Xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến mang tầm thế giới

Cập nhật: 16/04/2019
Thành phố Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch với lợi thế về cảng biển và sân bay quốc tế, cửa ngõ đi và đến các di sản thế giới ở miền Trung.

Tiếp nối những thành tựu đã đạt được, thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực tập trung phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần của Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị biển.

Đồng thời, Đà Nẵng liên kết với các tỉnh, thành phố trong khu vực xây dựng thành điểm đến du lịch mang tầm thế giới.

Điểm đến an toàn và thân thiện

Thành phố Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Với lợi thế về cảng biển và sân bay quốc tế, cửa ngõ đi và đến các di sản thế giới ở miền Trung, cùng với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, các bãi tắm đẹp, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch khá đồng bộ, môi trường du lịch được đảm bảo, Đà Nẵng đã và đang trở thành điểm đến an toàn, thân thiện của du khách.

Đà Nẵng còn biết đến với những cây cầu xinh đẹp như cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý... Đồng thời, thành phố có vị trí địa lý thuận lợi, phía Bắc được thiên nhiên bao bọc bởi núi cao với đèo Hải Vân được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan;” phía Tây là Khu Du lịch Bà Nà Hills - một trong những điểm có tiềm năng hút khách du lịch rất lớn; phía Đông Bắc là bán đảo Sơn Trà với nhiều điểm đến ấn tượng mà du khách không thể bỏ qua như chùa Linh Ứng, đỉnh Bàn Cờ... cùng các bãi tắm biển đẹp trải dài từ bán đảo Sơn Trà đến Non Nước; phía Đông Nam là danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Đà Nẵng còn có hệ thống các thiết chế văn hóa nổi tiếng như Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ Thuật, Nhà thờ Con Gà... thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan về nét văn hóa miền Trung Việt Nam.

Các sản phẩm du lịch của Đà Nẵng ngày càng đa dạng và nâng cao về chất lượng, nhiều khu, điểm tham quan du lịch được bổ sung phục vụ du khách như Khu làng Pháp, Fantasy Park của Khu du lịch Bà Nà Hills; suối khoáng nóng núi Thần Tài, khu giải trí Helio Center...

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết thành phố đã tổ chức thành công nhiều lễ hội mang tầm cỡ quốc tế như Lễ hội pháo hoa quốc tế, Hội chợ Du lịch quốc tế về nghỉ dưỡng biển và M.I.C.E, Lễ hội Cocofest 2016, Cuộc thi Marathon quốc tế, Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race, Cuộc thi Iron Man 70.3 Việt Nam... Qua đó, thương hiệu điểm đến du lịch Đà Nẵng từng bước được khẳng định.

Sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố, thúc đẩy các ngành, các địa phương cùng vào cuộc tạo đã điều kiện hỗ trợ du lịch phát triển; nâng cao nhận thức người dân thành phố trong việc cùng chung sức phát triển du lịch, gìn giữ môi trường du lịch, tạo hình ảnh du lịch Đà Nẵng thân thiện, mến khách.

Bên cạnh đó, với các cơ chế chính sách hỗ trợ, kêu gọi thu hút được các nhà đầu tư chiến lược..., du lịch Đà Nẵng có những bước phát triển khá nhanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện và nâng cao chất lượng sống cho người dân thành phố.

Số lượng khách đến tham quan du lịch Đà Nẵng có những bước tăng trưởng khá nhanh, năm 2004 đón 649.106 lượt khách, đến năm 2018 đón khoảng 7,66 triệu lượt khách.

Công tác xúc tiến quảng bá du lịch đã được thành phố đầu tư và có sự chuyển biến thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch; quảng bá đến các thị trường quốc tế với quy mô ngày càng tăng về số lượng và chất lượng.

Điểm đến Đà Nẵng đã được nhiều du khách, doanh nghiệp, các tổ chức du lịch, các tạp chí, trang mạng chuyên về du lịch trên thế giới bình chọn và đánh giá cao, với các danh hiệu được bình chọn như tốp 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á (từ năm 2013-2016); tốp 10 điểm đến mới nổi sáng giá nhất thế giới năm 2015.

Đặc biệt, trong tháng 10/2016, thành phố Đà Nẵng nhận được giải thưởng danh giá “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á” của Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards; Khu nghỉ dưỡng Naman Retreat nhận giải thưởng “Khu nghỉ dưỡng retreat hàng đầu châu Á;” Khu nghỉ dưỡng cao cấp Intercontinental Danang Sun Peninsula với các danh hiệu danh giá “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới,” “Khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất châu Á”...

Những danh hiệu đạt được đã góp phần định vị hình ảnh và từng bước khẳng định thương hiệu của du lịch thành phố đến thị trường trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, du lịch Đà Nẵng vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục trong thời gian đến. Đó là quy mô của doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng còn nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, thiếu sản phẩm dịch vụ vui chơi giải trí về đêm và trung tâm thương mại giải trí tập trung quy mô lớn.

Nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp với yêu cầu phát triển nhanh. Môi trường biển có nguy cơ ô nhiễm. Nguy cơ quá tải về khả năng cung ứng của hạ tầng kỹ thuật thành phố (thiếu bãi đỗ xe, xử lý nước thải; ùn tắc giao thông cục bộ...), thiếu cơ chế chính sách và quỹ đất để thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ cũng như nguồn lực để đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch ở nước ngoài...

Liên kết xây dựng điểm đến mang tầm thế giới

Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, cho biết tiếp nối những thành tựu đã đạt được, Đà Nẵng đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, thành phố tập trung phát triển ba trụ cột chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển.

Để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, gìn giữ môi trường du lịch, phát triển du lịch theo hướng bền vững; tuyên truyền và làm chuyển biến hơn nữa nhận thức, tư duy về phát triển du lịch đến các cấp ủy Đảng, sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí động lực của du lịch, xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bên cạnh đó, thành phố tổ chức tập huấn kiến thức về du lịch đến người dân và nhân rộng các điển hình tốt về phát triển du lịch ở địa phương; vận động các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân và du khách tuân thủ và thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch.

Đà Nẵng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch, làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường; bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đặc biệt sớm xử lý nguy cơ ô nhiễm môi trường biển. Đồng thời, thành phố tạo môi trường đầu tư tốt cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ...

Đà Nẵng xúc tiến đầu tư phát triển các cụm dịch vụ du lịch biển, các bãi tắm mới, các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, xem đây là sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới; tiếp tục kêu gọi đầu tư hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái làng quê, làng nghề truyền thống theo hướng kết hợp bảo tồn và khai thác hợp lý tài nguyên du lịch Khu Du lịch Làng Vân, Công viên Đại Dương, Công viên Vườn thú Safari, Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, Hải Vân Quan.

Cùng với đó, Đà Nẵng phát triển du lịch sinh thái phía Tây thành phố và Khu Du lịch quốc gia bán đảo Sơn Trà; đầu tư phát triển các điểm đến dọc các tuyến đường thủy nội địa của thành phố.

Thành phố tiếp tục khai thác có hiệu quả loại hình du lịch công vụ (MICE), tăng các chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng; nâng cao tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức các sự kiện du lịch. Thành phố chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao của Việt Nam và nước ngoài, cơ quan báo chí để đăng cai tổ chức các sự kiện, văn hóa, thể thao, du lịch lớn tại Đà Nẵng...

Ông Lê Phi Hùng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn du lịch vẻ đẹp Á Châu cho biết thực hiện chủ trương phát triển du lịch theo hướng bền vững, doanh nghiệp đang nỗ lực đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch, các nhà cung ứng tạo thành chuỗi liên kết về phát triển sản phẩm, dịch vụ, xúc tiến, quảng bá để tạo sản phẩm đặc trưng, cạnh tranh thu hút khách đến tham quan du lịch Đà Nẵng.

Thành phố Đà Nẵng được nhận định là trung tâm phát triển du lịch của khu vực, các hoạt động liên kết quảng bá du lịch được thực hiện ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả. Các hội chợ chuyên nghiệp trong nước đã được các địa phương chủ động phối hợp tham gia, nhiều chương trình, sản phẩm đã được quảng bá đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Năm 2018, Sở Du lịch Đà Nẵng triển khai tốt và hiệu quả các hoạt động xúc tiến, liên kết với vai trò là trưởng liên kết 4 địa phương (Quảng Nam-Đà Nẵng-Thừa Thiên-Huế-Hà Nội); tham mưu cơ chế chính sách ưu đãi phát triển du lịch (Thừa Thiên-Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam) trình Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu, xúc tiến thành lập văn phòng đại diện du lịch chung của hai địa phương tại các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nga.

Đồng thời, thành phố phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của hai địa phương là du lịch biển và nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và văn hóa, du lịch biển đảo, du lịch đường sông nhằm phát huy lợi thế tài nguyên du lịch hai địa phương.

Đà Nẵng còn chủ động phối hợp trong công tác chấn chỉnh hoạt động lữ hành trái phép, hoạt động hướng dẫn viên là người nước ngoài nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh; phối hợp luân phiên hàng năm tổ chức Festival ẩm thực vùng Thuận-Quảng tại Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng nhằm giới thiệu các đặc sản của địa phương đến người dân và khách du lịch.

Theo ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, để phát phát huy hết tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch, mỗi tỉnh, thành phố phải phát huy hết tiềm lực của mình trên cơ sở phân chia, phân biệt để phát huy hết tiềm du lịch của từng tỉnh, thành, tránh tình trạng cùng cạnh tranh một sản phẩm rồi dẫm chân lên nhau, có những tiềm năng du lịch thì bỏ trống, không khai thác...

Với chủ trương khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia vào chuỗi giá trị du lịch, tích cực liên kết vùng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mình, Đà Nẵng đang đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của thành phố trẻ bên bờ sông Hàn thơ mộng./.

Nguồn: TTXVN