Biển bao giờ hết rác?

Cập nhật: 23/10/2008
function goto_link(ID) {window.location = '/monreNet/Default.aspx?tabid=250&ItemID='+ID;} Không quản trời nắng, mưa, gió bão hay lễ Tết, những công nhân thuộc Đội vệ sinh 1, Công ty Công trình đô thị thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn ngày ngày có mặt trên bãi biển Vũng Tàu, bởi công việc mà họ đang thực hiện là làm sạch biển...

Bãi Sau biển Vũng Tàu luôn nhộn nhịp khách du lịch, đặc biệt vào những ngày cuối tuần, sau một ngày thỏa thích ăn chơi, bãi Sau như một bãi chiến trường đầy ngập rác. Đó là lúc biển Vũng Tàu cần có họ - những công nhân vệ sinh bờ biển. "Người ta vẫn ví những việc chúng tôi đang làm là "dã tràng xe cát" bởi biển có bao giờ hết được rác. Rác do du khách vứt lại, rác từ giàn khoan trôi vào, rác từ biển, từ sông, từ khắp nơi tấp vào bờ... Năm này tháng nọ, chúng tôi cứ luôn tay vớt nhặt nhưng không bao giờ hết rác", anh Nguyễn Bá Chinh, công nhân vệ sinh bờ biển ở Bãi Trước cho chúng tôi biết về công việc mà mình và các đồng nghiệp của anh đang làm.

Chị Đỗ Thị Hồng không nhớ nổi mỗi ngày chị và các đồng nghiệp nhặt và đẩy bao nhiêu xe cải tiến đầy ắp rác từ biển về khu tập kết. Trong hàng trăm ngàn chủng loại rác trên biển Vũng Tàu, những công nhân vệ sinh bờ biển còn phải làm thêm một việc, đó là phân chia rác thành 2 loại: rác sinh hoạt và rác tự nhiên. Chị bảo, rác sinh hoạt là những vỏ đồ hộp, trái cây, xác cua ghẹ, bịch bóng, nói chung là những phế phẩm ăn uống của các du khách thải ra khi đi tắm biển. Còn rác thiên nhiên là rác từ các nơi khác tấp về như xác động vật chết thối, rong biển, dầu hắc từ các dàn khoan trôi dạt vào bờ. Cùng với 3 đồng nghiệp phụ trách việc dọn rác trên chiều dài 3 km từ dốc Đèn xanh đến bến tàu cánh ngầm, chị Lê Thị Nhung gắn bó với nghề dọn rác trên biển hơn 13 năm nay. " Nhặt rác cho vào cần xé là một chuyện, cái cực nhất là khiêng cần xé nặng trịch, qua các bãi đá gập ghềnh, bám rong rêu trơn trượt mất rất nhiều sức, thậm chí nếu không cẩn thận thì rất dễ ngã. Với rác thiên nhiên, tụi em ớn nhất là dầu hắc, trời nắng, dầu chảy ra dùng tay vớt nên dính bê bết vào người rất khó chịu", chị tâm sự.

 

Không như những đồng nghiệp làm việc trên bờ, họ - những công nhân vệ sinh biển như chị Nga, chị Lan, anh Chính, phải kiêm luôn vai trò của những nhân viên bốc vác. "Mùa mưa, nước lũ từ trên nguồn đổ xuống, rác chất đống thành từng bè kéo nặng vô cùng. Từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4, rong biển từ ngoài khơi tấp về từng đống như núi, kéo lên không nổi, tôi phải cầu cứu đến công ty cho xe tải ra cẩu... Nhặt rác xong rồi, phải đẩy rác đến bãi tập kết rác những 7 cây số?", anh Chinh cho biết.

 

Cũng theo những lời anh Chính nói thì việc các anh, chị bị đổ máu vì mưa, khiêng nặng lại phải leo dốc trơn trượt nên té, trầy xước là chuyện hàng ngày. "Mình đàn ông chẳng sao, chỉ thương mấy chị em bị thế này, còn gì là chân tay nữa".

 

Mặc dù UBND TP. Vũng Tàu đã có quy định về vệ sinh môi trường biển nhưng xem ra việc chấp hành quy định của mọi đơn vị cá nhân, kinh doanh và du khách còn bị bỏ ngỏ.

 

Nhưng những chuyện rác ngập bờ biển không phải là vấn đề gì lớn với các công nhân bãi biển. Họ chỉ "ớn" khi dính phải bơm kim vứt bừa bãi. Về đêm, bờ biển Vũng Tàu với nhiều chỗ tối om, hoang vắng và nhiều bụi cây kín đáo quả là bãi đáp lý tưởng cho những con nghiện ma túy tiêm chích. Để rồi sáng ra, các anh, các chị có thể gom lại cả bịch to tướng. "Có nhiều ống còn lẫn máu tươi. Hôm nào nhiều thì cũng cả cân. Tụi em ít nhiều đều bị kim đâm vào chân tay. Kim tiêm lẫn vào rác, vào những dề rau muống biển... Mình dùng tay vớt hốt và bị "lãnh đạn" ngay" chị Hồng kể.

 

Còn đó những trăn trở, tâm sự của những công nhân vệ sinh trên bờ biển.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường