Nghiên cứu hỗ trợ cộng đồng dân cư ven biển chuyển đổi sinh kế, phát triển du lịch

Cập nhật: 26/11/2019
(TITC) – Sáng ngày 21/11/2019, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ cộng đồng dân cư ven biển chuyển đổi sinh kế, phát triển du lịch”. Đây là nhiệm vụ nghiên cứu nằm trong Chương trình hành động quốc gia về du lịch 2019.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa, cùng với sự quan tâm của Nhà nước về chủ trương chính sách phát triển kinh tế biển, sự phát triển nhanh của du lịch đã đặt ra những yêu cầu về phát triển sinh kế biển, hỗ trợ cộng đồng dân cư ven biển, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân.

Theo TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, để thực hiện nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã khảo sát tại một số tỉnh, thành ven biển để đánh giá tình hình thực tế. Hội thảo momg muốn sẽ nhận được những ý kiến góp ý, chia sẻ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp tìm ra những giải pháp để góp phần hỗ trợ cộng đồng dân cư ven biển phát triển du lịch, đóng góp chung vào sự phát triển Ngành.

Theo báo cáo nội dung kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhóm nghiên cứu, sinh kế ven biển Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cùng với sự vận động không ngừng của quy luật tự nhiên, sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ của xã hội, sự ảnh hưởng, tác động qua lại của các yếu tố khiến cho sinh kế dễ bị ảnh hưởng, tác động và khó bền vững.

Việc chuyển đổi sinh kế và lựa chọn chiến lược sinh kế phù hợp phụ thuộc rất nhiều vào những thay đổi của tài sản sinh kế dưới tác động của bối cảnh, xu hướng cũng như những biến chuyển trong chính sách, thể chế.  

Theo Niên giám thống kê toàn quốc năm 2018, cơ cấu kinh tế vùng ven biển nước ta bao gồm: Nông, lâm nghiệp, thủy sản, đánh bắt cá (20,03%); công nghiệp, xây dựng (34,25%); dịch vụ (39,43%); thuế nhập khẩu (6,29%). Tốc độ tăng trưởng từ năm 2015-2018 theo các ngành kể trên lần lượt là 6,0%; 14,7%; 14,0%; 21%. Du khách đến với những vùng ven biển rất ấn tượng với nghề đánh bắt cá, nuôi trồng chế biến thủy hải sản, làm đồ thủ công mỹ nghệ (sản phẩm từ làng nghề truyền thống mắm, muối, gốm sứ…).

Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo

Việc chuyển đổi sinh kế cần xác định đối tượng ưu tiên là các nhóm thu nhập thấp, nhóm phụ nữ, nhóm thuyền viên hỗ trợ công việc trên các tàu cá, hộ kinh doanh cá thể tại địa phương, dân cư trong các làng nghề truyền thống.

Báo cáo đưa ra định hướng phát triển sinh kế, theo đó sẽ tập trung vào phát triển kinh tế biển và kinh tế dựa vào biển, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch biển đảo bền vững, chất lượng cao, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển năng lực của cộng đồng trong lĩnh vực du lịch.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra những giải pháp để chuyển đổi sinh kế, phát triển du lịch gồm: phát triển sản phẩm du lịch; thu hút đầu tư phát triển du lịch biển, ven biển; giải pháp hỗ trợ người nghèo thích ứng với chuyển đổi và mở rộng sinh kế; cơ chế chính sách hỗ trợ mở rộng và chuyển đổi sinh kế khu vực ven biển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong chuyển đổi và mở rộng sinh kế khu vực ven biển; liên kết hợp tác phát triển nhằm hỗ trợ chuyển đổi sinh kế đối với khu vực ven biển.

Theo các đại biểu, bên cạnh những công việc truyền thống tại các địa phương ven biển, những việc làm về du lịch là rất cần thiết giúp cộng đồng dân cư sẽ có thêm thu nhập, trong bối cảnh du lịch phát triển nhanh như hiện nay. Tại những địa phương này cần xác định rõ vai trò của chính quyền địa phương định hướng phát triển du lịch, tăng cường phát triển thêm những sản phẩm trải nghiệm cuộc sống của người dân, trải nghiệm văn hóa biển đặc sắc, đào tạo hướng dẫn cho người dân một cách bài bản, chi tiết cách thức phục vụ đúng nhu cầu của du khách, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái biển đảo để đảm bảo phát triển bền vững, duy trì, bảo tồn, quảng bá văn hóa làng nghề vùng ven biển…

Tin, ảnh: Thu Thủy