Gìn giữ môi trường sinh thái vịnh Xuân Đài

Cập nhật: 11/09/2018
Xuân Đài là một vịnh biển kín thuộc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, diện tích mặt nước khoảng 130km2 và phía Nam tiếp giáp với biển Đông có cửa vịnh rộng khoảng 4,4km. Khí hậu khu vực mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa, khô nóng với nền nhiệt độ nóng quanh năm rất phù hợp với du lịch biển, tắm biển… Bởi thế, việc gìn giữ môi trường sinh thái vịnh Xuân Đài là rất cần thiết.

Vịnh Xuân Đài. Ảnh: Dương Thanh Xuân

Tầm quan trọng vịnh Xuân Đài

Vịnh Xuân Đài được bao bọc ba mặt bằng những dải núi vươn dài ra biển, hình thành những vịnh, vũng, đầm, đảo, bán đảo… xung quanh có rặng dừa, xóm làng. Xung quanh vịnh có các địa danh kỳ thú như gành Đèn, mũi đá Ong, gành Đen, gành Đỏ, vũng Lắm, vũng Mắm, vũng Dông, bãi Ôm, bãi Từ Nham... Mặt phía Đông Nam cửa vịnh có gành Đá Đĩa, Hòn lao Mái Nhà; phía Bắc là bãi cát Từ Nham, bãi biển Từ Nham, đầm Cù Mông, vũng Vuông..., dưới biển có nhiều loại san hô, thảm cỏ biển và rong biển. Các bãi biển ở đây là sự kết hợp giữa núi và biển, bãi cát trắng mịn, thoai thoải, nước biển trong xanh và lặng sóng. Hầu hết các bãi tắm đều còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, mới lạ như bãi Vịnh Hòa - bãi Nồm, Từ Nham, Long Hải, Nhất Tự Sơn, bãi Ôm, bãi Rạng…

Hòn Yến nằm sát ngay cửa vịnh có diện tích khoảng 4ha với những khối đá lớn dựng đứng, trước đây là nơi có rất nhiều chim yến đến làm tổ nên mới có tên gọi như vậy. Ngoài ra, còn có cù lao Ông Xá nằm đối diện gành Đỏ, diện tích khoảng 10ha, cách bờ biển khoảng 200m. Nơi đây như một pháo đài án ngữ trước vũng Lắm với những mỏm đá dựng đứng và bãi cát trắng chạy dài.

Đảo Nhất Tự Sơn - hòn đảo đẹp nhất trong vịnh Xuân Đài có hình chữ Nhất trong tiếng Hán. Đảo có diện tích 6ha, cách bờ biển khoảng 300m, và điều đặc biệt là khi thủy triều xuống có thể lội từ bờ ra đảo. Cả hòn đảo được che phủ bởi một rừng cây xanh tốt, trong đó có nhiều loại cây cổ thụ. Xung quanh đảo có nhiều vị trí thuận lợi để du ngoạn hay ngồi câu cá. Phía Đông đảo có nhiều tảng đá chồng thành bậc như ghế ngồi, sát mép nước có nhiều khối đá nhô lên khỏi mặt nước chạy song song tạo nên những khe nước nhỏ.

Vịnh Xuân Đài cũng nằm trong khu vực có tài nguyên du lịch nhân văn độc đáo với các di tích lịch sử - văn hóa, khảo cổ như di tích Hành Cung Long Bình, di tích lịch sử Vũng Lắm, chùa Triều Tôn, chùa Phật Học, chùa Từ Quang, nhà thờ Mằng Lăng; các làng nghề như nước mắm Gành Đỏ, gốm Quảng Đức, bánh tráng Hòa Đa; các lễ hội truyền thống như Lễ hội sông nước Tam Giang, Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội đua ngựa Gò Thì Thùng… cùng với đặc sản ẩm thực, âm nhạc, dân ca, dân vũ. Trong vịnh Xuân Đài còn có một số thắng cảnh như hòn Yến, cù lao Ông Xá, đảo Nhất Tự Sơn để du khách có thể thỏa mãn sở thích khám phá.

Tài nguyên đa dạng sinh học và hệ sinh thái vịnh Xuân Đài

Ở vịnh Xuân Ðài, trong số 58 loài phù du đã xác định, bộ giáp xác chân chèo có 55 loài (chiếm 94,8% tổng số loài), bộ giáp xác râu ngành có 2 loài và bộ monogononta có 1 loài. Mật độ trung bình động vật phù du là 69 cá thể/lít và vào mùa khô cao gấp 2,8 lần so với mùa mưa.

