Quảng Nam: Phát triển kinh tế thông qua du lịch và hàng thủ công mỹ nghệ

Cập nhật: 22/10/2018
Quảng Nam là một trong những địa phương triển khai nhiều dự án phát triển bền vững với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, phát triển du lịch, hướng đến tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Sản phẩm gốm Thanh Hà, Hội An

Tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp với Ban hợp tác quốc tế thành phố Minaniboso, Nhật Bản tổ chức tọa đàm về Dự án “Phát triển kinh tế địa phương thông qua du lịch và hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống” tại TP. Hội An.

Đây là hoạt động nhằm chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn giữa các chuyên gia đầu ngành đến từ Nhật Bản và các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề mỹ nghệ của tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ các làng nghề Quảng Nam phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống thông qua các hoạt động: Hỗ trợ thiết kế và cải tạo một số cửa hàng giới thiệu các sản phẩm của nghệ nhân; nâng cao năng lực của các nghệ nhân thông qua các buổi hội thảo, tập huấn hướng tới sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng với nhu cầu của khách du lịch.

Cùng với đó, thành phố Minamiboso, tỉnh Chiba (Nhật Bản) thực hiện phát triển kênh bán hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống thông qua liên kết giữa địa phương với sản phẩm và du lịch - Mở rộng và phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Quảng Nam.

Quảng Nam hiện có nhiều làng nghề thủ công truyền thống với hàng trăm cơ sở sản xuất. Trong đó, nhiều nhất là loại hình sản xuất đèn lồng Hội An với trên 50 cơ sở, sản xuất trầm hương tại Nông Sơn với khoảng 50 cơ sở, gốm Thanh Hà (Hội An) với 20 cơ sở, đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn) có 18 cơ sở.

Sản phẩm đúc đồng của làng nghề Phước Kiều, Điện Bàn (Quảng Nam)

Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở đều có quy mô khiêm tốn, chủ yếu là hộ gia đình hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn trong việc huy động các nguồn lực để mở rộng sản xuất cũng như khâu tiêu thụ sản phẩm.

Chính vì vậy, Quảng Nam cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lý cho các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ truyền thống, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, từng bước nâng cao về chất lượng, đa dạng các sản phẩm làm ra.   

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đến từ Nhật Bản đã nhấn mạnh một số vấn đề về phát triển kinh tế địa phương thông qua du lịch và hàng thủ công mỹ nghệ như: “Phát huy kỹ thuật thủ công truyền thống để tạo ra những sản phẩm bán được”; “Thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương bền vững bằng cách phát triển du lịch bền vững”.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cũng đã chia sẻ một số kinh nghiệm được nghiên cứu, đúc kết từ môi trường hoạt động thực tiễn tại Nhật Bản như: hợp tác tạo ý tưởng và đưa ý tưởng vào sản phẩm; triệt để loại bỏ các yêu tố ngoại lai nhằm tạo môi trường du lịch dễ chịu một cách toàn diện.

Ngọc Khánh

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn