Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, bảo tồn các vùng đất ngập nước quốc tế

Cập nhật: 27/11/2008
Hội nghị lần thứ 10 các bên tham gia Công ước Ramsar - Công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quốc tế vừa diễn ra tại thành phố Chang won - Hàn Quốc, đã thu hút sự tham gia của hơn 1300 đại biểu đến từ 156 quốc gia trên toàn cầu.

Hội nghị Ramsar được tổ chức 3 năm 1 lần. Đây là dịp để các quốc gia, trong đó có Việt Nam cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Tại Hội nghị này, VN đã được các quốc gia đánh giá cao về những nỗ lực trong công tác bảo tồn. Cho đến thời điểm này, nước ta đã quy hoạch được 68 khu đất ngập nước nội địa và ven biển, với diện tích khoảng hơn 10 triệu ha. Trong đó có nhiều khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế như khu Ramsar - Xuân Thủy: Hồ Ba Bể (Vườn quốc gia Ba Bể), khu cửa sông Hồng Tiền Hải, U Minh Thượng, Mũi Cà Mau và khu đất ngập nước Côn Đảo...

Trong 8 ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu đã tham dự các hội thảo với nhiều chủ đề và tham quan các vùng đất ngập nước tại Hàn Quốc. Hội nghị xây dựng các kế hoạch cho giai đoạn 2009-2014 theo "Chiến lược Ramsar", đề ra các biện pháp quản lý đất ngập nước và lưu vực sông và thảo luận các phương án ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm. Chương trình nghị sự còn bao gồm các nội dung liên quan đến bảo tồn và sử dụng 1 cách hợp lý các vùng đất ngập nước như biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và tính đa dạng của cuộc sống.

Ông Phùng Văn Vui - Cục trưởng Cục bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng Cục môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, những thông điệp từ Hội nghị lần thứ 10 một lần nữa cho thấy, mối quan hệ chặt chẽ giữa các vùng đất ngập nước với sức khỏe của con người. "Nếu không được quản lý tốt, đất ngập nước cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng con người. Bởi đất ngập nước, với các hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, cũng chính là nơi che chắn gió bão, hạn chế những tác động tiêu cực của hạn hán, thiên tai , gió bão, nhất là biến đổi khí hậu - vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay...".

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường