Hợp tác về di sản văn hóa và thiên nhiên: Đối phó với biến đổi khí hậu

Cập nhật: 22/04/2020
Những sự kiện thời tiết cực đoan và ảnh hưởng lâu dài của điều kiện khí hậu bất lợi có tiềm năng gây thiệt hại đáng kể đối với di sản văn hóa và thiên nhiên. Nếu chúng ta không hành động ngay lập tức thì thiệt hại này có khả năng không thể đảo ngược.

Chính phủ Hy Lạp đã sáng kiến tổ chức Hội nghị Khoa học Quốc tế “Những tác động của biến đổi khí hậu tới di sản văn hóa: Đối mặt thách thức” với sự tham gia của các nhà khoa học nổi tiếng thế giới từ hơn 43 quốc gia (Athens, 21-22/6/2019).

Đồng quan điểm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc về hợp tác đa phương và sự tham gia của cả khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc thúc đẩy phản ứng toàn cầu đối với sự đe dọa của biến đổi khí hậu, Hy Lạp đã hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng như các Tổ chức phi chính phủ (NGOs), đại diện các tổ chức xã hội nghề nghiệp và giới học giả. Bản đề xuất về việc giải quyết ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với di sản văn hóa và thiên nhiên, căn cứ những kết luận được nhất trí thông qua tại Hội nghị Khoa học nêu trên, đã được trình bày tại Sự kiện trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Hành động Khí hậu diễn ra tại trụ sở Liên Hợp Quốc vào ngày 21 tháng 9. Mục tiêu của đề xuất này nhằm huy động các nước thành viên Liên hợp quốc tham gia vào việc triển khai hành động cụ thể, cùng với các mục tiêu liên quan đến Hiệp định Paris, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và các khuyến nghị liên quan của UNESCO nhằm bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên khỏi các tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Hơn 40 quốc gia đã chính thức bày tỏ sự ủng hộ của họ và nhiều bang đã cam kết hành động. 

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với di sản văn hóa và thiên nhiên 

Di sản văn hóa và thiên nhiên đang ngày càng bị tổn thương do những tác động bất lợi về môi trường và xã hội của biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Lũ lụt, hỏa hoạn, mức độ lùi dần của sông băng, sự tan chảy mỏm băng, hạn hán, axit hóa đại dương, những sự kiện thời tiết cực đoan và ảnh hưởng lâu dài của điều kiện khí hậu bất lợi có tiềm năng gây thiệt hại nặng nề đối với các di sản văn hóa và thiên nhiên cũng như các thực hành và biểu đạt di sản văn hóa phi vật thể. 

Biến đổi khí hậu có thể gây những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với các cấu trúc và hình dạng vật lý của các di chỉ mà còn đối với tổng thể bối cảnh ý nghĩa của chúng, điều hết sức cần thiết đối với sự nhận thức, cách hiểu và giải thích về các di chỉ này. Việc tôn trọng tổng thể bối cảnh thường phải tinh tế, dần dần và có thể không được chú ý ở những giai đoạn đầu. Do vậy, việc thích ứng với biến đổi khí hậu thể hiện một thách thức lớn đối với việc giữ gìn liên tục và quản lý bền vững các di chỉ. Thách thức này thậm chí còn lớn hơn trong trường hợp các Tài sản Di sản Thế giới. 

Bên cạnh thiệt hại về vật chất, biến đổi khí hậu cũng gây ra những tác động rất lớn về mặt kinh tế và xã hội đối với di sản ở tất cả các dạng, từ sự gián đoạn quản trị trong lĩnh vực văn hóa đến việc cướp bóc và buôn bán bất hợp pháp các hiện vật văn hóa và sự chiếm chỗ của con người, đã gây ra sự gián đoạn việc truyền tải các di sản văn hóa phi vật thể và mất đi các thực hành và tri thức truyền thống. Việc mất đi các cơ hội về kinh tế trong các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo và ngành du lịch văn hóa là những hậu quả khác của biến đổi khí hậu. Khái quát hơn, biến đổi khí hậu sẽ gián đoạn đời sống của các cộng đồng trên toàn cầu, hạn chế khả năng tiếp cận và tận dụng các nguồn và thực hành văn hóa. 

Hiện nay, vai trò kép của văn hóa trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu ngày càng được đánh giá cao - một mặt, văn hóa như một yếu tố xem xét then chốt trong việc phòng ngừa rủi ro và mặt khác, văn hóa cũng được xem là một yếu tố góp phần vào việc thúc đẩy khả năng phục hồi. Xét về mặt thứ hai, cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đều đang ngày càng được công nhận vai trò năng động mà chúng đóng góp trong việc xây dựng khả năng phục hồi của các cộng đồng và cứu các sinh mạng và tài sản khỏi những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. 

Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu, di sản văn hóa vẫn chưa được hội nhập một cách hệ thống vào quá trình giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu - bao gồm Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) và Hiệp định Paris, chỉ đề cập đến “tri thức truyền thống, tri thức của các dân tộc bản địa và hệ thống tri thức địa phương” (Điều 7.5). Điều này cho thấy một khoảng trống thể chế giữa các cộng đồng sở hữu di sản văn hóa và các cộng đồng chuyên về biến đổi khí hậu. Hơn thế nữa, các cách tiếp cận việc giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các di sản nên được mở rộng để bao hàm đầy đủ các di sản văn hóa phi vật thể bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên các biểu đạt này là rất lớn và đòi hỏi hành động khẩn cấp từ cộng đồng quốc tế. 

