6 bài học virus corona dạy chúng ta về biến đổi khí hậu

Cập nhật: 14/04/2020
(TITC) - Dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Trái đất (22/4) đang đến gần trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong dịp này, trang web tổ chức mạng lưới Ngày Trái đất (EarthDay) đã có bài viết về những bài học con người có thể rút ra từ đại dịch Covid-19.

“Ngày Trái đất 2020 (22/4) diễn ra trong thời điểm đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cuộc sống chúng ta. Số lượng các ca nhiễm liên tục tăng vọt trên toàn cầu và tất cả mọi người đều đang phải ở yên tại chỗ.

Nhiều người đang phải thực hiện giãn cách xã hội với nhau. Cũng có nhiều người đang góp sức vượt qua đại dịch bằng mọi cách có thể như là giữ liên lạc qua điện thoại hoặc internet với những người đơn độc; may khẩu trang cho nhân viên y tế; quyên góp giúp đỡ người di cư và người vô gia cư; thúc đẩy các chính sách bảo vệ những người thu nhập thấp trong xã hội.

Đây chính là thời điểm chúng ta có thể nhận ra rằng chúng ta thuộc về một gia đình gắn kết đó là Trái đất. Chúng ta cùng sống trong cùng một hành tinh, uống từ cùng một nguồn nước và hít thở cùng một bầu không khí.

Vì vậy, cho dù đang ở nhà hay trong bệnh viện, hay đang chiến đấu ở tuyến đầu, chúng ta đều đang đóng góp sức mình chống lại kẻ thù chung. Khi Covid-19 bị đẩy lùi, thay vì quay lại cuộc sống bình thường, chúng ta cần phải rút ra bài học cho cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.

Dưới đây là 6 bài học đại dịch Covid-19 dạy chúng ta về cách ứng phó với biến đổi khí hậu.

1. Vấn đề khoa học

Chúng ta có thể cứu sống con người bằng cách tài trợ và nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các bằng chứng khoa học về biến đổi khí hậu đã rất rõ ràng trong nhiều thập kỷ qua nhưng chúng ta đã thất bại trong việc tuyên truyền tới cộng đồng, dẫn đến những phản ứng chậm chạp và thậm chí bỏ qua sự thật về mối nguy hại này.

2. Cách chúng ta đối xử với thiên nhiên sẽ tác động đến hạnh phúc của chúng ta

Việc bị mất môi trường sống và đa dạng sinh học đã tạo điều kiện cho các loại virus và bệnh mới như Covid-19 lan tràn vào cộng đồng. Và nếu chúng ta tiếp tục phá hủy môi trường, chúng ta sẽ làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên và phá hủy hệ sinh thái tự nhiên.

3. Chúng ta càng sớm hành động, sẽ càng ít bị tổn thất

Hành động nhanh chóng và quyết liệt có thể làm giảm lượng ca nhiễm, giải phóng nguồn lực chăm sóc sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong. Tương tự, hành động quyết liệt ứng phó với biến đổi khí hậu có thể giải quyết sự thiếu hụt về lương thực và nguồn nước, thiên tai và nước biển dâng, bảo vệ cá nhân và cộng đồng.

4. Chúng ta có khả năng thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ

Khi có đủ động lực, chúng ta có thể tạm dừng công việc hàng ngày và giúp những người khác. Hiện nay, trên toàn thế giới, những người khỏe mạnh đang tự thay đổi lối sống để bảo vệ những người dễ bị tổn thương hơn trong cộng đồng. Quyết tâm tương tự trong ứng phó với biến đổi khí hậu có thể thay đổi hành vi tiêu dùng năng lượng của chúng ta ngay lập tức. Tất cả chúng ta có thể tạo nên sự khác biệt và đóng vai trò quan trọng trong kiến tạo giải pháp.

5. Tất cả chúng ta đều là nạn nhân của khủng hoảng, dù không đồng đều

Những đối tượng thiếu kết nối xã hội, yếu về kinh tế hoặc thể chất sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Một xã hội bất bình đẳng về kinh tế và phúc lợi xã hội sẽ dễ bị sụp đổ bởi khủng hoảng. Chúng ta cần phải nhận ra rằng các ngành công nghiệp và những người đang hưởng lợi từ sự bất bình đẳng đó sẽ cố gắng làm gián đoạn những nỗ lực chuyển đổi xã hội để ứng phó với khủng hoảng.

6. Giữ tầm nhìn về một Trái đất công bằng, hòa bình và bền vững sẽ mang lại sức mạnh cho chúng ta trong tương lai

Ngày Trái đất 2020 sẽ được ghi nhớ là thời điểm nhân loại đang quay cuồng vì đại dịch. Nhưng chúng ta cũng mong rằng năm nay sẽ được ghi nhớ là thời điểm mà tất cả chúng ta cần phải tạm dừng những việc đang làm để chú ý đến nhau hơn và hành động.

Những hoạt động như khai thác khoáng sản, chặt phá rừng và hy sinh sức khỏe hành tinh vì lợi nhuận và tiêu dùng, sẽ thúc đẩy biến đổi khí hậu một cách khốc liệt. Đã đến lúc phải từ bỏ hệ thống hoạt động mang tính hủy diệt này và tìm ra phương thức bền vững hơn cho sự sống trên hành tinh chúng ta.

Sẽ như thế nào nếu chúng ta trỗi dậy từ đại dịch này với những cam kết mới quyết liệt hơn để chăm sóc cho nhau?. Sẽ như thế nào nếu chúng ta tiếp thu những bài học từ đại dịch Covid-19 và chiến đấu vì một thế giới nơi mà mọi người đều có thể phát triển?.

Vào ngày kỷ niệm 50 năm Ngày Trái đất này, khi nỗi sợ hãi và bệnh tật đang càn quét toàn cầu, chúng ta lắng nghe những tiếng nói về sự khôn ngoan, rộng lượng, can đảm và hy vọng. Và chúng ta luôn luôn tìm thấy sự an ủi trong thế giới tự nhiên. Trên những con đường và bầu trời đột nhiên tĩnh lặng, chúng ta có thể nghe thấy tiếng chim hót.”

Hồng Thanh (Theo earthday.org)