Khai thác du lịch nông nghiệp: Bài 1 - Kinh nghiệm sinh động từ quốc tế

Cập nhật: 03/05/2019
Du lịch và nông nghiệp là hai ngành mũi nhọn được Đảng, Nhà nước ta xác định ưu tiên phát triển trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Ngày nay, du lịch nông nghiệp đang trở thành xu hướng được nhiều du khách yêu thích, lựa chọn. Kinh nghiệm của các nước đi trước trong phát triển du lịch nông nghiệp đều là những bài học thực tiễn quý báu để Việt Nam học hỏi, áp dụng.

Du khách tham gia trải nghiệm hoạt động hái ấu của người nông dân ở khu vực lòng hồ Tân Trung,
huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Du lịch nông nghiệp theo phong cách sống xanh
Mô hình phát triển du lịch nông nghiệp đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện từ nhiều năm trước. Mô hình này đã giúp người nông dân chuyển đổi từ mô hình nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp kết hợp giải trí, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành Nông nghiệp và Du lịch. Nhiều nơi trên thế giới còn tạo ra làn sóng du lịch nông nghiệp, thu hút khách quốc tế tham gia trải nghiệm.

Đài Loan (Trung Quốc) đã thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp từ những năm 1980. Các khu vực du lịch nông nghiệp được xây dựng dựa trên nền tảng cụm kinh tế và các trang trại du lịch tư nhân đã tạo nên làn sóng du lịch nông nghiệp ở Đài Loan.

Theo Hiệp hội phát triển du lịch nông nghiệp Đài Loan, chủ thể của loại hình du lịch nông nghiệp là chăn nuôi, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với các nội dung giáo dục về nông nghiệp, thực phẩm. Các chủ thể này phải trải qua quá trình 6 cấp của doanh nghiệp, kết hợp đa lĩnh vực giải trí du lịch và ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện khả năng cạnh tranh.

Mô hình du lịch nông nghiệp tổng hợp các sản phẩm nông nghiệp (chè, gạo, hoa, trái cây, rau, cá, gia súc) để phát triển thành du lịch nông nghiệp theo chủ đề, thúc đẩy du lịch nông nghiệp trở thành mô hình sống xanh kiểu mẫu, mang giá trị đổi mới nông nghiệp…

Ví dụ điển hình là nông trường chăn nuôi Flying Cow ở thị trấn Thông Tiêu, huyện Miêu Lật, nơi đây có thảo nguyên rộng lớn, du khách có thể trải nghiệm hoạt động vắt sữa bò, cho bê con ăn… Ngoài ra, du khách còn có thể thưởng thức lẩu sữa tươi, nghỉ qua đêm tại khu nhà nghỉ và cảm nhận hương sắc thiên nhiên.

Nông trường Flying Cow đã thu hút đông đảo du khách trong và nước ngoài. Để tiếp tục khai thác nguồn khách hàng, nông trường không ngừng đổi mới, nhập công nghệ làm bánh pudding sữa Hokkaido hấp dẫn và ngon miệng khiến du khách hết sức thích thú.

Các hoạt động trải nghiệm được thiết kế phù hợp theo từng mùa, tận dụng các nguồn tài nguyên tại chỗ, kết hợp nhập công nghệ tiên tiến và các hoạt động phong phú khiến du khách cảm thấy thú vị và mới mẻ, nhờ đó có sức cạnh tranh cao.

Du lịch nông nghiệp ở Đài Loan là mô hình doanh nghiệp đời sống 6 cấp theo phong cách sống xanh (Green Lifestyle). Trong đó, nền tảng cấp 1 là sản xuất nông nghiệp, kết hợp cấp 2 là chế biến, cấp 3 là dịch vụ, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm. Doanh nghiệp cấp 1 là các sản phẩm nông nghiệp có thể bán trực tiếp cho khách du lịch tại khu du lịch nông nghiệp; cấp 2 là sản phẩm đã được chế biến, có giá trị gia tăng cao hơn sản phẩm nông nghiệp cấp 1; cấp 3 là nâng cao giá trị sản phẩm phục vụ con người...