Cam kết

Do những yếu tố trên, các nước thành viên được kêu gọi ủng hộ việc bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên khỏi tác động của biến đổi khí hậu bằng cách lồng ghép việc bảo vệ này vào các chính sách và/ hoặc quá trình xử lý biến đổi khí hậu, song song với các mục tiêu và cam kết liên quan đến Hiệp định Paris và các mục tiêu phát triển bền vững, cũng như xem xét các chính sách và khuyến nghị của UNESCO. 

Các chính phủ và các bên liên quan sẽ đạt được cam kết này vào năm 2030 thông qua các hành động phù hợp, trong đó có việc: 

- Thúc đẩy hành động thực tiễn và các kế hoạch hợp tác để bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên khỏi các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.

- Tạo ra các chiến lược/thể chế nhằm thúc đẩy nghiên cứu, bao gồm cả tri thức địa phương, về các tác động của biến đổi khí hậu đối với di sản văn hóa và thiên nhiên và cải thiện chất lượng thông tin và hiệu suất của các công cụ giảm thiểu và phương pháp tiếp cận, thông qua:

     + Tăng cường thông tin cơ bản chủ chốt thông qua các chính quyền và cơ quan liên quan bao gồm các dữ liệu kiểm kê gần đây nhất và bản đồ rủi ro đa hiểm họa;

     + Cung cấp đầy đủ các hệ thống và công cụ ghi âm và giám sát cho việc đánh giá khả năng bị tổn thương của các loại di sản khác nhau và những ảnh hưởng liên quan đến kinh tế xã hội do biến đổi khí hậu gây ra;

     + Tạo ra các bộ chỉ số đánh giá khả năng bị tổn thương đối với di sản văn hóa và thiên nhiên, bao gồm cả di sản phi vật thể, một loại hình có thể bị ảnh hưởng bởi các trường hợp thời tiết cực đoan. 

- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phương pháp luận nghiên cứu, bao gồm các nghiên cứu được thực hiện bởi chính các cộng đồng và nhóm nhằm mục đích hiểu và chứng minh tính hiệu quả của tri thức trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai, phục hồi sau thiên tai, thích ứng với khí hậu và giảm thiểu biến đổi khí hậu, đã được công nhận bởi các cộng đồng, nhóm và các cá nhân trong một số trường hợp như một phần của di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời nâng cao năng lực của các cộng đồng, nhóm và cá nhân khi đối mặt với các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu - việc mà tri thức hiện có không thể giải quyết được.

- Áp dụng các biện pháp phù hợp về mặt luật pháp, kỹ thuật, hành chính và tài chính nhằm:

​     + Thúc đẩy sự tiếp cận và truyền tải tri thức liên quan đến trái đất và khí hậu được công nhận bởi các cộng đồng, nhóm và cá nhân trong một số trường hợp như một phần của di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời vẫn tôn trọng các thực hành theo phong tục tập quán khi điều tiết sự tiếp cận những khía cạnh cụ thể của tri thức này.

     + Hợp nhất đầy đủ các cộng đồng, nhóm và cá nhân – những người chủ của tri thức đó, vào trong các hệ thống và chương trình về giảm thiểu rủi ro thiên tai, phục hồi sau thiên tai và việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. 

- Thiết kế, phát triển và triển khai thực hiện các kế hoạch và chương trình, cũng như các công cụ liên quan nhằm giúp giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với di sản văn hóa, với mục tiêu gia tăng khả năng phục hồi và khả năng thích ứng của di sản văn hóa và thiên nhiên, thông qua: 

     + Tăng cường các cơ chế hợp tác giữa các tổ chức và các nhân tố trong việc thực hiện các chiến lược về biến đổi khí hậu đối với di sản văn hóa và sự phát triển quan hệ đối tác đổi mới ở cấp quốc gia, thể chế và chính sách;

     + Phát triển các tài liệu và công cụ nâng cao năng lực, bao gồm việc đào tạo các cơ quan quản lý cấp quốc gia, tổ chức và cộng đồng;

     + Tạo ra một kho lưu trữ các thực hành tốt nhất cho các hành động và kế hoạch quản lý liên quan đến việc phòng ngừa các tác động do biến đổi khí hậu cũng như việc thích ứng của các di chỉ và di tích với biến đổi khí hậu dựa trên tri thức địa phương và bản địa,

     + Phát triển các kế hoạch quản lý rủi ro, hệ thống cảnh báo sớm và kế hoạch hành động khẩn cấp đối với các di sản văn hóa và thiên nhiên,

     + Thiết kế các chương trình hành động sẵn sàng ứng phó,

     + Phát triển các bản đồ đánh giá rủi ro đối với các đe dọa cụ thể,

     + Chuẩn bị kỹ lưỡng các chương trình đầu tư phù hợp để gia tăng khả năng phục hồi và năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của các di sản văn hóa và thiên nhiên.

- Thúc đẩy giáo dục để nâng cao công tác bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên và các chính sách cũng như cách ứng phó đầy đủ về khí hậu nhằm mục đích nâng cao năng lực và nhận thức, thông qua:

     + Thúc đẩy các chương trình giáo dục ở cấp đại học, tiểu học và trung học về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với di sản văn hóa và thiên nhiên,

     + Thiết kế tài liệu giáo dục và nhận thức nhằm thông báo cho cộng đồng về những ảnh hưởng này,

     + Tổ chức các khóa đào tạo cho những người ra quyết định, nhà quản lý di sản và các bên liên quan khác.

- Theo dõi tiến độ và chia sẻ các trải nghiệm và các thực hành tốt nhất trong việc hợp tác với hệ thống Liên Hợp Quốc và các bên liên quan.

Nguyễn Oanh (dịch)

Nguồn: bvhttdl.gov.vn