Du lịch phát huy giá trị của di sản văn hóa ở Phú Yên

Cập nhật: 09/11/2018
Di sản văn hóa – Tài nguyên du lịch Hiện tại Phú Yên có gần 600 di tích gồm nhiều loại hình như: Di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật, đình, chùa, nhà thờ, lăng, miếu, dinh, lẫm.

Trong đó có 22 di tích, danh thắng quốc gia, 48 di tích, danh thắng cấp tỉnh. Cùng với hệ thống di sản văn hóa vật thể, Phú Yên còn bảo tồn và phát huy được nhiều di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình đa dạng, phong phú như: Lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca dân vũ; đặc biệt Lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển; nghệ thuật Bài chòi; nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chinh năm của đồng bào dân tộc Chăm, Bana ở miền núi Phú Yên được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại góp phần khẳng định bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng ở Phú Yên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Phú Yên còn có các lễ hội liên quan đến danh nhân lịch sử (Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương, Trần Phú), các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng… Về cảnh quan thiên nhiên, Phú Yên sở hữu nhiều bãi biển rộng lớn, nước trong xanh, bờ cát mịn trải dài gần 200 km bờ biển, gắn với nhiều đầm, vịnh cảnh quan thiên nhiên đẹp, nổi bật nét kiến tạo địa chất độc đáo như gành Đá Đĩa, Hòn Yến, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, Bãi Xép, Bãi Môn –Mũi Điện, Vũng Rô, núi Đá Bia, Hòn Nưa. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, Phú Yên có nhiều đặc sản văn hóa ẩm thực như Sò huyết Ô Loan, ốc nhảy, ghẹ đầm Cù Mông, cá ngừ, bánh tráng lòng heo Hòa Đa, bò một nắng, các sản vật tôm, mực, cá miền biển và nước ngọt có vai trò quan trọng trong việc tạo dấu ấn đối với khách du lịch.

Lễ hội Cầu Ngư

Du lịch phát huy giá trị di sản văn hóa

Với Phú Yên, từ sau đại lễ kỷ niệm 400 năm hình thành và phát triển đến nay (1611- 2011) du lịch Phú Yên có bước chuyển biến vượt bậc, thể hiện từ nhận thức đến các việc làm cụ thể; các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, mục đích, ý nghĩa của các chính sách, quy định liên quan đến phát triển du lịch, giúp các tầng lớp nhân dân địa phương nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng môi trường du lịch thân thiện, hiếu khách, có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, danh thắng góp phần phát triển du lịch bền vững. Các địa phương đều tập trung triển khai thi công mới, sửa chữa một số kết cấu hạ tầng quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển du lịch theo hướng bền vững…

Đến tháng 11 năm 2018, toàn tỉnh có 150 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, tăng 12 cơ sở so với năm 2017; trong đó có 02 khách sạn 5 sao, 02 khách sạn 4 sao, 03 khách sạn 3 sao, 05 khách sạn 2 sao, 50 khách sạn 1 sao, 60 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn kinh doanh du lịch; 01 homestay đạt chuẩn phục vụ khách du lịch và một số cơ sở lưu trú đang làm thủ tục đăng ký thẩm định công nhận loại hạng theo quy định. Tổng số buồng lưu trú du lịch hiện có là: 3.134 buồng, tăng 8,3% so với năm 2017, trong đó có khoảng 658 buồng đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao. Tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch là 3.785 người. Trao đổi về những khởi sắc trong ngành Du lịch ở Phú Yên, ông Hồ Văn Tiến – Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: năm 2018, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên ước khoảng 1.609.000 lượt khách, đạt 111% so kế hoạch, tăng 14,6% so với năm 2017, trong đó có 41.005 lượt khách quốc tế, đạt 97,6% so kế hoạch, tăng 15,5% so với năm 2017. Công suất sử dụng buồng đạt 62%. Doanh thu du lịch ước đạt 1.556 tỷ đồng, đạt 100,4% kế hoạch, tăng 25% so với năm 2017, trong đó doanh thu lưu trú ước đạt 244,62 tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2017. Tổng lượt khách tham quan di tích thắng cảnh quốc gia gành Đá Đĩa và Bãi Môn – Mũi Điện là: 555.000 lượt, tăng 33,7% so với năm 2017, trong đó có 145.000 lượt khách quốc tế; doanh thu bán vé khoảng 8,5 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2017. Sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Phú Yên.

Lễ hội Bài Chòi

Khai thác tiềm năng, thế mạnh các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, từng bước hình thành cơ bản về tuyến, điểm du lịch các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra nhiều di tích lịch sử-văn hóa đã được trùng tu, tôn tạo đang phát huy giá trị, trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách. Huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển du lịch. Thời gian qua xã hội hoá hoạt động du lịch ở Phú Yên bước đầu đạt được một số kết quả. Một số doanh nghiệp, doanh nhân và người dân đầu tư vào xây dựng các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống (nhà nghỉ, nhà hàng) phục vụ khách du lịch...Tiêu biểu như Khu du lịch sinh thái Sao Việt, được ví như cánh chim đầu đàn trong đầu tư phát triển du lịch từ nguồn lực của doanh nghiệp, cũng có một vai trò quan trọng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Có thể thấy du lịch phát huy giá trị di sản văn hóa và xây dựng tình hữu nghị giữa con người với con người không chỉ trong một địa phương hẹp hay một quốc gia dân tộc mà là cả nhân loại. Với ý nghĩa đó, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan và đầy đủ để xây dựng định hướng khai thác có hiệu quả các gía trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch và xây dựng các chính sách phù hợp để du lịch có thể có những đóng góp tích cực và trách nhiệm nhất cho hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Phú Yên.

ThS. Nguyễn Hoài Sơn

Nguồn: Báo Du lịch