Gần 10 năm nhặt rác dưới đáy biển: Người đàn ông biến tình yêu Sơn Trà thành hành động

Cập nhật: 26/08/2019
"Người đàn ông tìm rác" là tên gọi nhiều người đặt cho anh Đào Đặng Công Trung. Bởi trong gần 10 năm qua, anh Trung rong ruổi khắp các cung đường ở bán đảo Sơn Trà, thậm chí lặn sâu xuống đáy biển để nhặt rác, bảo vệ môi trường.

Là người quê gốc Hội An, ra Đà Nẵng lập nghiệp từ năm 2011 đến nay, anh Đào Đặng Công Trung (SN 1978, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) “bén duyên” với Sơn Trà vào những năm 2005 khi một lần đi xe máy vòng quanh bán đảo này, rồi yêu Sơn Trà từ ngày đó.

Trong mắt anh Trung, Sơn Trà rất đẹp nhưng ngày càng bị làm bẩn đi bởi rác thải, chai lọ, túi nilong mà người dân, du khách để lại. Vì yêu biển nên hơn ai hết, anh không thể chịu đựng được hình ảnh rác thải bủa vây san hô, rùa biển và nhiều sinh vật biển khác.

Ban đầu thấy rác thì nhặt, càng nhặt càng thấy nhiều rác, anh Trung quyết định đem theo đồ để đựng, từ túi nhỏ rồi đến túi to. Ngay cạnh bên đường cho đến tận hốc cây. Thậm chí khu vực vực sâu, cây bụi cũng cố gắng nhặt lấy.

Và cứ như vậy, gần 10 năm qua, anh Trung cần mẫn và chăm chỉ với công việc thầm lặng của mình. Bởi đây thực sự là một công việc vô cùng vất vả mà không phải ai cũng có đủ kỹ năng và tâm huyết để làm.

Sau mỗi giờ làm việc, buổi sáng từ 6h-7h30, chiều từ 17-19h vào các ngày thứ 2, thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, anh Trung lại rong ruổi trên các cung đường, khu vực, từ Hố sâu,Tiên Sa, rồi đỉnh Bàn cờ, Cây Đa nghìn năm, ngọn Hải đăng, khu Trường Mai, Mũi Nghê, rồi Ghềnh Bàng. Đều đặn, nắng cũng như mưa, Trung làm vì niềm tình yêu với Sơn Trà.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ đồng hành với anh Trung. Bên cạnh việc nhặt rác nhặt trên cạn, họ còn lặn xuống để làm sạch rác dưới đáy biển. Công việc này đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, càng xuống sâu sẽ càng thấy nhiều chai, lọ mắc vào những rạn san hô, có những rạn san hô đã chết khi bị rác đè lên.

“Có như vậy mới biết có những chai lọ đã tồn tại hàng mấy năm, thậm chí hàng chục năm mà không có ai nhặt lấy. Càng nhặt càng thấy rằng không thể ngẫu hứng là đi mà cần có kế hoạch nhặt lượm, chia từng khu vực, chuẩn bị bao túi,…”, anh Trung tâm sự.

Anh Trung thậm chí đã nhặt được những chai nhựa sản xuất từ cách đây 20 năm mắc kẹt dưới đáy biển.Theo anh Trung, rác ở dưới biển rất nhiều, đa phần là rác chìm gồm: vỏ lon bia, vỏ lon sữa, vỏ chai nhựa do khách du lịch vứt xuống.

Những ngày đầu, nhiều người nhầm anh Trung là công nhân môi trường. Nhiều người vô ý, có lúc thấy anh nhặt đằng trước, họ vứt rác đằng sau. Anh em bạn bè cũng có người chê anh gàn dở. Nhưng anh Đào Đặng Công Trung không nhụt chí vì những lời đàm tiếu.

“Mục đích của tôi là lan tỏa từ trong nhà ra xã hội. Và quan trọng nhất là làm cho cộng đồng nhận thức được rác thải gây ô nhiễm trực tiếp đến môi trường. Nó làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe của chúng ta và của những loài động thực vật và thủy hải sản khác sinh sống” - anh Trung nói.

Việc làm của anh Trung không chỉ giúp những bãi biển Đà Nẵng sạch đẹp hơn mà còn giúp lan tỏa tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường đến những du khách đi cùng anh và mọi người xung quanh.

Bạch Hiền 

Nguồn: www.doisongphapluat.com