Hải Phòng phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường

Cập nhật: 18/09/2008
Hải Phòng là thành phố cảng, là trung tâm kinh tế, thương mại và du lịch của vùng duyên hải Bắc bộ; cửa chính ra biển của các tỉnh phía bắc, đầu mối giao thông quan trọng của miền Bắc và cả nước.

Bên cạnh đó, Hải Phòng còn là một đô thị có vị trí quốc phòng trọng yếu; một trong các cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong những năm qua, kinh tế - xã hội của thành phố có bước phát triển khá toàn diện, phát huy tốt nội lực, tập trung cao mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển đô thị.

 

Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng trong những năm qua ổn định và phát triển với mức tăng trưởng kinh tế khá cao, gấp trên 1,5 lần so với mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước, năm sau cao hơn năm trước.

 

Gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo vệ môi trường được hết sức quan tâm, góp phần phát triển thành phố Hải Phòng nhanh và bền vững. Công tác quản lý về bảo vệ môi trường thành phố Hải Phòng đã có những chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp cùng với việc nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, cán bộ và nhân dân thành phố, tập trung vào công tác xây dựng các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương hỗ trợ, xử lý những trọng điểm ô nhiễm, từng bước thực hiện việc đổi mới công nghệ, di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị, đầu tư các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất; thường xuyên tiến hành các hoạt động giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường. Đồng thời thực hiện tốt chính sách xã hội hoá và đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường; thực hiện việc nâng cao năng lực quản lý, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về môi trường gắn với công tác đẩy mạnh cải cách hành chính... đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng môi trường thành phố.

 

Bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế xã hội, Hải Phòng luôn quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường  và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Hải Phòng đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 trở thành thành phố sạch - xanh, các thiệt hại về môi trường hiện có giảm xuống mức thấp nhất; các khu vực bị suy thoái được phục hồi; các tác động có hại đến hạnh phúc của con người và thiên nhiên được ngăn ngừa; tài nguyên, năng lượng được sử dụng và quản lý tiết kiệm, có hiệu quả; không gian cho sự phát triển các hệ thống tương lai, các loài hoang dã và cảnh quan của thành phố được đảm bảo. Thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Chính quyền và sự nỗ lực tham gia của nhân dân, hoạt động bảo vệ môi trường của thành phố Hải Phòng thu được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện trên các mặt:

 

Quản lý Nhà nước về Bảo Vệ Môi Trường: Trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường và chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hải Phòng đã có những chủ trương, quyết sách, văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện của địa phương, Uỷ ban nhân dân thành phố đã phê duyệt 8 chương trình hành động bảo vệ môi trường của thành phố Hải Phòng: "Chiến lược bảo vệ môi trường thành phố Hải Phòng đến năm 2010"... nhằm không ngừng bảo vệ và cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khoẻ nhân dân, đảm bảo phát triển bền vững với nội dung hoạch định các vấn đề cơ bản về bảo vệ môi trường đô thị; Bảo vệ môi trường trong phát triển công nghiệp, trong phát triển du lịch, bảo tồn thiên nhiên và các hệ sinh thái; Bảo vệ môi trường biển, môi trường nông thôn, môi trường sức khoẻ và quản lý nhà nước về Bảo vệ môi trường. 


Triển khai đầu tư Chương trình nước sinh hoạt nông thôn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2003 – 2010 nhằm tăng cường chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn đặc biệt nâng cao sức khoẻ trẻ em và phụ nữ, giảm tỷ lệ các bệnh  liên quan đến nguồn nước; tăng cường cơ sở hạ tầng nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thực hiện phát triển bền vững trong nông nghiệp nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị,... phấn đấu đến năm 2010 có 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch sinh hoạt với lượng bình quân 55 - 60 lít/người/ngày. Thành phố cũng đã xây dựng Kế hoạch xử lý các khu vực ô nhiễm trên địa bàn Hải Phòng với những giải pháp cụ thể như: hoàn thành việc xử lý 8 khu vực trọng điểm: khu vực Thượng Lý, đảo Cát Bà, khu vực Tràng Cát, khu vực núi Tiên Hội, khu vực huyện đảo Bạch Long Vỹ, khu vực Máy Chai - quận Ngô Quyền, khu công nghiệp Nomura, khu du lịch Đồ Sơn... Hệ thống quản lý Nhà nước về Bảo vệ môi trường được thiết lập và ngày càng được tăng cường về năng lực hoạt động, trang bị hệ thống phòng thí nghiệm phân tích và quan trắc môi trường. 


