Thích ứng biến đổi khí hậu: trụ cột trong quan hệ Việt Nam - Hà Lan

Cập nhật: 10/04/2019
Nhân dịp Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte thăm chính thức Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman đã trả lời phỏng vấn của TTXVN về quan hệ hai nước:

- Phóng viên: Xin Đại sứ cho biết mục đích, ý nghĩa chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte?


Đại sứ Elsbeth Akkerman: Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thăm chính thức Việt Nam, cùng đi với Thủ tướng Mark Rutte trong chuyến thăm lần này có Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm cùng hơn 100 doanh nhân đến từ 70 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực hợp tác tiêu biểu giữa hai nước. Chuyến thăm nhằm tăng cường và mở rộng các mối quan hệ hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.

Trải qua hơn 45 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, các lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa hai nước gồm: nông nghiệp và an ninh lương thực, quản lý nước và biến đổi khí hậu. Đây là những lĩnh vực hợp tác tiêu biểu Việt Nam - Hà Lan dựa trên những điểm tương đồng của hai nước như: là những nền kinh tế mở; quốc gia có vị trí địa lý ở vùng đồng bằng có phần lớn diện tích nằm dưới mực nước biển, chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu. Cùng với đó, Hà Lan luôn hướng tới xuất khẩu các sản phẩm từ nông nghiệp và nền nông nghiệp nước. Cũng phải kể đến việc Việt Nam hiện đang là trọng tâm của châu Á. Hà Lan cũng có vị trí như vậy đối với châu Âu. Chính vì vậy, hai nước có rất nhiều điểm tương đồng cùng các lĩnh vực phát triển chung nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hà Lan hiện nay.
 


Chiều ngày 9/4/2019, tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Lễ đón Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte
sang thăm chính thức Việt Nam. Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte
duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte với các thiếu nhi Thủ đô Hà Nội tại lễ đón. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte tại lễ đón chính thức. Ảnh: Dương Giang – TTXVN



Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte chụp ảnh chung tại Trụ sở Chính phủ. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN



Chiều 9/4/2019, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
tiếp Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte đang thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN


Chiều 09/4/2019, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
tiếp Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Dương Giang – TTXVN

 


Chuyến thăm là cơ hội để Thủ tướng Mark Rutte khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác với Việt Nam trong bối cảnh mới. Chính phủ Hà Lan đã cam kết đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam cũng dành nhiều quan tâm đối với vấn đề này. Tôi cho rằng, hai Thủ tướng Việt Nam và Hà Lan sẽ đề cập đến vấn đề này trong các cuộc tiếp xúc bởi biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề của hai nước Việt Nam - Hà Lan mà là vấn đề ảnh hưởng tới toàn cầu. Hà Lan đang và sẽ tiếp tục là đối tác của Việt Nam trên khía cạnh giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Đồng bằng sông Cửu Long, nơi 20 triệu người dân đang sinh sống và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những thay đổi tự nhiên và môi trường, đó là bài học có thể sống cùng thiên nhiên thay vì chống lại. Hà Lan là một quốc gia có phần lớn diện tích nằm dưới mực nước biển, do đó có thể chia sẻ những kinh nghiệm thích ứng với vấn đề này cho Việt Nam".
 

Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte cho biết trong buổi gặp gỡ báo chí thông báo về kết quả chuyến thăm Việt Nam.



Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Mark Rutte có cuộc thảo luận về vấn đề chuyển đổi mô hình nông nghiệp, những bài học kinh nghiệm của Hà Lan trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp hai nước sẽ thảo luận về hợp tác sâu đối với nông nghiệp tuần hoàn, việc ứng dụng công nghệ thông minh. Trong đó, một mặt là hợp tác kinh doanh, mặt khác việc trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực này là rất cần thiết bởi biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu mà hai quốc gia đang phải đối mặt.

- Phóng viên: Trải qua hơn 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (9/3/1973-9/3/2019), hai nước Việt Nam - Hà Lan đã cùng hợp tác, phát triển trên nền tảng lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau. Đại sứ có thể cho biết một số nét chính trong quan hệ hai nước thời gian qua, triển vọng hợp tác thời gian tới?

