Gìn giữ tài nguyên văn hóa trong kinh doanh du lịch bản làng

Cập nhật: 10/07/2018
Có nhận định cho rằng, mô hình du lịch sinh thái nông thôn sẽ bùng nổ trong thời gian tới sau khi loại hình kinh doanh này gặt hái được những thành công rực rỡ. Xu hướng du lịch bình dân, dành cho người trẻ say mê khám phá được tận dụng để tạo dựng lên một trào lưu, trong đó, tài nguyên văn hóa địa phương được tận dụng triệt để trong kinh doanh. Nhưng sử dụng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trong kinh doanh du lịch là việc cần sự thận trọng và trách nhiệm.

Người dân Phiêng Tiên dựng cọn nước và trồng hoa bên suối Nậm Mu. Ảnh: Thụy Văn

Anh Lê Đức Tiến, một doanh nhân ở Tam Đường, Lai Châu đang đầu tư xây dựng khu du lịch bản Phiêng Tiên cho hay: “Tôi hoàn toàn tin rằng, vốn văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây sẽ trở thành điều hấp dẫn khách du lịch. Chúng tôi xây dựng khu du lịch sinh thái đến nay chưa đầy 2 tháng, nhưng hình hài của nó đã hình thành. May mắn nhất của tôi là có được sự ủng hộ của bà con trong bản Phiêng Tiên, tất cả đồng lòng làm du lịch”.

Đây thực chất là một mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp sinh thái không mới tại Lai Châu. Trước đó, tại Tam Đường đã có Bản Bo, Bản Nà Khương... làm du lịch kiểu này. Vì vậy, mô hình ở Phiêng Tiên ngay từ đầu đã có được sự đồng thuận của người dân trong bản. Chính người dân bản Phiêng Tiên đã làm 15 cọn nước bằng tre đặt bên suối, vừa đảm bảo nước tưới cho 22ha lúa của cánh đồng trong bản, vừa làm cảnh quan du lịch.

Người dân còn trồng 3.000m2 hoa cải và dọn vệ sinh môi trường trong bản phong quang sạch đẹp. Anh Lê Đức Tiến khẳng định, mọi người dân bản Phiêng Tiên đều mong muốn thông qua du lịch, văn hóa đặc sắc của người Thái được phổ biến rộng rãi, được lưu truyền và gìn giữ, đồng thời, cuộc sống người dân có thể được giao lưu nhiều hơn, có cơ hội làm giàu, cuộc sống sung túc hơn trước đây.

Tam Đường tuy rất gần khu du lịch lớn Sa Pa của Lào Cai, nhưng đây đang còn là một địa danh hoang sơ, không có dấu hiệu bị mai một vốn văn hóa dân tộc nhiều bản sắc. Trong bản đồ du lịch, đây vẫn còn là điểm đến mới mẻ, cảnh quan hấp dẫn, cộng đồng dân cư huyền bí, nhiều sắc thái và phù hợp với xu hướng mới.

Nhìn rộng ra, Lai Châu có cao nguyên Sìn Hồ quanh năm thời tiết mát mẻ, suối nước nóng Vàng Pó, thác Tác Tình, động Pu Sam Cáp, đèo Ma Thì Hồ, dinh thự cổ Đèo Văn Long, bia Lê Lợi, chợ phiên San Thàng, Dào San, các bản làng Hon, Vàng Pheo, Pa Vệ Sử, Tả Lèng... đẹp như tranh. Tất cả là vốn tài nguyên vẫn còn hoang sơ, đang chờ được khai thác.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp sinh thái là loại hình du lịch đưa du khách trở về thiên nhiên, tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt của bà con địa phương. Nhưng phải nói thêm rằng, việc mang vốn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ra kinh doanh du lịch là việc làm thận trọng, có trách nhiệm. Đó không đơn thuần là một bài toán kinh tế. Bởi khi thương vụ kinh doanh bị đổ bể, cũng là lúc vốn văn hóa bị rơi rớt, sự trân trọng với cuộc sống và màu sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số bị xói mòn.

Những chiếc cọn nước đặt bên suối Nậm Mu chảy quanh các bản Nà Khương, Bản Bo, Phiêng Tiên... vốn là cách lấy nước tự nhiên của người Thái cho các ruộng lúa nước. Cọn đặt ở dưới suối, làm bằng cây và tre, thuận theo dòng nước chảy để đưa nước lên trên mặt ruộng.

Ban đầu, khách du lịch đi qua các bản làng thích thú với các cọn nước này, dừng lại chụp ảnh và đưa lên mạng xã hội. Sau đó, vẻ đẹp của các cọn nước được các nhiếp ảnh gia khai thác, nhiều người tò mò và muốn được đích thân tới chiêm ngưỡng một hình ảnh độc đáo của núi rừng cũng là lúc các nhà kinh doanh du lịch để mắt tới các bản làng.

Mô hình du lịch nông nghiệp bản làng sinh thái bao gồm cải tạo cảnh quan bắt mắt, xây dựng hệ thống các gia đình cho khách du lịch nghỉ tại nhà, dịch vụ ăn uống theo văn hóa của người dân tộc thiểu số. Trong đó, ẩm thực của người Thái, Mông, Dao... là cả kho các món ăn phong phú có thể khai thác. Ngoài ra, các khu du lịch tổ chức lễ hội vào mỗi cuối tuần, trò chơi dân gian, với sự tham gia của người dân địa phương cùng du khách.

Một bản làng người Dao ở Tây Bắc đang làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Thụy Văn

Trong số những điều không hợp lý, có sự xây dựng cơ sở với việc thêm nếm vào trong đó những thứ văn hóa lạc lõng, không phù hợp. Ví như việc đắp tượng bê tông những con thú trong phim hoạt hình, xa lạ với cảnh quan và con người ở đây, hoặc trồng các loại cây cảnh, cây hoa mà đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây chưa thấy bao giờ.

Đối tượng phục vụ của các khu du lịch là du khách từ xa đến. Họ đến đây vì bị hấp dẫn bởi cảnh quan tự nhiên, núi rừng hoang sơ, thơ mộng, suối chảy và cách đưa nước về ruộng độc đáo bằng vật liệu thuận tự nhiên, chứ không muốn nhìn thấy những thứ lố lăng của phố thị dạt về. Còn nếu phục vụ chính đồng bào ở những bản làng này, e rằng văn hóa lai căng chỉ là thích thú nhất thời, về lâu dài sẽ làm nhòe, làm pha lẫn vốn văn hóa đặc sắc của họ.

Ngoài việc gọi nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, việc cần làm ngay của địa phương là tích cực tuyên truyền, vận động bà con gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, giữ nếp sống tự nhiên, bản làng sạch, đẹp, khôi phục làng nghề, trồng hoa ở các bản du lịch.  Về tương lai lâu dài, miền núi hình thành các vùng sản xuất tập trung như trồng lúa nước, rau sạch, cây ăn quả... để tạo dựng điểm đến lý tưởng của du khách, song song với đó là làm du lịch sinh thái bền vững. Như vậy mới không nảy sinh xung đột lợi ích và tài nguyên văn hóa của địa phương mới sử dụng hiệu quả, sinh lời và được bảo tồn.

Nguồn: Biên Phòng