Văn hóa Đông Sơn: Nghệ thuật đỉnh cao Việt Nam thời nguyên thủy

Cập nhật: 20/04/2020
Biểu tượng văn hóa Đông Sơn được xem là đỉnh cao của nghệ thuật Việt Nam thời nguyên thủy. Văn hóa Đông Sơn và sự ra đời của trống đồng có thể coi là chứng nhân tiêu biểu nhất, đầy đủ nhất của thời đại kim khí.

Theo nghiên cứu về Hệ giá trị văn hóa Việt Nam của GS. TS. Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, với những dạng thức về trang trí và kiểu dáng trống đồng, có thể thấy từ giai đoạn Đá mới chi đến Kim khí, mỹ thuật Việt Nam có những bước tiến triển dài trên mọi phương diện, từ kỹ thuật cho đến kiểu dáng.

Trống đồng không chỉ là một sản phẩm mỹ thuật mà còn là một nhạc khí. Do vậy, kỹ thuật luyện kim ở thời đại này phải đạt được hai khía cạnh. Một là tạo được âm thanh trong trẻo cho nhạc cụ, hai là kỹ thuật đúc đồng phải đảm bảo điền đầy vào những chi tiết chạm khắc trên khuôn đúc để tạo ra một sản phẩm có tính mỹ thuật cao.

Các hoa văn được thể hiện trên trống đồng còn cho thấy tính tư duy tạo hình của người Việt cổ. (Ảnh: L.Q.V)

Ngoài ra, các hoa văn được thể hiện trên trống đồng còn cho thấy tính tư duy tạo hình của người Việt cổ. Trong đó, bao hàm cả giá trị về sự nhận thức thế giới, phản ánh đời sống tâm linh và cả các quan niệm về vũ trụ của người Việt thời Đông Sơn.

Việc có thêm những cảnh sinh hoạt trên hoa văn cho thấy sự phát triển về tính tư duy và năng lực thẩm mỹ cao trong giai đoạn này. Không chỉ thế, tính khúc triết của những hoa văn trang trí này còn gián tiếp phản ánh tính chất tổ chức xã hội của cộng đồng nguyên thủy phát triển ở trình độ cao. Tín ngưỡng phồn thực cũng được xét đến trên các biểu tượng này.

Ví dụ, các quy cách trang trí trên một mặt trống đồng Heger I được đặt ra khá chặt chẽ. Trung tâm của trống đồng là hình tượng mặt trời, xen kẽ vào các tia mặt trời là các biểu tượng âm vật tượng trưng cho sự hòa hợp âm dương, liên quan đến tín ngưỡng phồn thực.

Tiếp đến, vành hoa văn lớn nhất là miêu tả cảnh sinh hoạt của con người: đánh trống, đánh chiêng, giã gạo, săn bắn và các kiến trúc nhà sàn. Vành hoa văn lớn tiếp theo là các cảnh trang trí hình chim bay và hươu chạy. Vành ngoài cùng là chim bay, chim đứng và chim cắp cá… xen kẽ giữa những vành hoa văn lớn này là những diềm hoa văn hình học, khắc vạch, vòng tròn, tiếp tuyến.

Những vạch hoa văn hình học này chỉ có tính chất phụ trợ để làm nổi bật phân cách giữa các phần trang trí có tính nội dung kể trên. Trong 16 vành hoa văn này và sự phân tầng trên mang một ý nghĩa khá chặt chẽ. Mặt trời là trung tâm của vũ trụ, sự hòa hợp giữa nguyên tố âm và dương sẽ tạo ra đời sống muôn loài.

Có thể nói, với cách thức cấu trúc từ dáng trống cho đến các mảng trống rỗng, đặc, và sự phân bố một cách có chủ ý của các vành hoa văn đã đưa nghệ thuật trống đồng lên đến đỉnh cao của nền văn minh Đông Sơn cũng như nghệ thuật Việt Nam thời nguyên thủy.

Diệp Anh

Nguồn: Báo Lao động thủ đô