Khách sạn xanh ASEAN

Cập nhật: 06/11/2019
Tiêu chuẩn Khách sạn xanh ASEAN đã được các nước thành viên ASEAN xây dựng từ năm 2006 và công bố trong hai thời điểm: lần thứ nhất tại Thái Lan vào năm 2008 và lần thứ hai tại Nhà nước Brunei Darussalam vào năm 2012. Các nước đã thống nhất soạn thảo tài liệu hướng dẫn cách thức, quy trình đánh giá theo các tiêu chí của Tiêu chuẩn Khách sạn xanh ASEAN, làm căn cứ để các khách sạn tự đánh giá và các tổ chức cấp chứng nhận áp dụng triển khai, đồng thời giúp cho các đơn vị tư vấn, các chủ doanh nghiệp và những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch nghiên cứu thực hiện. Sách hướng dẫn gồm 11 phần, gồm các mục kế hoạch quản l‎ý môi trường, mua sắm xanh, quản trị nhân lực và các hoạt động quản lý môi trường. Các tiêu chí đánh giá gồm: 11 nhóm tiêu chí, 30 mục, 80 tiêu chí cụ thể.

Cách đánh giá: sử dụng điểm 0-1 (0: không đạt và 1: đạt) với từng tiêu chí. Tổng số điểm là điểm số của đơn vị. Số điểm của mỗi nhóm tiêu chí phải đạt trên 50% điểm tối đa của nhóm tiêu chí đó, tổng số điểm phải đạt ít nhất 60% điểm tối đa  mới được coi là đạt yêu cầu. Cụ thể như sau:

Nhóm tiêu chí

Điểm tối đa

Điểm tối thiểu (50%)

1. Chính sách môi trường và hoạt động vận hành của khách sạn

11

6

2.Sử dụng sản phẩm xanh

5

3

3. Hợp tác với cộng đồng và các tổ chức chức ở địa phương

9

5

4. Phát triển nguồn nhân lực

3

2

5. Quản l‎ý chất thải rắn

8

4

6. Sử dụng năng lượng hiệu quả

6

3

7. Sử dụng nước hiệu quả và chất lượng nước

12

6

8. Quản l‎ý không khí (trong nhà và ngoài trời)

4

2

9. Kiểm soát tiếng ồn

2

1

10. Quản l‎ý và Xử lý nước thải

10

5

11. Quản lý hóa chất và chất thải độc hại

10

5

 

Tổng số điểm và tiêu chí cần đạt để được cấp chứng nhận:

Mức đạt

Khoảng điểm

Tỷ lệ phần trăm

Không được cấp chứng nhận

0 – 47

Dưới 60%

được cấp chứng nhận

Từ 48 trở lên

Từ 60% trở lên

Tại Việt Nam, Tổng cục Du lịch đã khởi xướng và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, ban hành Bộ tiêu chí Nhãn Du Lịch bền vững Bông sen xanh cho các CSLTDL tại Việt Nam theo Quyết định số 1355/QĐ-BVHTTDL ngày 12/4/2012, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Tiêu chuẩn Khách sạn xanh ASEAN và thực trạng Việt Nam, thực hiện cấp thí điểm trong 03 năm với năm cấp độ từ 1 đến 5 bông sen, mở đầu cho việc xây dựng hệ thống tiêu chí du lịch bền vững ở Việt Nam.

Giai đoạn 2008-2018,  Việt Nam đã có 37 khách sạn của 11 tỉnh/TP  được trao tặng danh hiệu  “Khách sạn xanh ASEAN„, trong đó có những khách sạn được vinh danh nhiều lần, nhiều khách sạn đã được trao Chứng nhận Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh cấp độ 4 hoặc 5 (4-5 Bông sen xanh). Cụ thể các khách sạn đã được nhận Giải thưởng khách sạn xanh ASEAN như sau:

Tại Hà Nội: Các Khách sạn: Intercontinental Hanoi Westlake, Sheraton Hà Nội, Hà Nội Daewoo, Sofitel (Legend) Metropole Hà Nội, Prestige, Sofitel Plaza.

Tại TP Hồ Chí Minh: Các Khách sạn: Chains Caravelle, Bến Thành (Rex), Đệ Nhất (First), Cửu Long (Majestic), Đồng Khởi (Grand), Kim Đô, Hoàn Cầu (Continental), Equatorial, Sheraton Saigon, Quê hương 4 (Liberty 4).

Tại Bà Rịa – Vũng tàu: Khu nghỉ dưỡng phức hợp The Grand Hồ Tràm Strip, các Khách sạn:  Grand Palace, Six Senses Côn Đảo, Sài Gòn Bình Châu.

Tại Bình Thuận:  Khu nghỉ dưỡng Muine Bay, các khách sạn Sài Gòn Mũi Né Seahorse Resort and Spa.

Tại Đà Nẵng: Các Khách sạn Furama, Fusion Maia.

Tại Khánh Hòa: Khu nghỉ mát Six Senses Ninh Vân Bay, Khách sạn Sunrise Nha Trang, Vinpearl Resort & Spa, Evason Ana Mandara & Six Sense Spa.

Tại Lâm Đồng: Khách sạn Hoàng Anh Đất Xanh Đà Lạt, Ana Mandara Villas Da Lat.

Tại Quảng Nam: Các Khách sạn: Four Season The Nam Hai, Dấu ấn Hội An, Palm Garden Beach Resort.

Tại Quảng Ninh: Khách sạn Sài Gòn Hạ Long.

Tại Thừa Thiên – Huế: Khách sạn Làng Hành hương (Pilgrimage Village).

Tại Vĩnh Phúc: Khách sạn Flamingo Đại Lải.

Lễ trao Chứng nhận Khách sạn Xanh ASEAN được tổ chức tại sự kiện Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á hai năm một lần. Sự tham gia của Việt Nam vào chương trình này đã thể hiện sự hội nhập sâu rộng của ngành du lịch Việt Nam nói chung và các cơ sở lưu trú du lịch Việt nam nói riêng trong khu vực ASEAN, đặc biệt trong các hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững./.

Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch

Nguồn: Bài viết tham dự Hội thảo Khoa học - Triển lãm về sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường trong các cơ sở lưu trú và các khu, điểm du lịch khu vực miền Nam