Đà Nẵng: Gỡ khó cho du lịch tàu biển

Cập nhật: 06/12/2018
Đà Nẵng đang có nhiều lợi thế và tài nguyên sẵn có để khai thác du lịch tàu biển. Đặc biệt, Đà Nẵng vừa được Chính phủ đồng ý tách cảng Tiên Sa để trở thành cảng du lịch chuyên nghiệp trong tương lai. Đây là cơ hội để Đà Nẵng đón được nhiều tàu du lịch lớn và góp phần vào điểm cảng du lịch chính trong lộ trình tàu biển khu vực châu Á.

Mỗi chuyến tàu du lịch 5 sao mang theo hàng ngàn lượt du khách đến Đà Nẵng

Điểm đến hấp dẫn của khách tàu biển

Bà Trương Thị Thu Hương- Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam) cho biết: Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành điểm đến thu hút được khách du lịch tàu biển. Hầu hết các tuyến tàu biển đến Hồng Kông, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và ngược lại đều có thể ghé qua Việt Nam.

Việt Nam đón trung bình khoảng dưới 300.000 lượt khách du lịch tàu biển/năm với gần 500 chuyến tàu cập các cảng, chiếm từ 2,5-3% tổng lượng khách quốc tế; đứng thứ 4 về số lượng tàu cập cảng trong khu vực (năm 2018 đón 493 chuyến). Các cảng thường xuyên đón khách tàu biển là cảng Hòn Gai, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Vũng Tàu...

Cảng nước sâu Đà Nẵng được hình thành từ thế kỷ 19 đã dần trở nên quen thuộc với các hãng hàng hải quốc tế. Cảng nằm liền kề trung tâm thành phố, thuận tiện đến các điểm tham quan du lịch của thành phố cũng như các di sản thế giới Huế, Hội An, Mỹ Sơn. Tự nhiên ban cho Đà Nẵng đường bờ biển dài với những bãi biển đẹp, đó là điều kiện không thể thuận lợi hơn để Đà Nẵng đón những tàu du lịch sang trọng trên thế giới cập cảng.Đây là những điều kiện rất thuận lợi phát triển mạnh du lịch tàu biển tại Đà Nẵng.

Nằm trên con đường di sản miền Trung, kết nối những địa danh di sản nổi tiếng; Đà Nẵng còn là một thành phố hiện đại, hội tụ đủ mọi loại hình du lịch hấp dẫn, từ du lịch văn hóa đến vui chơi giải trí, từ du lịch đường sông, đường bộ, lên núi hay xuống biển… với hạ tầng phát triển, là địa điểm thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa, lễ hội quốc tế  như pháo hoa; cuộc đua thuyền buồm, thể thao bãi biển…

Đây được xem dòng khách khổng lồ và sang trọng mà Đà Nẵng đang đặt mục tiêu thu hút

Lợi thế văn hóa, tự nhiên, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch chất lượng cao, môi trường sống trong lành, cư dân thân thiện chính là lợi thế đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến lý tưởng cho các đoàn du thuyền sang trọng từ khắp nơi trên thế giới.

Cơ hội cũng là thách thức, bởi mỗi du thuyền cập cảng Tiên Sa thường đưa về cho thành phố từ 2.000 đến vài ngàn du khách. Thế nhưng, tàu du lịch cập cảng Tiên Sa phải neo đậu chung với tàu chở hàng hóa, tạo tâm lý không yên tâm đối với du khách. Bên cạnh đó, cảng chưa có khu vực chuyên biệt để làm thủ tục nhập cảnh, hỗ trợ tìm hiểu thông tin về điểm đến cho du khách… Do đó, để đáp ứng được cùng lúc nhu cầu của dòng khách khổng lồ và sang trọng ấy là một bài toán.

Đánh thức tiềm năng

Vừa qua, Đà Nẵng được Chính phủ đồng ý tách cảng Tiên Sa để trở thành cảng du lịch chuyên nghiệp trong tương lai. Đây là cơ hội để Đà Nẵng đón được nhiều tàu du lịch lớn và góp phần vào điểm cảng du lịch chính trong lộ trình tàu biển khu vực châu Á.

“Chúng ta nên tận dụng cơ hội này kêu gọi các nhà đầu tư đủ năng lực tham gia quy hoạch và phát triển cảng Tiên Sa thành cảng du lịch quốc tế. Nếu cảng Tiên Sa đầu tư đúng chuẩn quốc tế sẽ có nhiều tàu lớn đưa khách tham quan đến Đà Nẵng, thay vì khai thác khoảng 120 chuyến/năm như bây giờ, cảng Tiên Sa có thể đón 365 chuyến/năm hoặc nhiều hơn nữa”- ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Indochina Unique Tourist nhận định.

Đà Nẵng tổ chức đón khách cập cảng Tiên Sa, ghé thăm thành phố

Ông Trần Lực- Phó giám đốc SaigonTourists Đà Nẵng thì cho rằng: Để tăng tính cạnh tranh với các điểm đến khác, TP cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch tàu biển; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc xây dựng cảng chuyên dùng cho các tàu du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm tour; nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ dành cho khách tàu biển; thường xuyên cải thiện chính sách, thủ tục nhập cảnh thông thoáng hơn cùng với các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn đối với các đoàn khách tàu biển lớn; đặc biệt là quản lý môi trường biển, bảo vệ và tôn tạo các khu du lịch sinh thái…

Ông Nguyễn Xuân Bình- Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, thời gian tới TP sẽ tìm những giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển du lịch tàu biển. Đồng thời kêu gọi đầu tư hình thành các dịch vụ phục vụ khách đạt tiêu chuẩn quốc tế tại cảng như nhà chờ, lưu niệm, ẩm thực, nghệ thuật....

Thành phố sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến du lịch đến khách thị trường tàu biển thế giới thông qua các hãng tàu, các hội chợ, hội nghị chuyên đề; đồng thời nghiên cứu các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành để kết nối với các hãng tàu nhằm khai thác nguồn khách trên toàn thế giới; hỗ trợ để các hãng tàu thuận lợi trong việc làm thủ tục cập cảng; khảo sát thị trường nhằm đưa ra những sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của từng thị trường khách và phù hợp với chương trình tour dành cho khách du lịch tàu biển.

Bên cạnh các sản phẩm du lịch hiện có, TP sẽ khôi phục một số làng nghề truyền thống như làng chiếu Cẩm Nê, làng tre Tân Hạnh, làng nghề nước mắm Nam Ô,.. và đưa các sản phẩm du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm phong tục tập quán, văn hóa địa phương, vùng miền thu hút khách quốc tế, nhất là thị trường khách Âu, Bắc Mỹ.

Lan Anh

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn