Hướng đến các thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải ở vùng ven biển phía bắc Việt Nam

Cập nhật: 26/03/2019
Cùng với Mạng lưới hành động vì rác thải nhựa, dự án “Hướng đến các thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải ở khu vực ven biển phía Bắc Việt Nam” được triển khai để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên biển tại Quần đảo Cát Bà và Vịnh Hạ Long.

Dự án được thực hiện trong vòng 2 năm tại Quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng và Vịnh Hạ Long, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Theo GREENHUB – Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh, mục tiêu chính của dự án là giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên biển tại Quần đảo Cát Bà và Vịnh Hạ Long. Mục tiêu này sẽ đạt được thông qua sự hợp tác của các bên nhằm tăng cường hiệu quả quản lý rác thải trong các ngành nuôi trồng và đánh bắt thủy sản quan trọng trong khu vực.

Rác thải gây sức ép lớn với môi trường Vịnh Hạ Long. Ảnh minh họa

Với nuôi trồng thủy sản, giải pháp nằm ở sự đổi mới công nghệ. Do vậy, dự án hướng tới hạn chế nguồn rác phao xốp gây ô nhiễm chính ở Quần đảo Cát Bà và Vịnh Hạ Long thông qua nghiên cứu và thí điểm các giải pháp thân thiện môi trường cho vấn đề rác phao xốp trong các công trình nổi ở các khu nuôi thuỷ sản lồng bè. Đối với ngư dân, ngư dân Hạ Long sẽ được đào tạo và hỗ trợ thực hiện các biện pháp giảm thiểu và quản lý rác thải tốt nhất; đào tạo về việc loại bỏ chất thải.

Đáng chú ý, một chiến dịch nâng cao nhận thức về ô nhiễm rác thải nhựa, và các cuộc khảo sát về rác thải biển sẽ hỗ trợ dự án tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc giảm ô nhiễm nhựa trên. Chính quyền địa phương tại Cát Bà và Vịnh Hạ Long cũng sẽ tham gia dự án trong việc thúc đẩy thực hiện kế hoạch hành động để giảm rác thải biển trên địa bàn.

Kết quả của dự án “Hướng đến các thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải ở khu vực ven biển phía Bắc Việt Nam” sẽ bổ sung vào các kết quả của một cuộc khảo sát trước đây được thực hiện tại Quần đảo Cát Bà. Qua đó, hỗ trợ dự án trong việc tìm hiểu các giải pháp thân thiện môi trường ở các khu nuôi lồng bè, khảo sát số lượng xốp được sử dụng và xác định các nhu cầu của ngư dân để làm cơ sở cho dự án thí điểm.

Đồng thời, xây dựng và thực hiện chiến dịch truyền thông để thu hút sự tham gia của các hộ nuôi thủy sản lồng bè tại địa phương. Chiến dịch truyền thông cung cấp thông tin về các giải pháp thân thiện với môi trường và vấn đề rác thải biển.

Hướng đến việc giải quyết vấn đề rác thải xốp từ các cơ sở nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè.
 Ảnh minh họa

Đặc biệt, dự án tiến hành xác định các khu nuôi phù hợp dựa trên giải pháp công nghệ, phương pháp nuôi, các lĩnh vực ưu tiên được xác định trong các kế hoạch hành động của chính quyền địa phương, sự sẵn sàng của ngư dân, và những vật liệu nào hiện đang được sử dụng trong các khu để làm phao nổi.

Có ít nhất 2 sự kiện làm sạch bờ biển sẽ được thực hiện trong suốt dự án; 2 hội thảo với chính quyền địa phương được tổ chức để tìm hiểu những thách thức trong quản lý rác thải và thực hiện các quy định về môi trường (đặc biệt là hạn chế sử dụng phao xốp) trong khu vực.

Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh cho rằng, với kết quả mang lại, dự án sẽ tạo nền tảng cho các nỗ lực thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải tại khu vực đô thị Hạ Long - Cát Bà - Hải Phòng, lớn thứ ba ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, vấn đề rác thải xốp từ các cơ sở nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè sẽ được giải quyết thông qua việc thí điểm các giải pháp thay thế, thân thiện môi trường. Mặt khác, nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về vấn đề rác thải biển và trang bị cho người dân kiến thức cần thiết để đưa các thực hành quản lý và giảm thiểu rác thải bền vững vào hoạt động của họ.

Tuyết Chinh

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn