Hình ảnh ngập rác đáng sợ tại những khu du lịch nổi tiếng

Cập nhật: 08/08/2018
Rác thải luôn là tác nhân hàng đầu khiến các điểm du lịch mất khách. Ngược lại, ý thức chưa tốt của nhiều du khách cũng là nguyên nhân tạo nên hình ảnh không hề đẹp mắt này.

Tình trạng rác thải gây mất mỹ quan ở các điểm du lịch luôn để lại những hình ảnh tiêu cực. Đây là vấn đề các địa phương đã và đang cần phải đối mặt khắc phục. Nguyên nhân của vấn đề này không phải chỉ do người dân địa phương hay công tác quản lý mà còn đến từ ý thức của nhiều các du khách. Kể từ dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 đến nay, các bãi biển từ Bắc vào Nam tràn ngập hình ảnh “người đi, rác ở lại”. Ảnh: Reuters.

Đảo Bình Ba thuộc xã Cam Bình, TP Cam Ranh, Khánh Hòa được biết đến là nơi thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước nhờ vẻ hoang sơ, xinh đẹp vốn có. Dù vậy, bức hình chụp hồi tháng 6 vừa qua đã phản ánh sự "nhiễm độc" nặng bởi rác thải ở nơi đây. Hòn đảo này vừa là vựa nuôi tôm hùm lớn, vừa là điểm du lịch. Mỗi ngày, hàng chục tấn rác do người nuôi tôm hùm lồng bè, cơ sở kinh doanh du lịch, nhà hàng và khu dân cư xả thẳng ra biển gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Xuân Hướng.

Bãi Đá Nhảy, Quảng Bình, từng thu hút du khách với bãi biển đẹp với núi hùng vĩ và biển xanh mát. Tuy nhiên, trong khung cảnh ấy rải rác là các loại bao bì nylon, vỏ bánh kẹo, chai nhựa, thức ăn thừa... mà du khách để lại. Trên bờ biển, hàng loạt rác thải sinh hoạt khác dập dềnh trong sóng nước. Tình trạng này được ghi nhận vào tháng 6 vừa qua. Ảnh: Thành Long.

Vài năm trước, người ta háo hức tìm đến Cô Tô, Quảng Ninh, như chốn biển thơ mộng, nơi có những bãi cát dài trắng tinh khôi ôm trọn mặt biển xanh ngát, hoang sơ. Thế nhưng, thời gian gần đây, sau những ngày giải tỏa căng thẳng của du khách trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, ở những bờ biển này, các loại rác thải kéo dài hàng cây số. Ảnh: Chu Thu Hoài.

Quần đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải, Kiên Giang được xem là thiên đường du lịch của vùng biển Tây Nam. Nhưng trong những tháng đầu năm, du khách đặt chân lên hòn đảo lại có cảm giác thất vọng bởi ô nhiễm môi trường, rác thải ngập tràn lối đi, mặt biển... làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình và mộc mạc của hòn đảo. Ảnh: Thái Sơn. 

Những bức ảnh chụp hồi giữa tháng 6 tại bãi biển ở Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, Bình Thuận cho thấy nơi đây đang trong tình trạng ô nhiễm nặng. Gần 2 km bãi cát ngập trong các loại rác thải, môi trường ô nhiễm với xác động vật phân hủy cùng đồ ăn thừa tràn lan, xuất hiện ruồi, muỗi và các loại côn trùng... là những gì con người gây ra cho thiên nhiên nơi đây. 

Cũng trong dịp đầu hè, dọc bãi biển khu vực từ mũi Tấn đến tượng đài Chiến Thắng, Quy Nhơn, nước biển đục ngầu, nhuốm màu đen vẩn, kéo thành vệt dài liên tục tấp vào bờ. Khác với mùa hè những năm trước đây, bãi biển trong xanh, là nơi tắm mát, vui chơi của nhiều du khách, thì nay, rác thải sinh hoạt, bùn dạt vào, khiến bãi tắm trở thành nơi ô nhiễm, gây hại cho sức khỏe của những ai ghé thăm. 

Không dừng lại ở vùng biển, những điểm cắm trại, leo núi cũng đang dần trở thành  những "bãi rác" bởi ý thức của dân trekking. Đồng Cao, Sơn Động, Bắc Giang được xem là địa điểm cắm trại lý tưởng của nhiều người những năm gần đây. Với hàng trăm lượt khách đổ về trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, nơi đây đã phải chịu đựng một lượng rác thải lớn. Sau những hoạt động ăn uống, vui chơi, dựng lều... của một bộ phận giới trẻ, rác thải rải rác mọi nơi khiến cảnh quan nơi đây trở nên bẩn thỉu, nhếch nhác. Ảnh: Bacgiangtv.

Ngay tại Hà Nội và TP.HCM, những nơi được xem là điểm đến hàng đầu của khách du lịch quốc tế, hình ảnh những đống rác ngay trên các tuyến đường cũng thường xuyên có thể bắt gặp. Không chỉ gây mất mỹ quan, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh quốc gia trong mắt du khách quốc tế mà rác thải còn bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Ảnh chụp vào những ngày cuối tháng 7. 

Hình ảnh trên là tình trạng ô nhiễm môi trường ở bãi biển Kuta của Bali và sông Citarum ở Tây Java, Indonesia. Theo một báo cáo năm 2017 của tổ chức môi trường Ocean Conservancy (Mỹ), hơn một nửa rác nhựa đổ ra biển đến từ 5 nước châu Á là Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan. Tình trạng đáng báo động của ô nhiễm môi trường biển nước ta cho thấy việc cần thiết và cấp bách phải tiến hành những công cuộc bảo vệ sinh thái, môi trường và cảnh quan du lịch trên cả nước. Ảnh: Getty, Jefta Images.

Uyên Hoàng

Nguồn: zing.vn