Ủy ban Nông nghiệp và Hiệp hội Du lịch Nông nghiệp Đài Loan đã hợp tác để thúc đẩy du lịch nông nghiệp phát triển, trong đó kết hợp các yếu tố bản sắc văn hóa, chất lượng dịch vụ, thương hiệu địa phương, gia tăng giá trị nông nghiệp để phát triển du lịch nông nghiệp.

Sáng tạo từ giá trị vốn có của địa phương

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch (Tổng cục Du lịch) Vũ Nam chia sẻ: Nhật Bản là một trong những quốc gia công nghiệp phát triển nhưng cũng là một đất nước coi trọng phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Nhật Bản có nhiều sáng tạo trong việc khai thác các giá trị của địa phương và sản phẩm nông nghiệp để phát triển du lịch ở các khu vực nông thôn, miền núi.

Một trong những điển hình đó là thị trấn Yufuin thuộc tỉnh Oita, nằm trên quần đảo Kyushu - Nhật Bản. Tỉnh Oita cũng là địa phương khởi phát phong trào "Ipson Ipin" hay OVOP (mỗi làng một sản phẩm) cách đây gần 40 năm và phong trào này đã lan rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Năm 1971, Yufuin chỉ là một ngôi làng nhỏ trong thung lũng với 100% dân số sống bằng nông nghiệp. Đến nay, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chỉ còn chưa đến 30% và trên 70% lao động còn lại làm việc liên quan đến du lịch và dịch vụ. Yufuin nổi tiếng ở Nhật Bản với hình ảnh một điểm đến của làng quê với cánh đồng lúa vàng, vườn trái cây, tắm Osen và trải nghiệm các sự kiện, lễ hội, ẩm thực địa phương.

Logo "Yufuin Plus" được người dân sáng tạo, gắn trên các sản phẩm thủ công do người dân tự sản xuất như khăn mặt hay những bánh xà phòng thảo dược của địa phương. Để phục vụ khách du lịch, người dân địa phương đã thành lập Hội nghiên cứu và phát triển ẩm thực Yufuin nhằm khôi phục, bảo tồn các món ăn truyền thống của địa phương và các món mới, sử dụng tối đa nguyên liệu là các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Ông Vũ Nam nhấn mạnh: Các sản phẩm du lịch ở Yufuin đều gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp và phong cảnh làng quê: Tour đạp xe thăm đồng và hái cà chua vào buổi sáng; tour du lịch thăm cánh đồng bằng tàu hỏa, chương trình đi xe ngựa thăm làng; chương trình thăm cơ sở sản xuất thủ công đồ gia dụng (bát, đĩa, dĩa, chén…) bằng gỗ của nghệ nhân mộc và trải nghiệm ẩm thực…

Đặc biệt, người dân nơi đây còn tạo ra các giá trị gia tăng từ sản phẩm nông nghiệp, tổ chức các sự kiện, các trải nghiệm độc đáo cho du khách. Trong đó, người dân duy trì Lễ hội thi hét vào tháng 10 xuất phát từ cuộc thi của những người nuôi bò xưa; cho khách trải nghiệm làm đèn đom đón từ cọng rơm... Đối với người dân Yufuin hiện nay, một phương châm được người dân thực hiện là "Sống ở Yufuin cũng như đang đi du lịch - Du lịch đến Yufuin cũng như đang sống ở nhà".

Việt Nam đến nay vẫn là một nước nông nghiệp và phần lớn người dân vẫn sống ở khu vực nông thôn. Văn hóa truyền thống Việt Nam hình thành và phát triển trên cơ sở nền nông nghiệp và văn minh lúa nước, cùng sự đa dạng, phong phú về sản vật tự nhiên.

Do đó, Việt Nam có lợi thế lớn trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, nếu biết cách khai thác một cách có hiệu quả và sáng tạo các lợi thế này. Nông nghiệp và nông thôn Nhật Bản cũng được hình thành và phát triển dựa trên những điều kiện tự nhiên tương tự Việt Nam. Do đó, một số kinh nghiệm Việt Nam có thể học được từ mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Yufuin

Nguồn: TTXVN