Đồng bằng sông Hồng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

Cập nhật: 09/05/2018
Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) sở hữu nguồn tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng, có nhiều lợi thế so với các vùng du lịch khác trong cả nước. Đây là những giá trị đặc thù tạo nên các sản phẩm du lịch đặc thù. Việc cần làm hiện nay là thực hiện đồng bộ những giải pháp quan trọng và cần thiết.

Tạo sản phẩm du lịch đặc thù từ những giá trị đặc thù

Căn cứ vào những giá trị đặc thù về tài nguyên du lịch của vùng ĐBSH, căn cứ vào những điều kiện khác về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ…, có thể định hướng phát triển một số sản phẩm du lịch đặc thù của vùng như sau:

Dựa trên các giá trị của nền văn minh sông Hồng gắn với các giá trị văn hóa làng xã (cây đa - bến nước - sân đình) có thể xây dựng sản phẩm đặc thù “Du lịch về với nền văn minh sông Hồng”: trải nghiệm cuộc sống của người dân Bắc Bộ (homestay); du lịch sinh thái nông nghiệp (tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm các thành tựu nông nghiệp, nông thôn); tham quan, nghiên cứu làng cổ, phố cổ, đình, đền, chùa, các di tích văn hóa lịch sử…

Dựa trên giá trị các di sản thế giới như Hoàng thành Thăng Long, Tràng An, dân ca quan họ, Lễ hội Gióng, ca trù, bia đá tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể hình thành sản phẩm “Du lịch - nơi hội tụ các di sản thế giới”: tham quan nghiên cứu các di sản thế giới; du lịch sinh thái, trải nghiệm sông nước ở di sản thế giới Tràng An; thưởng thức, trải nghiệm dân ca quan họ, ca trù; du lịch tham quan, nghiên cứu trải nghiệm Lễ hội Gióng.

Dựa trên các giá trị Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam xây dựng sản phẩm “Về với ngôi nhà chung của các dân tộc Việt Nam”: tham quan nghiên cứu các giá trị văn hóa dân tộc (kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, truyền thống, phong tục…) trong không gian văn hóa của làng; trải nghiệm cùng cộng đồng các dân tộc đang sinh sống, làm việc tại làng (homestay); du lịch ẩm thực, mua sắm (thưởng thức các món ăn dân tộc, mua sắm hàng thủ công truyền thống dân tộc); du lịch sự kiện (ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc…).

Dựa trên các giá trị về vị thế của thủ đô Hà Nội có thể xây dựng các sản phẩm du lịch MICE;  du lịch tham quan, nghiên cứu; du lịch ẩm thực, mua sắm…

Dựa trên các giá trị văn hóa - tâm linh (Lễ hội chùa Hương, Tây Thiên, chùa Bái Đính, đền Trần, Phủ Giầy…) xây dựng các sản phẩm du lịch hành hương, trải nghiệm các lễ hội tâm linh; du lịch tham quan, nghiên cứu; du lịch “thiền”, du lịch “tĩnh tâm”; du lịch ngắm cảnh, sinh thái (Hương Sơn, Tây Thiên); du lịch sự kiện (Lễ hội Phật đản…)…

Dựa trên giá trị của hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử; các bảo tàng; khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng các sản phẩm du lịch tham quan nghiên cứu; du lịch giáo dục truyền thống yêu nước; du lịch tưởng niệm, tri ân.

Những việc cần làm

Để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSH, thiết nghĩ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

Nâng cao vai trò quản lý nhà nước, vai trò của Hiệp hội Du lịch trong chỉ đạo phát triển du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù

Nâng cao năng lực quản lý chuyên ngành Du lịch của các cấp, đặc biệt là cấp quận, huyện trong quản lý nhà nước về du lịch trên từng địa bàn. Cần chú trọng nâng cao năng lực quản lý trong xây dựng và quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển và xây dựng sản phẩm du lịch, quản lý công tác xúc tiến quảng bá, đào tạo bồi dưỡng, quản lý môi trường du lịch…

Các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc tăng cường cơ chế liên kết, hợp tác, phối hợp trong hoạt động du lịch giữa các ngành ở địa phương; giữa các địa phương trong vùng. Qua đó tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng, độc đáo, hấp dẫn và có sức cạnh tranh, tạo ra sự thúc đẩy tương hỗ nhằm phát triển du lịch có hiệu quả.

Hiệp hội du lịch ở các tỉnh, thành phố trong vùng cần nâng cao vai trò chỉ đạo, cầu nối giữa các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù cho mỗi địa phương và cho toàn vùng.

Liên kết, hợp tác trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

Liên kết, hợp tác trong xây dựng các chương trình du lịch (tour) chung của toàn vùng: Bên cạnh việc chủ động xây dựng và phát triển các chương trình du lịch riêng mang tính đặc thù của mỗi địa phương, các tỉnh, thành phố trong vùng cần phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, các chương trình du lịch chung của toàn vùng.

