Thừa Thiên Huế: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường

Cập nhật: 19/12/2018
Thời gian qua, ngành du lịch tại Cố đô Huế đã và đang nổ lực phát triển trên mọi phương diện. Nhưng để phát triển du lịch theo hướng bền vững cần có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường là yêu cầu cấp thiết đang được Huế thực hiện tốt...

Môi trường du lịch “sạch”

Theo ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, trong bối cảnh hiện nay, du lịch không những là ngành kinh tế quan trọng mà còn là cầu nối giao lưu giữa các dân tộc, các nền văn hóa. Tuy nhiên, theo nhận định của tổ chức Du lịch Thế giới - Liên Hiệp quốc (UNWTO), du lịch vừa là tác nhân lại vừa là nạn nhân của biến đổi khí hậu, các điểm đến luôn chịu những tác động, ảnh hưởng xấu từ hoạt động du lịch nếu không có giải pháp khắc phục.

Thời gian qua, du lịch có trách nhiệm ở Huế đã và đang được đẩy mạnh. Ngành đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trong du lịch; trong đó có những quy tắc đề cao tính trách nhiệm của du khách trong việc tôn trọng văn hóa Huế, bảo vệ môi trường tại các điểm đến… Về người dân, có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách có trải nghiệm tốt nhất khi đến Huế, không đeo bám, chèo kéo khách.

Huế được xem là một trong ít điểm đến xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Sở Du lịch thông tin, nhiều hoạt động làm sạch môi trường, kêu gọi những thành phần cùng tham gia tích cực hơn, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường được ngành phối hợp với các bên liên quan tổ chức. Gần đây nhất, hoạt động nhặt rác “Cảm ơn dòng Hương” là động thái thể hiện mục tiêu đó. Chương trình này nhận được sự hưởng ứng của nhiều người dân cho đến những doanh nghiệp, giới khách sạn - lữ hành...

“Mỗi lần đến Huế tôi thấy ở đây mang tính thân thiện và an toàn rất cao, ai ai cũng nhiệt tình. Môi trường du lịch cũng rất ổn, cũng sạch sẽ lắm. Đây là thế mạnh mà du lịch Huế phải phát huy…”- anh Hoàng Thế Hà (du khách Hà Nội) chia sẻ.

Ông Trần Quang Hào- Giám đốc Huetourist cho hay, tại homestay Lương Quán (phường Thủy Biều, TP. Huế) mà công ty đang khai thác, năng lượng phục vụ cho các hoạt động của du khách đều là năng lượng tự nhiên. “Định hướng của công ty trong tương lai sẽ tăng cường sử dụng năng lượng sạch, điều này sẽ làm cho du khách hài lòng hơn khi sử dụng dịch vụ, bởi đây đang dần trở thành xu hướng”- ông Hào nói.

Nhặt rác bảo vệ môi trường ở ven sông Hương

Lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế nhìn nhận, với sự phát triển của du lịch, tính trách nhiệm sẽ quyết định sự bền vững cho mỗi điểm đến. Để tăng tính trách nhiệm trong hoạt đông du lịch là điều không dễ. Chẳng hạn như với du khách, đa số rất có ý thức đối với điểm đến, nhưng vẫn có một số làm ảnh hưởng đến di tích, môi trường…

Để tăng tính trách nhiệm, ngoài những sản phẩm truyền thống, Huế cần có những hoạt động mang tính trách nhiệm, như làm sạch môi trường, tham gia những tour thiện nguyện, tăng tính trách nhiệm đối với điểm đến. Mới đây, Viện Quản lý và Phát triển châu Á tiến hành thí điểm các mô hình du lịch sinh thái ở một số địa phương của Huế. Mục tiêu là tăng tính trách nhiệm của du lịch, phát triển mô hình du lịch cộng đồng, từ đó, nâng cao đời sống của người dân thông qua phát triển du lịch. Điều này sẽ giúp những mô hình du lịch sinh thái ở Huế hoạt động bài bản hơn, tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế xã hội của các địa phương.

Mạnh tay xử lý

Theo Thanh tra Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, kể từ khi bộ quy chế “phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch” được triển khai (7/2017), những hành vi vi phạm, sự vụ, sự việc liên quan đến lĩnh vực du lịch được phối hợp xử lý chặt chẽ, kịp thời hơn; nhất là những sự việc liên quan đến môi trường du lịch, làm ảnh hưởng đến hình ảnh thân thiện của Huế.

Ông Nguyễn Thái Hòa - Chánh Thanh tra Sở Du lịch cho biết, năm vừa qua, ngành công an và du lịch đã phối hợp kiểm tra 112 đợt đối với 468 lượt cá nhân, doanh nghiệp du lịch; trong đó, lập biên bản vi phạm hành chính với 41 trường hợp, ra 15 quyết định xử phạt hành chính với 44 triệu đồng. 

Xích lô trên đường phố Huế- một hình ảnh du lịch thân thiện ở Cố đô

“Trong năm qua, nổi lên hai sự việc làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Huế là trường hợp tài xế xích lô đã lấy hai du khách 1,5 triệu đồng khi chỉ chở 1 tiếng đồng hồ quanh TP. Huế và một tài xế taxi chở khách từ sân bay Phú Bài lên Huế lấy 2,5 triệu đồng. Sau khi nhận phản ánh, với sự phối hợp giữa các bên đã nhanh chóng tìm ra hai tài xế, kịp thời trả lại tiền và yêu cầu xin lỗi du khách”- ông Hòa cho hay.

Cũng trong năm 2018 xảy ra vụ việc rất nghiệm trọng khi xuất hiện các đối tượng mua bán, làm giả vé tham quan Đại Nội, các lăng Khải Định, Tự Đức, Minh Mạng với số lượng lớn. Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an tỉnh phối hợp với Sở Du lịch, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẩn trương điều tra và đã bắt, bàn giao 3 đối tượng (trú tại TP. Đà Nẵng), cùng nhiều tang vật, công cụ, phương tiện mà các đối tượng sử dụng để làm giả vé tham quan… cho Công an TP. Đà Nẵng tiếp tục xử lý.

Ông Lê Hữu Minh - Quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế nhận định, thời gian qua, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lý du lịch có sự chuyển biến tích cực. Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng ý thức hơn, nâng cao tinh thần cảnh giác với các âm mưu, hoạt động lợi dụng du lịch để hoạt động phức tạp về an ninh, trật tự. Nhờ thế, môi trường du lịch được cải thiện, tình trạng chèo kéo, đeo bám khách du lịch tại các điểm tham quan, khu di tích được hạn chế…

Trong năm nay, ngành du lịch Thừa Thiên Huế phấn đấu đạt khoảng 4- 4,2 triệu lượt khách, tăng khoảng 10-12% so với năm 2017 (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40% - 45%); khách lưu trú đạt khoảng 2,1- 2,2 triệu lượt, tăng khoảng 13-19% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch dự kiến tăng khoảng 15-16% so với cùng kỳ.

Văn Dinh

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn