Nghề thủ công truyền thống Đá mỹ nghệ Ninh Vân được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cập nhật: 17/02/2020
Tháng 12/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nghề thủ công truyền thống Đá mỹ nghệ Ninh Vân (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (theo Quyết định số 4607/QĐ-BVHTTDL).

Xã Ninh Vân có 13 thôn đều làm nghề chế tác đá mỹ nghệ. Làng nghề này có từ  lâu đời, trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân đã kế thừa được những giá trị thăng hoa do tiền nhân để lại, trên cơ sở đó các thế hệ nối tiếp nhau không ngừng sáng tạo để khẳng định bản sắc của làng nghề truyền thống.
 


 

Nơi đây nổi tiếng bởi những sản phẩm độc đáo được tạc nên bởi đôi bàn tay khéo léo và khối óc tài hoa của người thợ chế tác đá. Bằng kỹ nghệ và bí quyết nghề được lưu truyền qua nhiều thế hệ mà họ đã thổi hồn vào những khối đá xanh vô tri vô giác, để tạo nên những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều công trình nổi tiếng trong nước, có giá trị cao về kiến trúc và nghệ thuật ghi dấu ấn của người thợ đá Ninh Vân như: Quần thể nhà thờ đá Phát Diệm, Lăng Khải Định (Huế), tượng Phật ở chùa Hương Tích (Hà Nội), Hành lang la hán chùa Bái Đính... Đặc biệt, những người thợ có tay nghề cao của làng đã được tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những năm 1970. Đây là niềm tự hào và cũng là động lực để thế hệ sau giữ gìn và phát huy truyền thống của cha ông.
 


 

Làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân nằm sát quốc lộ 1A, có đường giao thông thủy, bộ thuận lợi. Các sản phẩm cũng khá phong phú như: chậu cảnh, bể cảnh, tượng nghệ thuật, tượng tôn giáo, các bức phù điêu,…Là một nghề kĩ thuật và mỹ thuật, những tác phẩm nghệ thuật được tạo ra không chỉ đẹp hoàn hảo với những đường nét hoa văn uyển chuyển, sống động mà còn chứa đựng tâm huyết, kì vọng của người nghệ nhân - những người thổi hồn cho đá.

Sản phẩm được tạo nên từ đá nơi đây, nếu nhìn ở góc độ văn hóa, chính là sự hóa thân của thiên nhiên trong môi trường sinh hoạt văn hóa của con người. Qua các sản phẩm chạm khắc đá trong những công trình kiến trúc đền, chùa, nhà thờ ở khắp nơi đều dễ nhận thấy là thiên nhiên và văn hóa cổ truyền hòa quyện chặt chẽ khó có thể tách rời được.

Ngày nay, cùng với sự chuyển mình, đổi mới của đất nước, các nghệ nhân, thợ đá Ninh Vân cũng tìm tòi sáng tạo nhiều kỹ thuật chạm khắc đá mới, không ngừng đổi mới sản phẩm, vừa phù hợp với thị hiếu đương thời, gắn với nhu cầu thị trường, lại vẫn thể hiện được sắc thái văn hóa dân tộc mà không hề mất đi giá trị vốn có của nó trong thời kì hiện đại./.

Nguồn: Lê Hằng; Ảnh: Xuân Lâm
Nguồn: TTXT Ninh Bình