Tháng 10 năm 2005 Trung tâm Quan trắc môi trường được thành lập và tại mỗi quận, huyện, thị xã bố trí 1 cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, điều này đã góp phần đưa công tác quan trắc và phân tích môi trường hoạt động ngày càng có hiệu quả. Để nắm rõ, kịp thời có các biện pháp giảm thiểu, ngăn chặn ảnh hưởng của sản xuất kinh doanh đến môi trường, Thành phố tiến hành tổng điều tra môi trường các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường từng năm. Tiến hành thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập bản kê khai về môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa ô nhiễm đối với các dự án cũng như các cơ sở đang hoạt động. Công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường được duy trì thường xuyên và dần đi vào nề nếp. Thành phố kiên quyết xử lý các vụ vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường, tập trung chỉ đạo kiên quyết giải quyết dứt điểm nhiều vụ nhập đồ phế thải vi phạm Luật Bảo vệ môi trường qua cửa khẩu cảng Hải Phòng, buộc vận chuyển nhiều hàng hóa có tính chất rác thải công nghiệp vi phạm công ước Basel về bảo vệ môi trường về nơi xuất phát,... Tuy ngân sách còn khó khăn nhưng hàng năm Thành phố đều dành hàng trăm triệu đồng đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường, đồng thời tích cực tìm kiếm và đa dạng hoá nguồn vốn trong nước (vốn địa phương, vốn Trung ương) và đặc biệt là những hỗ trợ của nước ngoài đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường. Hải Phòng là 1 trong 4 thành phố triển khai Dự án tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường do Canada tài trợ - VCEP; Dự án hỗ trợ kỹ thuật ODA về cải thiện điều kiện môi trường đô thị (MEIP) Hải Phòng; Dự án về quản lý tổng hợp môi trường biển và ven biển đông; Dự án hỗ trợ  cải cách hành chính thí điểm tại Hải Phòng - do chương trình phát triển Liên hiệp quốc và Chính phủ Hà Lan đồng tài trợ; Dự án nghiên cứu kế hoạch cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường thành phố Hải Phòng (do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA phối hợp thực hiện), Dự án cấp, thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị, Dự án Thành phố xanh của Hàn Quốc, Dự án JBIC về sản xuất sạch hơn...


Công tác phòng chống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường:
Thành phố thường xuyên tổ chức kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở, đồng thời tiến hành điều tra, phân loại các cơ sở sản xuất về mặt ô nhiễm môi trường để có kế hoạch quản lý và đề xuất các giải pháp xử lý, rà soát, cấp giấy chứng nhận môi trường. Thực hiện chương trình hành động quốc gia thực hiện Chỉ thị 36/CT-TW (ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước) do Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì, thành phố cũng đã hoàn thiện kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cụ thể đã đóng cửa bãi rác Thượng Lý; di chuyển Công ty xi măng Hải Phòng, Công ty đúc đồng, Công ty thiết bị áp lực và vật liệu xây dựng, phân xưởng A2 của Công ty cơ khí Duyên Hải, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc VIC ở Hạ Lý... Thành phố đang phát triển các khu, cụm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp di chuyển địa điểm ra khỏi nội thành. Nghiên cứu và xây dựng phương án phòng chống và ứng cứu sự cố tràn dầu của thành phố và một vài cơ sở có nguy cơ cao về tràn dầu; Thành phố ưu tiên xem xét, triển khai các dự án trồng rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn lợi hải sản...; Các sự cố môi trường được thành phố tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan giải quyết kịp thời, dứt điểm, không để lại hậu quả xấu: ngộ độc thức ăn tại một số cơ sở....; Để cải tạo môi trường cảnh quan đô thị, thành phố tiến hành nạo vét, kè bờ hồ Tam Bạc; cải tạo hệ thống thoát nước; tăng diện tích cây xanh, công viên, thay đổi cơ cấu cây xanh; thu gom rác bằng thùng rác công cộng; đổi mới qui trình thu gom rác sinh hoạt, giảm số lượng ga rác ở những nơi đông người, chuyển giờ thu gom rác vào ban  đêm; đầu tư kinh phí xoá bỏ hoàn toàn hố xí thùng khu vực nội thành... Hiện nay dải trung tâm Hải Phòng trở thành "lá phổi xanh" của thành phố. Có thể nói đây là một sự thay đổi căn bản cảnh quan đô thị theo hướng xanh - sạch - sáng.


Nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo cán bộ, chuyên gia về lĩnh vực Bảo Vệ Môi Trường:
Công tác nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản được triển khai liên tục với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nghiên cứu trung ương  và các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ môi ttrường ở trong và ngoài nước. Chương trình nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản về bảo vệ môi trường là 1 chương trình Khoa học công nghệ có mục tiêu của thành phố. Ngân sách dành cho các đề tài thuộc lĩnh vực này ngày càng tăng (khoảng 800 triệu đến 1200 triệu/năm). Thành phố đã kết hợp với các cơ quan nghiên cứu của Trung ương thực hiện 34 đề tài điều tra cơ bản và bảo vệ môi trường: Điều tra ô nhiễm nước ngầm, điều tra ô nhiễm công nghiệp và đô thị Hải Phòng, điều tra ngập lụt đô thị Hải Phòng, điều tra an toàn bức xạ, điều tra nghiên cứu và đánh giá chất lượng, trữ lượng khoáng sản, tài nguyên sinh vật biển... Hoạt động nghiên cứu khoa học còn tập trung giải quyết một số vấn đề về mô hình quản lý môi trường ở các cấp, mô hình phòng chống, xử lý sự có môi trường, các công nghệ xử lý ô nhiễm...; đồng thời cũng nghiên cứu sản xuất các sản phẩm bảo vệ môi trường như: thiết bị hút bể phốt cỡ nhỏ phù hợp với điều kiện sử dụng Việt Nam, các sản phẩm từ vật liệu thay thế gỗ, phao ngăn dầu, giấy thấm dầu, hoá chất xử lý nước... Xây dựng và triển khai đề án Bảo vệ môi trường Hải Phòng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020... Các kết quả nghiên cứu đóng góp những luận cứ khoa học về điều kiện tự nhiên và hiện trạng môi trường của thành phố, làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch bảo vệ đa dạng hệ sinh thái, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như quy hoạch của thành phố trong tương lai. Ngoài việc cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo ngắn ngày ở trong và ngoài nước, Thành phố cũng đã mở lớp đào tạo cử nhân môi trường tại trường Đại học hàng hải, trường Đại học dân lập Hải Phòng,... Đây là nguồn bổ sung trực tiếp cho lực lượng cán bộ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của thành phố trong thời gian tới.


Công tác giáo dục, tuyên truyền  nâng cao nhận thức về Bảo Vệ Môi Trường:
Công tác tuyên truyền, phố biến kiến thức, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường được hết sức chú trọng và được triển khai bằng nhiều hình thức: Sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản các chuyên san, các tài liệu tuyên truyền: tờ rơi, tài liệu tập huấn... về môi trường, tổ chức các cuộc thi ảnh xanh - sạch - đẹp, thi sáng tác các tác phẩm báo chí về môi trường, tổ chức toạ đàm giao lưu, hội thảo khoa học, lớp tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tham gia triển lãm môi trường Việt Nam, thi sáng tác ca khúc, tham dự Cuộc thi phim về bảo vệ môi trường do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường phát động,... Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường (29/4-6/5), Ngày môi trường thế giới (5/6), Chiến dịch làm sạch thế giới (21 - 23/9), Ngày đa dạng sinh học...thu hút sự quan tâm của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân. Bước đầu đưa giáo dục môi trường vào chương trình giáo dục các cấp học: Công tác giáo dục môi trường được  quán triệt trong các cấp quản lý qua Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học cùng với các nhiệm vụ chính trị khác trong nhà trường. Tổ chức các hoạt động với nội dung về bảo vệ môi trường trong các trường phổ thông như cuộc thi những hạt mưa xanh, trại hè sinh thái, thi vẽ và biểu diễn về bảo vệ môi trường, xuất bản các bản tin giáo dục môi trường trong trường học... Những hoạt động này thực sự đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong các lứa tuổi học sinh, hướng cho học sinh có thái độ đúng đắn và hành vi tốt đẹp đối với môi trường. Hội Bảo vệ môi trường của thành phố được thành lập từ năm 1992 là một tổ chức quần chúng rộng rãi, tập hợp đông đảo các cán bộ khoa học, công nghệ, các nhà quản lý, các nhà hoạt động xã hội, các nhà doanh nghiệp và tất cả những ai quan tâm và tham gia các hoạt động liên quan đến sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái của thành phố, đã phát triển mạnh mẽ. Đến nay Hội đã có gần 1000 hội viên. Hội Bảo vệ môi trường đã có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực đóng góp tích cực trong sự nghiệp bảo vệ môi trường của thành phố.


Có thể nói trong những năm gần đây, hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Luật Bảo vệ môi trường được đưa vào cuộc sống, nhận thức của cộng đồng về Bảo vệ môi trường có nhiểu chuyển biến và được nâng cao rõ rệt, việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đã từng bước đi vào nề nếp. Với sự nỗ lực của Chính quyền và nhân dân thành phố, chất lượng môi trường của thành phố đã được cải thiện rõ rệt - một yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, xứng đáng với tầm vóc của đô thị loại 1, đô thị trung tâm cấp quốc gia.

Nguồn: Báo Hải Phòng