Liên kết, hợp tác trong đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù: Hiện nay, việc đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch ở hầu hết các địa phương trong vùng ĐBSH còn dàn trải, thiếu tập trung để tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao; đầu tư còn thiếu sự hợp tác giữa các địa phương nên dẫn đến sự trùng lặp về sản phẩm. Do vậy, việc hợp tác trong nghiên cứu đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng cần tránh sự trùng lặp về sản phẩm.

Liên kết, hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao: Nguồn nhân lực du lịch của các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSH còn thiếu về số lượng, kém về chất lượng, do vậy liên kết, hợp tác trong đào tạo là rất quan trọng. Thông qua sự hợp tác này sẽ góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch, tạo ra được một mặt bằng chung về chất lượng sản phẩm du lịch trong vùng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Liên kết, hợp tác trong xây dựng một chương trình quảng bá xúc tiến, xây dựng thương hiệu để giới thiệu hình ảnh Du lịch ĐBSH như một điểm đến hấp dẫn: Đây là một nội dung liên kết, hợp tác quan trọng cần sớm được triển khai trong thực tế bởi kết quả của sự liên kết, hợp tác này sẽ đem lại nhiều lợi ích chung, đồng thời giảm được chi phí cho quảng bá xúc tiến của mỗi địa phương.

Tạo cơ chế thu hút đầu tư vào các sản phẩm du lịch đặc thù

Đối với việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù ở vùng ĐBSH, việc vận dụng để nghiên cứu xây dựng và ban hành những cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù đối với các doanh nghiệp là rất quan trọng. Để thực hiện tốt giải pháp này, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng cần vận dụng những điều kiện cụ thể của địa phương để xây dựng cơ chế chính sách ­đặc thù về việc ưu đãi thuế; ưu tiên, miễn giảm thuế; cho chậm tiền thuế có thời hạn; giảm tiền thuế đất; cho vay với lãi suất ­ưu đãi… đối với các doanh nghiệp đầu tư­ vào việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn; đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh du lịch mới có khả năng tạo nên thương hiệu cho du lịch địa phương và vùng, có khả năng thu hút và tăng thời gian lưu trú cũng như chi tiêu của khách du lịch. Đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án du lịch có khả năng tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù.

Khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên

 Là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành và xã hội hóa cao, hoạt động phát triển du lịch ở ĐBSH cần gắn liền với sự tham gia của cộng đồng dân cư - nơi có tài nguyên du lịch, đặc biệt đối với cộng đồng là chủ nhân của các làng nghề truyền thống, chủ nhân của các di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Trong việc thực hiện giải pháp này, cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia đầu tư phát triển du lịch ở chính nơi họ sinh sống (đặc biệt ở làng cổ Đường Lâm, các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân ca trù, dân ca quan họ…); có cơ chế chính sách khuyến khích và hỗ trợ ban đầu tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch (cả trực tiếp và gián tiếp) nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực (vốn đầu tư, lao động và kinh nghiệm...) trong cộng đồng dân cư để đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ du lịch như dịch vụ homestay, hướng dẫn du lịch, sản xuất và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cung cấp lương thực, thực phẩm...; chú trọng phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn (phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao…), gắn với các làng nghề truyền thống…, coi đó là phương thức tiếp cận quan trọng để phát triển du lịch và sản phẩm du lịch đặc thù.

Xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch đặc thù

Tổ chức các chương trình giới thiệu sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSH ở nước ngoài: Các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong vùng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan (Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các Hiệp hội Du lịch địa phương…) tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch; giới thiệu các sản phẩm du lịch, các điểm đến ở mỗi địa phương, các chương trình khám phá di sản văn hóa thế giới, khám phá nền văn minh sông Hồng… ở các thị trường trọng điểm (Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Mỹ…) nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài về thăm ĐBSH.

Tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài: Mỗi địa phương trong vùng (hoặc liên kết giữa các tỉnh, thành phố) chủ động lựa chọn và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế quy mô lớn, có uy tín. Tại các hội chợ này có thể xây dựng và giới thiệu gian hàng riêng theo chủ đề của mỗi tỉnh, thành phố hoặc liên kết giới thiệu chung cho toàn vùng ĐBSH…

Quảng bá hình ảnh Du lịch ĐBSH trên các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế: cần phối hợp lồng ghép với hoạt động tuyên truyền quảng bá hình ảnh Du lịch ĐBSH với du lịch cả nước, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc Tổng cục Du lịch) thực hiện.

Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo ở nước ngoài nhằm xúc tiến du lịch vùng ĐBSH: Các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế về xúc tiến đầu tư, xúc tiến phát triển du lịch (trong nước hoặc nước ngoài); hoặc tham gia hội thảo, hội nghị quốc tế về xúc tiến du lịch trong khu vực, trên thế giới; tranh thủ những diễn đàn du lịch, kinh tế quốc tế để tăng cường hoạt động tuyên truyền quảng bá cho du lịch từng địa phương nói riêng và toàn vùng nói chung…

*Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch
TS. Lê Văn Minh*
Tạp chí Du lịch