Lâm Đồng: Du lịch canh nông - hướng đi mới

Cập nhật: 22/06/2018
(TITC) - Bên cạnh những sản phẩm du lịch đặc thù như: tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái… việc phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế của du lịch canh nông là hướng đi mới mà Lâm Đồng đang hướng tới.

Du khách thăm quan vườn hoa tại Lâm Đồng - Ảnh Internet

Theo thống kê, diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng trong năm 2017 đạt 51.799ha, chiếm 18,57% tổng diện tích đất canh tác và là tỉnh đứng đầu trong cả nước áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tại Đà Lạt hiện có 3 làng hoa đã được công nhận làng nghề truyền thống, gồm: Vạn Thành, Hà Đông, Thái Phiên; nhiều công ty sản xuất rau, hoa quy mô lớn, công nghệ hiện đại như: Công ty Hasfarm, Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, Hợp tác xã Anh Đào… Du lịch canh nông tại Đà Lạt - Lâm Đồng hấp dẫn bởi các mô hình đều ứng dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm đặc thù, mới lạ. Các khâu chăm sóc được thực hiện bằng công nghệ tự động, điều khiển bằng máy tính. Sản phẩm cho năng suất cao, mẫu mã đẹp và an toàn đối với sức khỏe con người. 

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, để phát triển du lịch canh nông trở thành sản phẩm du lịch mới, có tính cạnh tranh cao, mang thương hiệu du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng, trong thời gian qua Lâm Đồng đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như: Phối hợp với chuyên gia dự án JICA, các chuyên gia về du lịch canh nông khảo sát tư vấn cho các đơn vị, hộ dân trên địa bàn tỉnh nhằm hình thành các mô hình “Tuyến du lịch canh nông” và “Điểm du lịch canh nông”; tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về bộ tiêu chí công nhận mô hình du lịch canh nông; tổ chức chương trình khảo sát, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm cho các cá nhân và tổ chức đang kinh doanh mô hình du lịch canh nông…

Để các mô hình nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công nhận 22 mô hình du lịch canh nông đạt tiêu chuẩn trên địa bàn. Trong đó nổi bật là: làng hoa Thái Phiên, Hà Đông, Vạn Thành; Hợp tác xã rau Tân Tiến, Xuân Hương. Các mô hình du lịch nông nghiệp sau khi được thẩm định và công nhận đã hoạt động có hiệu quả thu hút nhiều du khách đến tham quan như: Trang trại rau và hoa; Du lịch canh nông Green Box, Cầu Đất Farm… Đặc biệt, trong khuôn khổ Festival Hoa 2017 tỉnh đã vinh danh 25 tổ chức, cá nhân kinh doanh mô hình du lịch canh nông tiêu biểu, góp phần tạo nên thương hiệu cho sản phẩm du lịch mới của tỉnh Lâm Đồng tại Đêm hội “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành Đề án số 2644/QĐ-UBND về "Thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh". Mục tiêu của đề án nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, du lịch của tỉnh Lâm Đồng; phát triển mô hình du lịch nông nghiệp tạo ra các sản phẩm đặc thù góp phần xây dựng thương hiệu cho du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch kết hợp nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu được trải nghiệm và tham quan của du khách; hình thành mô hình mẫu về sản phẩm nông nghiệp kết hợp với du lịch; thu hút hợp tác đầu tư phát triển sản phẩm du lịch từ phía các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tạo điều kiện cho người nông dân nâng cao thu nhập từ hoạt động du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dựa trên các điều kiện về tự nhiên, vị trí địa lý và tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, Tỉnh quyết định xây dựng và hình thành 2 mô hình thí điểm là: Mô hình du lịch nông nghiệp tại khu phố Hồ Xuân Hương, TP. Đà Lạt và Mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao Trại Mát.

Phát triển du lịch canh nông là một hướng đi mới mà tỉnh Lâm Đông đang hướng tới và là xu hướng phát triển tất yếu của ngành du lịch Lâm Đồng hiện nay, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồng thời cũng là giải pháp hữu ích nhằm phát triển du lịch bền vững.

Hồng Thủy