Lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường

Cập nhật: 19/06/2019
Mỗi người bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đơn giản hàng ngày đều có thể góp phần hạn chế ô nhiễm không khí, hạn chế rác thải, gìn giữ môi trường sống của chính mình và cộng đồng.

Siêu thị Big C gói sản phẩm nông sản bằng lá chuối tươi để hạn chế rác thải nhựa.
(Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Bảo vệ môi trường là vấn đề cấp thiết không riêng của một quốc gia, chính phủ, tổ chức hay một cá nhân nào.

Mỗi người bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đơn giản hằng ngày đều có thể góp phần hạn chế ô nhiễm không khí, hạn chế rác thải, gìn giữ môi trường sống của chính mình và cộng đồng.

Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức

Năm 2019, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã đưa ra chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) là “Ô nhiễm không khí” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.

Còn tại Việt Nam, chuỗi các sự kiện nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới, Tháng Hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới năm 2019 được phát động và nhận được sự hưởng ứng, vào cuộc tích cực của nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị cùng người dân.

Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) - một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực môi trường ở Việt Nam phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm chuyên đề về môi trường tại Tòa nhà Đức, một số trường Đại học và Trung tâm truyền thông, giáo dục sức khỏe ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Triển lãm nhằm mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề ô nhiễm không khí đô thị, từ đó kêu gọi cộng đồng lên tiếng và hành động để giảm thiểu ô nhiễm, hướng đến một bầu trời trong lành hơn.

Theo chị Nguyễn Cát Tường, quản lý dự án của Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển, những bức ảnh trưng bày, giới thiệu tại triển lãm được chọn từ cuộc thi nhiếp ảnh “Bắt nét không khí, phơi màu ô nhiễm” do trung tâm phát động trước đó với mong muốn khuyến khích, thúc đẩy việc gìn giữ, bảo vệ môi trường thông qua giáo dục và truyền thông sáng tạo, thay đổi thói quen, truyền cảm hứng để cộng đồng cùng hành động.

Triển lãm này cũng là một trong những hoạt động nằm trong chiến dịch truyền thông “Không khí sạch, bầu trời xanh” của Trung tâm.

Trong khuôn khổ chiến dịch, Trung tâm còn tổ chức hội thảo với sự tham gia vủa các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, các nhà quản lý để bàn giải pháp tăng cường kết nối, thảo luận các giải pháp tăng cường kết nối, có những hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng...

Chị Nguyễn Thị Cát Tường cũng cho biết theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm không khí ở Việt Nam đã gây thiệt hại không nhỏ, làm giảm tỷ lệ GDP hàng năm.

Do đó, việc bảo vệ một bầu không khí trong lành là rất cần thiết góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững.

Đến triển lãm “Cảm nhận không khí” vừa diễn ra tại Trung tâm Truyền thông, giáo dục sức khỏe ở Thành phố Hồ Chí Minh, tham dự hoạt động tương tác thú vị như “Gieo hạt trồng cây, ươm mầm không khí sạch” - trồng cây trên môi trường giấy cũ tái chế, trang trí giày đi bộ với ý nghĩa truyền tải thông điệp khuyến khích mọi người tăng cường đi bộ, vừa rèn luyện sức khỏe vừa giảm thiểu khói thải từ các phương tiện giao thông cá nhân, em Nguyễn Thanh Vy, học sinh lớp 12 trường Trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ em đã hiểu rõ hơn về những tác hại khủng khiếp của ô nhiễm không khí.

Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường không khí là yếu tố tự nhiên và những tác động của con người.

Những hoạt động của con người như sản xuất, xây dựng và giao thông…đã làm ảnh hưởng đến môi trường không khí. Hành động để hạn chế, khắc phục ô nhiễm là trách nhiệm của cả cộng đồng.

Lan tỏa lối sống xanh

Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
phát tặng túi vải tái sử dụng cho người đi chợ Bến Thành. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, hiện nay, tại các địa phương rất nhiều việc làm thiết thực đã được thực hiện, góp phần lan tỏa lối sống xanh, hạn chế rác thải nhựa, hạn chế khói bụi...

Theo giảng viên Nguyễn Xuân Quỳnh Như, bộ môn Môi trường, Trường Đại học Hoa Sen, để góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm, từ năm 2011, Đại học Hoa Sen đã có dự án Đại học Xanh nhằm thay đổi nhận thức của tất cả cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên nhà trường.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Hoa Sen cũng đầu tư 4 thùng rác phân loại tái chế ở các phòng, ban...

Các giảng viên, sinh viên nhà trường luôn tích cực tham gia nhiều hoạt động bảo vệ môi trường ở các tỉnh, thành phố như thu gom rác thải ở Kiên Giang, trồng cây, thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản ở Đồng Nai…

Hiện nay, rất nhiều học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã lựa chọn xe buýt để đến trường thay vì đi xe máy cá nhân như trước đây.

Theo một số sinh viên khóa K44, Khoa Tiếng Anh thương mại, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh do khoảng cách giữa các cơ sở của trường ở khá xa nhau nên nhiều sinh viên trong khoa đã quyết định chuyển từ đi xe máy sang đi xe buýt để đến các giảng đường của trường ở Quận 3, Quận 10 và Quận 8.

Chịu khó đi bộ đến các điểm dừng xe buýt và kiên nhẫn chờ xe, nhiều bạn đã tiết kiệm được khoản tiền trước đây phải chi để mua xăng lại vừa góp phần hạn chế phương tiện cá nhân - một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông và khói bụi ở đô thị.

Chị Lê Thu Hường, một người dân ở phường 26, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ở phường 26 nơi chị đang sinh sống một số tiệm tạp hóa, sạp rau đã không còn dùng túi nilon để đựng rau quả nữa.

Người bán hàng đã chủ động nhắc nhở khách hàng đem theo túi, giỏ, hộp … để đựng hàng hóa.

Bản thân chị Hường cũng chuyển sang sử dụng chiếc giỏ đan bằng cọng cỏ bàng (một loại cây có nhiều ở vùng Tây Nam Bộ) để đi chợ mua thực phẩm. Nhờ vậy lượng rác thải của gia đình chị mỗi ngày giảm đáng kể.

Còn em Trần Huỳnh Anh Thư, học sinh lớp 7/5, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Đến xem triển lãm “Cảm nhận không khí” và tham dự một số hoạt động như xem video nghệ thuật nói về ô nhiễm môi trường, các bản thuyết minh về giải pháp bảo vệ môi trường của các bạn học sinh, em rất ấn tượng, đặc biệt, hình ảnh ”con rắn” đáng sợ từ nilon và rác thải trong video nghệ thuật được xem khiến em rất ám ảnh. Em sẽ nhắc nhở các bạn trong lớp, trong trường và cả ba mẹ mình giảm sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường"./.

Thanh Trà

Nguồn: TTXVN