Giữ gìn nét đẹp văn hóa làng chài trên Vịnh Hạ Long

Cập nhật: 04/05/2018
Từ xa xưa, người dân Hạ Long đã bám biển mưu sinh, cuộc sống gắn liền với biển, cũng từ đó cư dân vạn chài đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa làng chài đặc trưng, riêng có. Đến nay, nét đẹp của những giá trị đó luôn để lại ấn tượng sâu sắc cho nhiều du khách, khiến ai từng có dịp khám phá đều không thể quên. Do đó, nhiều năm qua, văn hóa làng chài đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch không thể thiếu trong hành trình khám phá Vịnh Hạ Long.

Nhằm thu hút khách từ những sản phẩm du lịch mang màu sắc bản địa, những năm qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng chài trên vịnh. Sau khi ra đời vào năm 2006, đầu năm 2017, thành phố đầu tư trên 10 tỷ đồng sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn - mô hình trung tâm văn hóa nổi đầu tiên dành cho cộng đồng ngư dân vạn chài được xây dựng tại Việt Nam nhằm bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa làng chài thông qua các sinh hoạt truyền thống cũng như hoạt động giao lưu giữa cộng đồng dân cư và du khách. Đến đây, du khách sẽ được tận mắt xem, tìm hiểu hiện vật khảo cổ, trong đó có những dụng cụ, phương tiện đánh bắt hải sản của người Việt cổ, nhiều hình ảnh, phim tư liệu, ấn phẩm về văn hóa dân gian, đời sống của những cư dân làng chài sống trên Vịnh Hạ Long xưa và nay… Tất cả được tái hiện lại bằng mô hình theo 6 chủ đề chính: Tự nhiên và con người; phương thức kiếm sống của ngư dân; đời sống vật chất của dân chài; thủy cư với cuộc sống đời người; tâm linh với cuộc sống tinh thần; cho hôm nay và cho muôn đời sau.

Cùng với đó, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chú trọng nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày hơn 1.000 tư liệu, hiện vật liên quan đến đời sống của người dân làng chài cư trú trên vịnh. Ngoài trưng bày triển lãm cố định những hiện vật thu thập được tại Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, Ban Quản lý Vịnh cũng tổ chức các buổi triển lãm giới thiệu về đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân theo chủ đề, như: Phát triển du lịch bền vững từ giá trị lịch sử văn hóa trên Vịnh Hạ Long, ngư cụ đánh bắt truyền thống của ngư dân…; tổ chức các buổi trưng bày theo chuyên đề có sự thay đổi theo từng sự kiện, thời điểm lịch sử và cuộc sống hàng ngày của cộng đồng dân cư. Đồng thời, Ban phối hợp tổ chức các hoạt động trải nghiệm cuộc sống làng chài cho du khách ngay trên vịnh. Qua các hiện vật sống động và trải nghiệm thực tế, du khách phần nào hiểu, có cái nhìn bao quát hơn về cuộc sống của cư dân làng chài trên vịnh với những nét đặc trưng riêng. Ban Quản lý Vịnh còn thành lập đội hát giao duyên, hát đám cưới là những loại hình nghệ thuật truyền thống của cư dân vạn chài; thường xuyên mở các lớp học hát giao duyên, hát đám cưới cho các thành viên của đội và con em ngư dân làng chài. Từ đó, tổ chức các buổi biểu diễn cho người dân và du khách thưởng thức khi đến thăm Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn.

Sau khi di dời ngư dân các làng chài trên Vịnh Hạ Long lên sinh sống ở trên bờ vào năm 2014, Ban Quản lý Vịnh cũng đã đầu tư kinh phí bảo tồn 19 nhà bè của người dân đã cư trú truyền đời trên Vịnh Hạ Long; đảm bảo giữ nguyên trạng kiến trúc, không gian sống, chức năng hạ tầng vốn có của từng ngôi nhà. Anh Nguyễn Hồng Quân, du khách đến từ Đà Lạt, chia sẻ: “Vịnh Hạ Long không chỉ mê hoặc tôi bởi cảnh sắc thiên nhiên huyền ảo của di sản, mà còn hấp dẫn tôi vì những làng chài trên vịnh tuyệt đẹp. Ghé thăm những nhà bè của ngư dân nơi đây, tôi đã được giới thiệu chi tiết về phương thức sống, phong tục tập quán, đời sống văn hóa của cư dân nơi vạn chài. Mặc dù đã đi nhiều vùng biển trong nước, nhưng nơi đây có những văn hóa rất khác, rất thú vị”.

Không chỉ dừng lại ở đó, tháng 11/2017, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa tiêu biểu của làng chài trên Vịnh Hạ Long với kinh phí dự kiến gần 1,7 tỷ đồng. Từ quý II năm nay, tại khu vực Cửa Vạn trên vịnh và khu tái định cư Cái Xà Cong (phường Hà Phong), thành phố sẽ triển khai trưng bày, triển lãm những giá trị văn hóa vật thể của ngư dân làng chài; chiếu phim tư liệu tái hiện đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân; truyền dạy, trình diễn hát giao duyên, hát đám cưới, hò biển…

Ông Nguyễn Bá Căn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn II, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, khẳng định: “Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng chài trên vịnh góp phần lưu giữ được những tinh hoa văn hóa bản địa truyền thống của chủ nhân gốc của di sản Vịnh Hạ Long, giúp các thế hệ tương lai biết được gốc tích của văn hóa con người Quảng Ninh. Đồng thời, thu hút khách du lịch đến với Vịnh Hạ Long, đến với Quảng Ninh, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch từng bước chuyên nghiệp hơn”.

Ngô Dịu

Nguồn: baoquangninh.com.vn