (651 khu SQTG thuộc 120 quốc gia). Với lợi thế là những vùng sinh thái đặc trưng cho một vùng, một khu vực, các khu SQTG đều có những giá trị mang tính toàn cầu về vẻ đẹp, đa dạng cảnh quan, đa dạng sinh học, loài quý hiếm, loài đặc hữu, đặc biệt là sự tích hợp hài hòa giữa đa dạng thiên nhiên và không gian văn hóa.

Mặc dù mang lại những tác động tích cực về kinh tế - xã hội, du lịch sinh thái cũng tạo ra những tác động tiêu cực tương tự du lịch đại chúng nếu không được thực hiện một cách phù hợp và đúng đắn. Bởi thế, mô hình các khu SQTG cũng đã tính đến những thách thức, khó khăn để có những giải pháp thích hợp.

Du lịch thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển 

Trong kế hoạch quản lý bền vững Khu SQTG vùng Rhon - CHLB Đức, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng địa phương cùng nhau thống nhất một chiến lược phát triển cho toàn vùng với cách tiếp cận mới và đột phá: lấy phát triển du lịch sinh thái làm đầu tàu thúc đẩy các ngành kinh tế khác của địa phương. Nếu trước đây việc trồng táo không được khuyến khích do sản phẩm đơn điệu và không có thị trường thì khi du lịch phát triển đã kéo theo sự phát triển ngành chế biến nước hoa quả lên men, nước giải khát, mứt hoa quả... từ táo và các hoa quả khác trong vùng. Tương tự, nghề chăn nuôi giống cừu bản địa, chất lượng thịt thơm ngon đã song hành cùng các hoạt động du lịch, tạo nên cảnh sắc và văn hóa ẩm thực đặc trưng cho cả vùng và biến nơi đây trở thành một vùng du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng. Với phương châm hai bên cùng có lợi, các công ty công nghiệp quanh vùng ký kết hợp đồng với khu SQTG cung cấp cho công nhân viên của họ dịch vụ hồi phục sức khỏe sau những giờ lao động nặng nhọc, và khu SQTG có được nguồn vốn tái tạo, duy trì đa dạng sinh học, vẻ đẹp cảnh quan và đa dạng sắc màu văn hóa.

Có thể thấy, muốn phát triển du lịch sinh thái cần phải có sự quản lý, lên kế hoạch để mang đến các mục tiêu môi trường và xã hội thiết yếu. Điều này đòi hỏi một số yếu tố như: thương mại hóa chuyên biệt để thu hút khách du lịch, những người thực sự quan tâm tới các vùng thiên nhiên, khám phá vẻ đẹp hoang sơ hoặc hưởng thụ có trách nhiệm; cán bộ và người dân cần có kỹ năng quản lý liên quan tới hướng dẫn khách du lịch trong các khu bảo tồn; cần có các chính sách, quy định về việc thu phí từ du lịch sinh thái để tạo ra lợi nhuận gây quỹ cho các công tác bảo tồn và phát triển bền vững…

Tìm ra sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân

Chỉ là một đảo nhỏ nằm tận vùng phía Nam của Hàn Quốc, đảo Jeju được quản lý bởi một chính quyền đặc khu mang đậm nét truyền thống nhưng rất hiện đại và thức thời. Số lượng khách du lịch đến đây thường xuyên cao gấp nhiều lần so với số người dân bản địa. Du lịch sinh thái được xem như đôi đũa thần làm nên sự thịnh vượng của hòn đảo này. Các nhà lãnh đạo địa phương cho rằng, du lịch sinh thái xuất phát từ những ý tưởng, chứ không phải là một sự sao chép bắt buộc. 

Ở Khu SQTG Jeju, mặc dù du lịch sinh thái rất phát triển nhưng công việc này vẫn thường xuyên được xem xét, đánh giá và đổi mới liên tục. Việc tìm ra sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân trong tất cả các hoạt động rất được quan tâm. Khi các nguyên tắc được đồng thuận, có thể phát triển các hướng dẫn cụ thể, giúp xác định hiệu quả hoạt động tốt nhất của thị trường. Các nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ (NGO), cộng đồng địa phương thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách đưa ra hướng dẫn về các cách tiếp cận mang tính thực tiễn để phát triển du lịch sinh thái đạt kết quả tốt. Sau đây là một số hướng dẫn về du lịch sinh thái đang được áp dụng ở Jeju:

Kiểm tra, giám sát các giá trị truyền thống, bản địa được sử dụng trong quá trình phát triển du lịch sinh thái và mức độ xói mòn văn hóa do tác động bên trong và bên ngoài khi đưa vào kinh doanh, đáp ứng nhu cầu du khách.

Kết quả của các hoạt động du lịch sinh thái được thể hiện ở hiệu quả và sự công bằng xã hội, từ việc đầu tư xây dựng các khu bảo tồn (kèm theo đó là các trung tâm của du lịch sinh thái) mang lại giá trị kinh tế, góp phần bảo tồn lâu dài đa dạng sinh học và văn hóa.

Cần nghiên cứu, đánh giá nguy cơ quá tải khách du lịch. Sức chứa du khách không chỉ thể hiện ở số lượng mà còn ở toàn bộ các nhu cầu, sở thích tạo ra các hành vi của họ. Chẳng hạn, sở thích tiêu thụ động vật hoang dã đang dần trở nên xa lạ do nhu cầu không được đáp ứng và du khách có thể vi phạm luật lệ khi đưa ra yêu cầu này.

Cân bằng nhu cầu của các nhà đầu tư lớn và vừa (thường không thuộc cộng đồng địa phương), hài hòa giữa sự tham gia của người dân địa phương với các doanh nghiệp tạo nên các mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng...

Phát triển doanh nghiệp xã hội và du lịch

Tại Khu SQTG Galloway & Southern Ayrshire - CH Scoland, mô hình doanh nghiệp xã hội phát triển mạnh mẽ đã mang lại một luồng gió mới cho các hoạt động kinh doanh. Nếu như trước đây nói đến doanh nghiệp là nói đến kinh tế, lợi nhuận… thì ngày nay vai trò của doanh nghiệp được thể hiện rõ trong khía cạnh xã hội, không chỉ đóng góp về mặt kinh tế mà còn có trách nhiệm xã hội, không chỉ dừng lại ở phong trào mà đi vào thực chất, giải quyết các vấn đề thực tiễn. Doanh nghiệp xã hội quy mô nhỏ có thể len lỏi khắp nơi, ở tất cả mọi lĩnh vực, mang lại sự thay đổi lớn cho xã hội. Do đặc trưng của khu SQTG là nơi thể hiện sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, các doanh nghiệp xã hội vừa tạo ra các sản phẩm kinh tế vừa quan tâm đến trách nhiệm xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch sinh thái...

Du lịch với phương châm “Bạn là một phần của sinh quyển” và “đại sứ sinh quyển”

Với phương châm con người là một phần của thiên nhiên, mỗi du khách là một phần của sinh quyển, Khu SQTG quần đảo Vaner, Kinnekulle – Thụy Điển đã đưa ra sáng kiến chụp ảnh hoặc ghi lại clip các hoạt động của du khách tạo ra những bộ sưu tập album, video clip mà trong đó họ là những thành viên của khu sinh quyển. Điều này khiến du khách cảm thấy rất tự hào, vui mừng khi được đóng góp vào hoạt động bảo vệ sinh quyển ở đây. Một số du khách được gắn tên trên những thân cây họ trồng, trên sản phẩm thủ công mà họ làm ra. Với sự hỗ trợ của máy định vị GPS và bản đồ thông tin địa lý, các du khách được thường xuyên theo dõi các sản phẩm của mình, những con chim, con thú mà họ yêu thích. Họ có thể trở thành một vị “đại sứ” ca ngợi vẻ đẹp của khu sinh quyển và thực sự trở thành một phần không thể thiếu được của khu sinh quyển…

Sự kết nối các khu SQTG với các khu di sản thiên nhiên, các khu ramsar, khu công viên địa chất toàn cầu tạo ra một không gian di sản thiên nhiên rộng lớn, là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam phát triển các loại hình du lịch trong đó có du lịch sinh thái.

Với sự đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, tươi đẹp, các khu SQTG đã mang đến cho du khách cơ hội chiêm ngưỡng các vẻ đẹp tự nhiên, vẻ đẹp văn hóa đặc biệt và duy nhất, chỉ tìm thấy ở địa phương nơi có khu SQTG. Hướng dẫn viên đa số là những cán bộ bảo tồn có khả năng diễn giải về đa dạng sinh học, văn hóa và môi trường. Họ thường hướng dẫn du khách phát triển các hành vi đúng đắn như: bảo vệ môi trường, duy trì văn hóa và các vấn đề phát triển bền vững quan trọng khác; làm sao để giảm thiểu tác động bất lợi đến văn hóa và môi trường… Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng đang tham gia thực hiện các dịch vụ du lịch hoặc trở thành hướng dẫn viên các tuyến du lịch sinh thái cộng đồng…

Ở Việt Nam, 9 khu SQTG đang tạo nên một tiềm năng rộng lớn cho phát triển du lịch sinh thái. Việc UNESCO công nhận khu SQTG không chỉ là sự vinh danh những giá trị di sản nhân loại mà chính là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Du lịch sinh thái chính là công cụ nối kết danh hiệu UNESCO và chuyển đổi nó thành những giá trị kinh tế góp phần cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, xóa đói giảm nghèo…

 Chính du lịch sinh thái và chỉ có du lịch sinh thái mới tạo ra sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, đó là nguyên lý bảo tồn cho phát triển và phát triển để bảo tồn trong sự nghiệp phát triển bền vững của từng địa phương, quốc gia và quốc tế.

GS. Nguyễn Hoàng Trí
Tạp chí Du lịch