VACNE tổ chức Tọa đàm 10 năm Sự kiện Bảo tổn Cây Di sản Việt Nam tại Cao Bằng

Cập nhật: 15/06/2020
Theo thông tin từ Văn phòng Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, sắp tới VACNE phối hợp cùng Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Cao Bằng và các cơ quan hữu quan tổ chức Tọa đàm về hoạt động Bảo tổn Cây Di sản Việt Nam trong 10 năm qua và định hướng các hoạt động sắp tới.

Cụ thể, Tọa đàm dự kiến tổ chức vào ngày 22/6/2020 tại thành phố Cao Bằng với tên gọi: Tọa đàm 10 năm Sự kiện Bảo tổn Cây Di sản Việt Nam. Đây là một trong chuỗi hoạt động của VACNE, nhân kỷ niệm 10 năm phát động phong trào, nhằm huy động sức mạnh của cộng đồng cùng bảo vệ và chăm sóc tốt hơn những cây cổ thụ, cùng cảnh quan thiên nhiên môi trường hiện có; đồng thời nhân nhanh những nguồn gien quý hiếm, phục vụ phát triển kinh tế, du lịch và tạo thêm nhiều nguồn sinh kế mới cho người dân Việt Nam.

Chương trình Tọa đàm dự kiến gồm: Văn nghệ chào mừng; TS. Nguyễn Ngọc Sinh Chủ tịch VACNE khai mạc; Ông Nông Văn Chiêm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng phát biểu chào mừng; GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Đồng Cây Di sản Việt Nam: 10 năm Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam; Ông Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Cao Bằng: Cao Bằng với sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam 10 năm qua; GS.TS Phạm Văn Lầm: Chăm sóc, kéo dài tuổi thọ cây Di sản – Cây cổ thụ (đây cũng là định hướng chính cho giai đoạn tới của VACNE trong hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam.

Tọa đàm cũng có sự tham dự và thảo luận của các đại biểu đến từ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Lâm nghiệp, đại diện các sở ban ngành và tổ chức của Cao Bằng, Câu lạc bộ Đạp xe kết nối Cây Di sản, phóng viên báo, đài,…

Cũng nhân dịp này, các đại biểu tham dự Tọa đàm sẽ tham dự Lễ công nhận Cây Di sản tại địa phương, thăm quan một số địa điểm có Cây Di sản tại thành phố Cao Bằng, thăm quan Di tích Pắc Bó, thăm khám và đề xuất phương án xử lý cây Sấu tại cửa khẩu Sóc Giang, mới bị gió bão làm gãy cành.

PV

Nguồn: Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam