Du lịch sinh thái: Lợi nhuận song hành cùng lợi ích môi trường

Cập nhật: 04/11/2008
Khi cầm trên tay một cuốn tạp chí du lịch, bạn có thể sửng sốt trước cảnh hoàng hôn trên trảng cát ở Đông Nam Á, những đàn linh dương của châu Phi hay vẻ lộng lẫy của dải đá ngầm ở Ca-ri-bê.

Nhưng bí mật của ngành du lịch mà những cuốn tạp chí không bao giờ đề cập đến chính là cái giá mà môi trường phải trả cho những chuyến đi của bạn.

Bãi biển ở Thái Lan đã từng là nơi ”trú ngụ” của những cây đước tuyệt đẹp nhưng giờ chúng đã bị chặt hết để lấy chỗ xây khu khách sạn.

Để phục vụ nước nóng và một bữa ăn ngon cho du khách, nhiều nhà nghỉ ở Serengeti có thể phải lấy nước từ những nguồn nước quý hiếm và xả hàng đống rác thải mỗi ngày.

Khi du khách đến vùng Ca-ri-bê xinh đẹp bằng máy bay để thưởng ngọan và nghỉ ngơi thì đã góp phần gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu và gián tiếp làm suy thoái các dải san hô vì máy bay đã thải ra hàng tấn chất thải cacbon độc hại.

Hướng đến du lịch sinh thái

Ngày nay, du khách có xu hướng muốn được gần gũi với thiên nhiên, được chiêm ngưỡng cảnh đẹp tự nhiên kỳ vĩ cùng những động vật hoang dã quý hiếm và được giao lưu, hòa mình với những nền văn hóa xa xôi, biệt lập của các cộng đồng - người ta gọi đó là du lịch sinh thái.

Mỗi năm có khoảng 70 triệu du khách viếng thăm những địa điểm được coi là du lịch sinh thái.

Theo Hiệp hội du lịch sinh thái quốc tế (TIES), nhu cầu du lịch sinh thái trên toàn cầu đã tăng từ 20 đến 34% mỗi năm kể từ năm 1990, riêng năm 2004, du lịch sinh thái đã tăng 3 lần so với ngành du lịch nói chung. Và khách tham gia vào du lịch sinh thái thường có độ tuổi trên 40, có kinh nghiệm cũng như có mức thu nhập cao.

Có rất nhiều hoạt động lớn nhỏ từ quy mô cá nhân đến tập thể, cũng như nguồn lợi nhuận khác nhau đem lại cho họ từ du lịch sinh thái. Chẳng hạn, du khách có thể được tận mắt chứng kiến cuộc sống của những con tinh tinh trong khu rừng già ở châu Phi. Còn các công viên quốc gia ở Nam Phi đã dùng tiền thu được từ du khách để duy trì và kiểm soát việc bảo tồn được tốt hơn.

Hiệu quả sử dụng năng lượng, bảo tồn tài nguyên nước, vận tải và các nguồn năng lượng tái tạo là một nét đặc trưng của du lịch sinh thái. Ví dụ như việc yêu cầu du khách “thân thiện với môi trường” tại một số địa điểm du lịch sinh thái bằng cách tái sử dụng lại khăn tắm của họ, tuy điều đó chưa đủ nhưng dù sao nó cũng đã giảm thiểu nhiều áp lực lên môi trường. Chúng ta cần đẩy mạnh tiêu chí tiết kiệm và thân thiện với môi trường” hơn nữa. Các khách sạn, nhà nghỉ phải phục vụ nhà vệ sinh tự hoại, dịch vụ cho thuê xe đạp cần được phát triển nhân rộng, nước nóng đun bằng năng lượng mặt trời và điện năng lượng mặt trời, hệ thống đèn và điều hoà thông minh cần được áp dụng triệt để tại những địa điểm được coi là du lịch sinh thái.

Một điểm thuyết phục của du lịch sinh thái là “đền bù” cacbon để bồi thường cho sự ô nhiễm gây ra trong kì nghỉ của du khách. “Đền bù” cacbon là kế hoạch mà trong đó những người gây ô nhiễm mua từ một dự án khác, dự án này sẽ đền bù cho lượng CO2 thải ra trong chuyến đi của họ. Ví dụ, cứ bay được 10.000 km máy bay thải ra khoảng 1,5 tấn CO2. Một “sự đền bù” cacbon tương đương với khối lượng này, chẳng hạn như trồng cây hoặc đầu tư vào những nguồn năng lượng sạch hơn ở các nước nhiệt đới nghèo.

Cũng có nhiều nghi ngại xung quanh vấn đề du lịch sinh thái vì người ta cho rằng nó có thể bị khai thác quá nhiều, những dự án đội mác du lịch sinh thái thực sự phá hủy môi trường và bào mòn nền văn hóa.

Theo một nhóm doanh nghiệp về du lịch ở Anh, trên thế giới hiện có hơn 400 dự án được chứng nhận về du lịch sinh thái nhưng rất nhiều dự án được coi là tốt là nhờ các chiến dịch quảng cáo. Ví như khi du khách cắm trại ở đâu đó của Zambia (nơi được gọi là dự án du lịch sinh thái) thì sẽ thấy một nhà vệ sinh bằng sứ đặt bên trong!

Nhưng hiện nay, chưa có một định nghĩa hay khái niệm về du lịch sinh thái được cho là hòan hảo và áp dụng triệt để trên thế giới. Các nhà bảo tồn thiên thiên cùng với cơ quan Liên hiệp quốc và các tổ chức phi lợi nhuận đang nỗ lực làm việc đó.

“Du lịch không bao giờ bị lãng quên, quan trọng là ta phải làm cho nó hòa hợp với môi trường. Bạn sẽ chấp nhận một ngành du lịch rẻ tiền, đông khách và phá hủy môi trường hay bạn sẽ cố gắng thay đổi nó. Du lịch sinh thái đem lại nhiều hy vọng mới cho bộ mặt của ngành du lịch nói chung.

Nguồn: Thiênnhiên.net