Tại đây xác định được 180 loài, 112 chi và 59 họ, số lượng loài cá mang lại giá trị kinh tế chủ yếu là 39 loài, trong đó loài thuộc bộ cá vược chiếm tỷ lệ khoảng 90%. Trong 180 loài cá hiện diện ở vịnh Xuân Ðài, hiện mới phát hiện một loài cá mòi mõm tròn có tên trong sách Đỏ Việt Nam, mức VU (Vulnerable) - sẽ nguy cấp, cá ngựa gai ở mức sẽ nguy cấp UV, cá ngựa đen ở mức nguy cấp.

Rạn san hô ở đây phân bố rải rác, thường là những dải hẹp chạy dọc vùng biển ven bờ hoặc ven đảo, độ sâu phân bố tối đa của hầu hết rạn san hô chỉ dưới 10m và chiều rộng của rạn thường ít hơn 100m.

Ở vịnh Xuân Ðài, qua phân tích mẫu xác định được 188 loài thuộc 6 ngành tảo, số lượng loài tảo tập trung nhiều nhất vào ngành tảo silic với 110 loài (chiếm 58,5% tổng số loài của thuỷ vực), tiếp đến là tảo giáp có 62 loài (chiếm 33%), ngành tảo lam có 12 loài (chiếm 6,4%), ít nhất là các ngành tảo vàng (2 loài, 1,1%), tảo mắt và tảo lục có 1 loài (chiếm 0,5%)

Qua kết quả nghiên cứu điều tra theo tuyến ven vịnh Xuân Ðài, số loài thực vật ngập mặn đã xác định được gồm 21 loài, 19 chi và 15 họ, thuộc ngành mộc lan. Trong số đó có 11 loài là cây ngập mặn và 10 loài đi kèm trong quần xã. Các cây ngập mặn phân bố rải rác theo cụm, thường gặp ở vùng cửa sông hoặc các vũng lõm vào của vịnh nơi có các khe nước ngọt từ núi chảy xuống tạo nên một tiểu vùng thích hợp cho các loại thực vật ngập mặn phát triển, bao gồm vũng Chào, vũng Sứ, cửa Chùa (ở phía Đông), khu vực làm muối xã Xuân Phương, dọc theo các sông ở trung tâm thị xã Sông Cầu, trong đó diện tích cây ngập mặn ở mỗi vũng nước có khoảng 800 - 1000m2.

Cỏ biển ở vịnh Xuân Ðài rất đang dạng, phong phú và tập trung chủ yếu ở 4 khu vực chính: khu vực cù lao Ông Xá, khu vực từ Long Hải Nam cho đến Long Hải Bắc (Sông Cầu), khu vực vũng Sứ - vũng Chào, khu vực vũng Me - Vung La.

Do có ít nguồn nước ngọt từ sông suối đổ vào, vịnh Xuân Ðài lại có cửa rộng thông với biển chịu ảnh huởng trực tiếp của nước biển nên có thành phần loài sinh vật biển khá phong phú. Theo ước tính sản lượng đánh bắt cá trong vịnh Xuân Ðài khoảng 40 - 60 tấn cá/năm. Một số cá thường gặp là cá đối, cá căng, cá liệt… Các loài tôm hùm như tôm hùm sỏi, tôm hùm đá, tôm hùm bông… chỉ xuất hiện cửa vịnh.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường, suy thoái đa dạng sinh học

Trong những năm gần đây, liên tiếp xảy ra các sự cố môi trường gây thiệt hại lớn cho đời sống kinh tế người dân trong khu vực. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là sự cố môi trường xảy ra trong khoảng thời gian cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm 2017. Tại các xã Xuân Phương và phường Xuân Yên thuộc vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu đã xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người nuôi, với khoảng 1,6 triệu con tôm hùm và cá bị chết; ảnh hưởng đến 693 hộ dân nuôi trồng thủy sản trên vịnh và tổng thiệt hại hơn 700 tỷ đồng.

Ô nhiễm nguồn nước do hoạt động nuôi trồng thủy sản quá mức và sinh hoạt của cộng đồng dân cư, các khu đô thị ven đầm, vịnh gây ra. Dân cư quanh khu vực vịnh Xuân Đài sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, hoạt động khai thác thủy sản còn nhiều bất cập, các tàu cá nhỏ hoạt động ven bờ còn nhiều, việc sử dụng các phương tiện khai thác không đúng quy định như mìn, kích điện, dùng giã kéo gắn với lưới bừa... làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, mất cân bằng hệ sinh thái. Hoạt động nuôi trồng thủy sản diễn ra tự phát, không theo quy hoạch, mật độ nuôi dày đặc, kỹ thuật nuôi thô sơ, chưa chú trọng công tác bảo vệ môi trường làm ô nhiễm nguồn nước và bùng phát dịch bệnh.

