Chỉnh trang hai bờ sông Hương: Sẽ có trục không gian văn hóa - du lịch ven sông

Cập nhật: 16/05/2018
Việc quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương cũng như thực hiện chỉnh trang cảnh quan của con sông “di sản” này đã và đang được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm. Mới đây, dự án Chỉnh trang hai bờ sông Hương đã được thành phố Huế khởi động nhằm xây dựng một trục không gian văn hóa- du lịch ven sông, tạo điểm đến cho du khách.

Cảnh quan hai bờ sông Hương qua trung tâm TP. Huế nhìn từ trên cao

 Vấn đề quy hoạch hai bờ sông Hương để xây dựng các điểm đến văn hóa, phục vụ du lịch cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh tại Hội nghị Phát triển sản phẩm du lịch Thừa Thiên Huế vào cuối tháng 4.2018 vừa qua. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế khẳng định rằng, dù sông Hương chưa phải là di sản nhưng địa phương luôn đối xử với cảnh quan con sông này như một di sản thực sự, bởi nó có vị trí quan trọng về cảnh quan, môi trường, lịch sử, văn hóa… của thành phố. Do đó, trong quy hoạch về cơ bản sẽ hạn chế việc xây dựng các công trình mới ven sông Hương. Ở bờ Bắc, có nhiều công trình cổ, có các di tích nên giữ nguyên; còn bờ Nam hiện có nhiều công trình được xây dựng dưới thời Pháp, nên sẽ triển khai các hoạt động tương xứng để tạo điểm đến văn hóa và khai thác du lịch và tạo cảnh quan cho đô thị thành phố.

Theo UBND TP Huế, quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương đã được xây dựng nhiều lần nhưng vẫn chưa được phê duyệt. Hiện nay, song song với dự án thí điểm của KOICA về con đường đi bộ lát sàn gỗ lim, UBND TP Huế cũng vừa khởi động dự án chỉnh trang hai bờ sông Hương. Trong đó gồm hai hợp phần, thi công nâng cấp đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (ven bờ Nam sông Hương) và mở rộng, lát đá cho đường đi bộ ven sông từ công viên Lý Tự Trọng đến Bảo tàng Hồ Chí Minh. Các hợp phần này có kinh phí đầu tư 15 tỉ đồng, được thực hiện từ nay đến hết năm 2018. Sau khi các hạng mục này hoàn thiện, kết nối với đường đi bộ lát sàn gỗ lim thì sẽ có một trục đường đi bộ kéo dài qua trung tâm thành phố Huế, song song với trục đường chính Lê Lợi.

Đường Nguyễn Đình Chiểu là đường đi bộ nhưng vỉa hè lại chiếm phần lớn hơn lòng đường; hạ tầng con đường này cũng đã xuống cấp nhiều nên gây nhếch nhác, ảnh hưởng đến không gian du lịch. Trong đợt thực hiện dự án chỉnh trang hai bờ sông Hương, việc nâng cấp đường Nguyễn Đình Chiểu sẽ tạo một không gian phẳng, rộng và thoáng cho người đi bộ. Về sau này, có thể triển khai các dịch vụ, hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội trong các kỳ Festival Nghề truyền thống cũng như Festival Huế.

KTS Huỳnh Quang, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế nêu ý kiến, việc thực hiện nâng cấp đường Nguyễn Đình Chiểu như dự án là hợp lý nhằm tạo một không gian rộng và thoáng cho phố đi bộ. Tuy nhiên, cần kết hợp nghiên cứu triển khai một số điểm phục vụ cho du khách đi bộ ở khu vực này, trong đó tập trung các dịch vụ văn hóa - du lịch truyền thống của Huế. Đây là khu vực rất rộng nhưng hiện khai thác vẫn còn hạn chế. “Khi thực hiện chỉnh trang ở bờ Nam sông Hương, cần tháo dỡ các công trình tạm bợ, hệ thống hàng rào. Đối với các công trình mới để làm dịch vụ thì cần phải được sắp xếp và thiết kế hài hòa không gian chung, công trình mới không nên có kiến trúc hình khối lớn. Có thể khai thác thêm dịch vụ ẩm thực truyền thống Huế tại các công trình có sẵn như khu nhà Bảo tàng Văn hóa Huế, và cụm dịch vụ của Công ty Hương Giang (số 11 Lê Lợi)”, KTS Quang đề nghị.

Đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (bờ Nam sông Hương)

Theo KTS Huỳnh Quang, việc chỉnh trang và nâng cấp tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu cần đặt trong tổng quan hài hòa của trục không gian bờ Nam sông Hương. Trục không gian này từ bến Tòa Khâm đến công viên Cồn Dã Viên phải là không gian mở, với sự chuyển tiếp hài hòa giữa các công viên và các công trình sẵn có, không có vách ngăn và tường rào. Trong trục không gian mở đó, quy định các chức năng dịch vụ cho phù hợp. Nếu làm không tốt thì các hợp phần của trục không gian này sẽ như bị chắp vá, làm mất đi vẻ đẹp và giá trị của cảnh quan hai bờ sông Hương.

“Trục đường đi bộ dọc sông Hương từ bến Tòa Khâm đến Cồn Dã Viên sẽ được hình thành. UBND TP Huế đang nghiên cứu mở một số dịch vụ phù hợp để phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng. Để khách du lịch khi đến Huế, đến với sông Hương không chỉ có điểm dừng chân tham quan ở các trung tâm nghệ thuật, bảo tàng… mà còn có các khu dịch vụ du lịch cao cấp. Đó cũng là mục đích chung của dự án và mong muốn của lãnh đạo địa phương”, ông Thành nói. Hiện phố đi bộ khu “phố Tây” (đường Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu) hoạt động rất có hiệu quả, và sẽ được kết nối với các tuyến phố đi bộ ven sông Hương để đáp ứng nhu cầu của du lịch. Dự kiến của TP Huế là sẽ xây dựng đường đi bộ qua cầu Trường Tiền để mở rộng kết nối các tuyến đường đi bộ bờ Nam với các điểm du lịch ở bờ Bắc sông Hương. “Trước mắt, khi được giao quản lý cầu Trường Tiền, chúng tôi sẽ cấm việc lưu thông ô tô vào ban ngày qua đây, còn ban đêm sẽ đóng cầu để tổ chức tuyến đường đi bộ”, Chủ tịch UBND TP Huế thông tin. 

 SƠN THÙY

Nguồn: baovanhoa.vn