Du lịch kết hợp teambuilding: Hướng đi mới

Cập nhật: 20/09/2019
Với lợi thế về nguồn tài nguyên sinh thái từ địa hình núi đồi, những khu rừng nguyên sinh đến hệ thống thác nước, sông, suối…, Gia Lai có điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc phát triển du lịch kết hợp teambuilding (một loại hình sinh hoạt đội nhóm), bắt kịp xu hướng chung của thế giới. Ông Trần Lê Bảo Châu-Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ Việt Nam (VTF) đã chia sẻ với chúng tôi về thực trạng và tiềm năng phát triển teambuilding tại Gia Lai.

* Ngoài địa hình tự nhiên, tại các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tồn tại những trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa bản địa như: chạy cà kheo, đua thuyền trên sông, leo núi hay những tập quán sinh hoạt như: bắt cá, thu hái nông sản… Những đặc điểm này là lợi thế cấu thành thế mạnh đặc biệt của Gia Lai trong việc phát triển gói du lịch kết hợp teambuilding. Theo ông hướng đi này có khả thi?

Du khách tham gia tour teambuilding hào hứng với thử thách vừa đi bộ 8 km qua những danh thắng của Gia Lai, vừa nấu cơm. Ảnh: internet

- Ông TRẦN LÊ BẢO CHÂU: Teambuilding thực chất là một hoạt động đào tạo thông qua các trò chơi đưa học viên đến các trải nghiệm nhằm rút ra các bài học thực tiễn, điều chỉnh thái độ và hành vi cá nhân trong khi tương tác với nhau, hướng đến mục tiêu chung của tổ chức. Tuy nhiên khi thiết kế trở thành một sản phẩm du lịch thì nó tiến gần đến hình thức du lịch kết hợp trải nghiệm thông qua các trò chơi. Chất liệu của các hoạt động này thường lấy cảm hứng từ văn hóa bản địa, sự thay đổi địa hình cộng với việc triển khai hoạt động tổ chức để quản trị chuỗi trò chơi, tạo nên sự hấp dẫn riêng của loại hình này.

Gia Lai có lớp trầm tích văn hóa bản địa của buôn làng, hệ thống địa hình tự nhiên, sản phẩm nông nghiệp đa dạng, tập quán sinh hoạt nhiều nét thu hút chính là thế mạnh để xây dựng những chương trình teambuilding mang đậm dấu ấn Tây Nguyên. Với những đặc điểm đó, việc phát triển mô hình du lịch kết hợp teambuilding tại Gia Lai đã đáp ứng những điều kiện cơ bản. 

* Ông có những khuyến nghị gì về phát triển du lịch kết hợp teambuilding tại Gia Lai?

- Ông TRẦN LÊ BẢO CHÂU: Việc đầu tiên là hoạt động quảng bá trực tiếp đến những doanh nghiệp lữ hành kinh doanh loại hình này. Vì không giống các sản phẩm du lịch khác, du lịch kết hợp teambuilding cần sự thấu hiểu khách hàng, thấu hiểu tài nguyên văn hóa bản địa, nên một sản phẩm teambuilding đúng nghĩa phải được “đo ni đóng giày” từ những nhà tổ chức chuyên nghiệp. Do đó, việc quảng bá trực tiếp đến doanh nghiệp lữ hành sẽ kéo theo sự tư vấn đến đúng đối tượng khách hàng mục tiêu. Đặc biệt, cần kêu gọi các doanh nghiệp nghiên cứu, đóng gói các sản phẩm teambuilding địa phương và chủ động tìm kiếm khách hàng trực tiếp, tiềm năng. Một số tour như: “Truy tìm đôi mắt Pleiku”; “Bí mật Hàm Rồng”, “Thử thách Phố núi”; “Chinh phục dòng sông huyền thoại”… là những gợi ý khả dĩ.

Nên khuyến khích những doanh nghiệp tại địa phương đầu tư những sân chơi, duy trì việc tổ chức trò chơi dân gian định kỳ tại các buôn làng; tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động triển khai mô hình du lịch kết hợp teambuilding tại những điểm đến có địa hình hấp dẫn như hồ, thác, rừng… Bên cạnh đó cần khuyến khích gìn giữ và phát huy các nét văn hóa truyền thống, văn hóa ẩm thực.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

VÕ THANH THẢO

Nguồn: Trung Tâm Văn Hóa, Điện Ảnh & Du Lịch Tỉnh Gia Lai