- Đại sứ Elsbeth Akkerman: Lĩnh vực hợp tác nổi bật nhất giữa hai nước chính là quản lý nước và nông nghiệp. Một ví dụ điển hình cho quá trình hợp tác hiệu quả là Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ hai nước cùng các cơ quan nghiên cứu, địa phương của Việt Nam đã cùng thực hiện nghiên cứu, soạn thảo và triển khai Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long (Kế hoạch nghiên cứu tầm nhìn dài hạn 100 năm cho Đồng bằng sông Cửu Long). Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu với tầm nhìn đến năm 2100.

Về các lĩnh vực triển vọng hợp tác, tôi cho rằng, một lĩnh vực có tiềm năng hợp tác nổi bật là hàng hải. Thành phố Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cơ sở lớn về đóng tàu, quản lý cảng, vận tải thủy nội địa. Việc sử dụng đường thủy nội địa thay vì vận tải đường bộ sẽ góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Vì vậy, phía Hà Lan đang nghiên cứu các phương thức vận chuyển thông minh thích hợp cho Việt Nam nhằm giảm áp lực đối với môi trường.

Cùng với đó, dân số Việt Nam rất lớn và dòng lao động di chuyển từ nông thôn đến khu vực đô thị ngày càng tăng. Hà Lan dù là một quốc gia nhỏ, ít người nhưng cũng có kinh nghiệm đối với vấn đề dân số tập trung và đô thị hóa. Do đó, Hà Lan cũng tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam nói chung và với các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội nói riêng trong các lĩnh vực kết nối, lưu chuyển đô thị, dịch vụ truy cập... Đây là những lĩnh vực hợp tác tương lai với sự giúp đỡ từ công nghệ thông minh.
 


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte ký Biên bản ghi nhớ
về hợp tác chuyển đổi nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN


Hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký Ý định thư giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp, Tự nhiên và Chất lượng thực phẩm Hà Lan
về mở rộng tiềm năng đất đai cho an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN


Hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký Ý định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Tự nhiên và Chất lượng thực phẩm Hà Lan về mở rộng tiềm năng đất đai cho an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN


Hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa 2 nước về hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN



Tối 9/4/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte đến dự chương trình thời trang bền vững "Walk the Talk"
do Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và UBND Thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức. Ảnh: Lâm Khánh -TTXVN



Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte
dự cuộc tòa đàm với các giám đốc điều hành (CEO) các doanh nghiệp của Hà Lan.. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN


- Phóng viên: Đảm nhận nhiệm vụ Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam từ tháng 8/2018, xin Đại sứ cho biết những ưu tiên trong nhiệm kỳ của Đại sứ nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương Việt Nam - Hà Lan?

- Đại sứ Elsbeth Akkerman: Việc thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hai nước là rất quan trọng. Điều này đặc biệt hơn nữa khi các doanh nghiệp, khu vực tư nhân đóng góp vào mục tiêu phát triển chung. Chính phủ Hà Lan có chính sách rất rõ ràng, đó là các doanh nghiệp phải kinh doanh theo hướng bền vững. Việc kiếm lợi nhuận không sai nhưng không theo cách trả giá bằng tính mạng con người và hành tinh này. Vì vậy, hãy kinh doanh và chăm sóc môi trường làm việc, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Tôi cũng sẽ tham gia giám sát vấn đề này đối với các doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam. Cùng với đó, tôi cho rằng, Chính phủ, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, tổ chức xã hội, cộng đồng cần đưa ra các giải pháp thông minh và bền vững đối với những thách thức hiện nay ở Việt Nam. Phát triển kinh tế bền vững để mọi người dân đều được hưởng lợi ích thiết thực.

Với tư cách là Đại sứ, tôi sẽ đặc biệt chú trọng tới việc phát triển tài năng và kỹ năng của thế hệ trẻ một cách toàn diện và đa dạng; đảm bảo rằng họ có thể sử dụng tài năng, sự sáng tạo của mình đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng quan tâm tới các hoạt động của nữ giới, về bình đẳng giới, vấn đề trao quyền cho phụ nữ và cộng đồng LGBT nhằm đảm bảo họ cũng có những cơ hội công bằng.

- Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

Bài: Thu Phương - Ảnh: TTXVN

Nguồn: Báo ảnh Việt Nam