Tại vịnh Xuân Ðài, hầu hết ngư dân các xã đều có lồng nuôi tôm hùm nhưng tập trung nhiều nhất ở vũng Chào, vũng La, Phú Mỹ xã Xuân Phương; thôn Phước Lý thị trấn Sông Cầu. Do thời gian nuôi tôm hùm thường dài, 18 tháng/vụ, nên để tránh sự giảm độ mặn của môi trường vào mùa mưa lũ, các lồng nuôi thường di chuyển về vịnh Hòa thuộc xã Xuân Thịnh, vũng Chào thuộc xã Xuân Phương và Mỹ Hải thuộc thị trấn Sông Cầu. Sự chuyển dịch lồng nuôi này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường nước và công tác quản lý thủy vực của các địa phương tiếp nhận lồng chuyển đến. Do mật độ lồng nuôi khá cao, hình thức nuôi đơn giản chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên lượng thức ăn thừa cũng như kỹ thuật chăm sóc đã làm mức độ ô nhiễm trong khu vực nuôi tăng lên nhanh, gây ô nhiễm một số vùng nuôi trọng điểm như Hòa Lợi (Xuân Cảnh), Phú Dương, Từ Nham (Xuân Thịnh), vũng Chào, vũng La, Phú Mỹ (Xuân Phương), Phước Lý (Thị trấn Sông Cầu).

Hiện nay, qua kết quả điều tra đánh giá thì các thôn, xã ven vịnh Xuân Đài đã thành lập các tổ quản lý hoặc ban quản lý đầm, vịnh. Mô hình quản lý tài nguyên biển dựa vào cộng đồng nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, vẫn còn tình trạng lén lút đánh bắt thủy sản có tính hủy diệt. Vì vậy, nên thiết lập lại địa giới ngư trường theo từng xã và đặt dưới ban quản lý của mỗi xã; quy định thời điểm khai thác đối với từng loại thủy sản theo mùa vụ hàng năm, bảo đảm cho việc tái tạo nguồn lợi thủy sản trong vịnh.

 

Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững - Những việc cần làm

Nâng cao hiểu biết và hình thành ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng, khai thác hợp lý tài nguyên trong đầm, vịnh. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cộng đồng dân cư ven đ���m về biến đổi khí hậu và các kỹ năng thích nghi, sống chung với biến đổi khí hậu. Vận động ngư dân không khai thác thủy sản trong các vùng cấm, không đánh bắt các loài thuộc danh mục cấm khai thác…

Quy hoạch không gian vịnh Xuân Đài cần phải kết hợp một cách hài hòa giữa giá trị hệ sinh thái tự nhiên, song hành với truyền thống văn hóa bản địa, cùng với sự tiện nghi, hiện đại. Cần quy hoạch hiện trạng sử dụng đất khu vực nuôi tôm và khu vực sinh sống của một bộ phận dân cư, khu vực gắn liền với sinh kế của người dân. Quy hoạch chung cũng cần mang tới cho du khách không gian du lịch hấp dẫn nhưng phải tạo môi trường sinh thái bền vững, có bản sắc riêng, mang đến chất lượng dịch vụ du lịch tốt. 

Xây dựng hệ thống quan trắc thường xuyên chất lượng nước và sinh vật phù du là cần thiết, kèm theo đó là các biện pháp quản lý môi trường nuôi trồng thủy sản và quản lý chất thải rắn, nước thải, điều kiện vệ sinh tại khu dân cư ven đầm, không xả chất thải độc hại xuống đầm, vịnh.

Xây dựng mô hình, chương trình quản lý tổng hợp bền vững vịnh Xuân Đài. Phát triển các nguồn sinh kế thay thế cho cộng đồng vốn sống dựa vào nguồn lợi tự nhiên. Khuyến khích cộng đồng địa phương chuyển sang các sinh kế ít gây hại, đồng thời bảo vệ các loài thủy, hải sản quan trọng như cá hoặc tôm, nghêu, sò huyết và các sinh vật sinh sống trong vịnh.

Xây dựng các khu bảo tồn biển, các khu bảo vệ hệ sinh thái đặc thù như cỏ biển, rạn san hô, rừng ngập mặn sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản phát triển bền vững. Cần xem xét áp dụng mô hình quốc tế để thiết lập các khu vực đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế - RAMSAR, các khu dự trữ sinh quyển, vịnh đẹp thế giới, các khu vực biển đặc biệt nhạy cảm - PSSA sẽ gia tăng giá trị, thương hiệu thiên nhiên cho vịnh Xuân Đài.

Nghiên cứu, xây dựng, triển khai các mô hình phát triển kinh tế biển xanh, bền vững như: du lịch sinh thái biển, đảo kết hợp tắm biển, nghỉ dưỡng, khai thác, nuôi trồng hải sản bền vững, thân thiện với môi trường, áp dụng các công nghệ xanh, sạch trong phát triển kinh tế vùng ven bờ vịnh.

Cần xây dựng các chương trình nghiên cứu, hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên với các tổ chức quốc tế như WWF, IUCN, FAO…

TS. Dư Văn Toán
Lê Đức Đạt

Nguồn: Tạp chí Du lịch